Lịch sử Việt Nam qua cái nhìn của các học giả Phương Tây
Nhưng có lẽ sử gia Việt Nam người ngoại quốc đáng kể nhất là Joseph Buttinger. Buttinger sinh vào đúng ngày 30 tháng 4 năm 1906 tại Áo và như định mệnh, cuộc đời ông gắn bó với sự thăng trầm của dân tộc Việt Nam trong bối cảnh của cuộc Chiến tranh lạnh. Khi Đức Quốc Xã tiến vào Áo, Buttinger cùng người vợ sinh ra tại Mỹ trốn sang Paris và làm Chủ tịch lưu vong của Đảng Xã hội Áo. Trong lúc lửa đạn chiến tranh tràn lan khốc liệt, Buttinger giúp thành lập chương trình yểm trợ người tỵ nạn cho Ủy Ban Cứu trợ Quốc tế (International Rescue Committee hay là IRC) và giúp hàng chục ngàn người tỵ nạn chạy trốn Đức Quốc Xã. Ông làm Giám đốc của IRC trên 40 năm.
Sau Hiệp định Gevene chia đôi đất nước tại vỹ tuyến 17, Buttinger đại diện cho IRC đến Việt Nam để yểm trợ chương trình di cư của gần một triệu người từ miền Bắc vào Nam. Từ đó, ông đam mê nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam và trở thành một người bạn thân của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Buttinger thành lập tổ chức có tên gọi là “Những người bạn Mỹ của Việt nam” (American Friends of Vietnam) và là tác giả của 5 quyển sách liên quan tới lịch sử Việt nam gồm có: The Smaller Dragon – a Political History of Vietnam (1958); Vietnam: a Dragon Embattled (1967); Vietnam: a Political History (1968); A Dragon Defiant: a Short History of Vietnam (1972); và Vietnam: an Unforgettable Tragedy (1977).
Như Buttinger, Bernard Fall sinh tại Áo vào năm 1926 và chạy sang Pháp khi Đức xua quân vào Vienna trong thập niên 40. Khi chỉ mới 16 tuổi, Fall đã gia nhập quân đội Pháp và giáp trận với Đức tại The Alps. Ông giải ngũ vào năm 1946 và được trao tặng huân chương Liberation Medal. Sau cuộc chiến, Fall làm việc cho Tòa án Chiến tranh Nuremberg giúp điều tra và truy tố lãnh tụ của Đức Quốc Xã. Sau đó, ông theo học các trường Đại Học Paris và Munich. Vào năm 1950, Fall được học bổng Fullbright sang Mỹ và tốt nghiệp thạc sĩ Khoa học Chính trị tại Đại Học Syracuse vào năm 1952.
Fall theo đuổi sự nghiệp học giả và được khuyến khích tập trung nghiên cứu lãnh vực Đông Dương vì có kinh nghiệp từng làm lính Pháp. Ông theo đuổi hết mình. Fall không chỉ chôn mình trong các thư viện mà qua tận Việt Nam hành quân cùng lính Pháp với máy ghi âm. Vì có quốc tịch Pháp nên ông được đưa vào Điện Biên Phủ bằng máy bay để quan sát trận chiến giữa Việt minh và Pháp. Trở về Mỹ, ông nhận bằng tiến sĩ và trở thành Phó Giáo sư tại American University ở Washington và sau đó là giáo sư tại Howard University.
Fall quay lại Việt Nam thêm 5 lần nữa vào những năm 1957, 1962, 1965, 1966 và 1967. Vào ngày 20/02/1967, Berbard Fall tháp tùng tiểu đoàn 1 của thủy quân lục chiến Mỹ hành quân trên một con đường mang tên “Con đường không có niềm vui” (Street Without Joy) là tên của quyển sách đầu tiên về cuộc chiến Đông Dương mà Fall xuất bản vào năm 1954, thuộc hướng tây bắc của thành phố Huế. Fall tử nạn khi bước lên mìn trong tay còn đang cầm máy ghi âm và miệng đọc lại những lời cuối là “…có vẻ không ổn – có nghĩa là đáng nghi…Có thể là cái bẫ-”.
Cũng như Joseph Buttinger, Bernard Fall để lại 5 quyển sách quý giá về lịch sử và cuộc chiến Việt Nam gồm có: Street Without Joy (1954), The Two Vietnam (1963), Hell in a Very Small Place: The Siege of Dien Bien Phu (1966), Ho Chi Minh on Revolution; Selected Writings 1920-66 (1967) và Last Reflections on a War (1967).
Ellen Hammer là một chuyên gia nghiên cứu lịch sử Việt nam cận đại. Bà sinh năm 1921 tại New York và lấy bằng tiến sĩ Công Pháp và Chính quyền tại Columbia University. Quyển sách đầu tiên của bà “Cuộc tranh giành tại Đông Dương” (The Struggle for Indochina) xuất bản vào năm 1954 được coi là sách giáo khoa cho giới nghiên cứu về lịch sử Việt nam. Bà là một trong những người Mỹ hiếm hoi tới Việt Nam vào thập niên 50 trước khi quân Mỹ đổ bộ vào. Bà tới nghiên cứu rồi yêu mến đất nước và con người Việt Nam để rồi đau khổ khi nhìn thấy số phận Việt nam chìm đắm trang lửa đạn, tan thương và mất vào tay cộng sản Bắc Việt vào ngày 30/4/1975. Nỗi ám ảnh này theo đuổi mãi cho tới 1987 bà mới quay lại với đề tài của sự nghiệp nghiên cứu qua quyển sách thứ hai mang tựa đề “Một cái chết trong tháng 11” (A Death in November) xuất bản vào năm 1987, tường thuật lại sự kiện dẫn đến cuộc đảo chánh và cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng như vai trò của Mỹ trong thời khắc lịch sử đầy biến động này.
David George Marr sinh năm 1937 tại tiểu bang Georgia Hoa kỳ. Ông gia nhập quân báo thủy quân lục chiến. Ông đã học tiếng Việt tại Mỹ và được đưa sang Việt nam vào năm 1962. Marr giải ngũ vào năm 1964 và ghi danh học và lấy bằng tiến sĩ lịch sử Việt nam tại Berkley University vào năm 1968. Sau 1975, Marr cùng gia đình dời sang Úc sinh sống và làm việc. Hiện nay, ông là giáo sư của Đại Học Quốc Gia Úc tại Canberra. Marr là tác giả của 5 quyển sách về lịch sử Việt nam gồm có: Vietnamese Anticolonialism 1885-1925 (1971), Vietnamese Tradition on Trial, 1920-1945 (1981), Vietnam: World Bibliographical Series (1992), Vietnam 1945: The Quest for Power, University of California Press (1995) và Vietnam 1945-46: State, War, and Revolution (2013).
David Halberstam là ký giả của tờ báo The New York Times. Ông tới Việt nam vào năm 1962. Vào năm 1963, ông nhận giải George Polk vì những bài viết về cuộc chiến Việt nam gồm có bài tường thuật cảnh tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức mà ông có mặt tại hiện trường. Ông rời Việt nam vào năm 1964 và nhận Giải Pulitzer trong năm đó. Halberstam xuất bản quyển sách “Tạo nên một bãi lầy” (The making of a quagmire) vào năm 1965 tiên đoán trước sự thất bại của Hoa kỳ tại Việt Nam. Những bài viết và tường thuật của ông có nhiều ảnh hưởng đối với dư luận đến nỗi Tổng Thống Kenedy đề nghị với The New York Times là nên thay thế ông bằng người khác.
Stanley Karnow sinh năm 1925 tại Brooklyn và phục vụ trong không quân Mỹ trong Đệ nhị Thế chiến. Ông trở thành ký giả của báo Time tại Paris vào năm 1950. Time gửi ông qua Việt nam vào năm 1959 khi 2 người lính Mỹ đầu tiên chết tại Biên Hoà và tường thuật về cuộc chiến cho tới 1975. Trong khoảng thời gian này, ông bắt đầu soạn thảo quyển Vietnam: A History xuất bản vào năm 1983. Ông là nhà biên soạn chính cho bộ phim tài liệu truyền hình dài 13 tiếng do PBS trình chiếu. Bộ phim này thắng 6 giải Emmy.
William J Duiker là nhân viên Bộ Ngoại Giao Mỹ phục vụ trong cuộc chiến Việt Nam. Ông là tác giả của quyển sách về cuộc đời của Hồ Chí Minh (Ho Chi Minh: A Life) xuất bản bào năm 2000. Hiện nay ông là Giáo sư trường Đông Á của Đại Học Penn State University.
Seth Jacobs là Giáo sư sử tại Đại Học Boston College. Ông dạy các môn lịch sử quân đội và ngoại giao Mỹ và cuộc chiến Việt nam. Một trong những lãnh vực nghiên cứu chính của ông là quan hệ giữa chính quyền Mỹ với Tổng Thống Ngô Đình Diệm thể hiện qua quyển sách “Cold War Mandarin: Ngo Dinh Diem and the Origins of America’s War in Vietnam 1950-1963” xuất bản vào năm 2006.
Edward Miller law Phó Giáo sư Sử tại Đại Học Dartmouth College. Ông là tác giả của quyển sách “Misalliance, Ngo Ding Diem, the United States, and the Fate of South Vietnam”. Trong quyển sách này, ông đã đưa ra một số nhận định mới về mối quan hệ phức tạp giữa Mỹ và Tổng Thống Ngô Đình Diệm tác động thế nào đến số phận của VNCH.
Dĩ nhiên là còn có nhiều sử gia, học giả và nghiên cứu sinh khác về lịch sử Việt Nam và đặc biệt là cuộc chiến Việt Nam. Họ có nhiều lợi điểm vì có thể tận dụng công trình nghiên cứu của những người đi trước cộng với nhiều tài liệu đã được giải mật. Do đó, sản phẩm của các cuộc nghiên cứu sau này thường là trung thực, khách quan và cân bằng hơn.
Mục tiêu của việc học sử là lãnh hội kinh nghiệm của những người đi trước hầu tránh khỏi hoặc giảm thiểu sai lầm của quá khứ. Có nhiều người Việt cho rằng học giả ngoại quốc thường có cái nhìn thiên tả trong cuộc chiến Việt Nam. Quan điểm này đúng một phần nào nhưng không phải sử gia ngoại quốc nào cũng vậy. Ngược lại, đa số họ là những người làm việc theo đúng truyền thống và phương pháp khoa học mà các viện đại học và các nhà xuất bản có tầm vóc quốc tế đòi hỏi. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta phải đồng ý hoặc chấp nhận tất cả mọi diễn giải của họ về lịch sử Việt Nam. Điều quan trọng là người Việt nên có tư duy cởi mở đón nhận mọi nhận xét phê bình của người ngoại quốc hầu tránh lập lại những sai lầm của những người đi trước trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước. Tiếp thu lịch sử một cách trung thực, khách quan trong tinh thần học hỏi, cầu thị là bước khởi đầu trong nỗ lực góp phần viết lên những trang sử hào hùng để lưu truyền hậu thế.
Ls Nguyễn Văn Thân