Tin Biển Đông – 20/09/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 20/09/2018

Trung Quốc cáo buộc tàu nước ngoài

gây bất ổn Biển Đông

Đại sứ Trung Quốc tại Anh nói rằng chiến dịch tự do hàng hải của các cường quốc tại Biển Đông đe dọa an ninh của Trung Quốc, phá hoại hòa bình và ổn định của khu vực.

Đại sứ Trung Quốc tại Anh là ông Lưu Hiểu Minh nói như vậy vào hôm thứ tư 19/9, tại một buổi gặp mặt thường niên của các nhà ngoại giao tại các quốc gia thuộc khối Thịnh vượng chung Anh Quốc.

Tờ Bưu điện Hoa Nam trích dẫn lời nói đó và cho biết những phát biểu của ông Lưu cũng được lưu trên trang web của sứ quán Bắc Kinh tại Luân Đôn.

Phát biểu của ông Lưu được đưa ra sau khi một chiếc tàu chiến Anh tên là HMS Abion đi ngang qua quần đảo Hoàng Sa vào ngày 31 tháng 8. Quần đảo này Trung Quốc đang chiếm giữ, nhưng Việt Nam cũng đòi chủ quyền.

Chiếc tàu chiến Anh này thực hiện hành trình kể trên trong sự hưởng ứng hoạt động tự do hàng hải của Hoa Kỳ được khởi xướng từ thời Tổng thống Obama, và đang được tiếp tục dưới thời Tổng thống Trump.

Úc và Pháp tham gia chiến dịch này và đã đưa tàu chiến đi vào biển Đông.

Mới gần đây nhất Nhật Bản đã cho tàu ngầm vào Biển Đông thực hiện một cuộc tập trận, gây nên sự chỉ trích của Trung Quốc.

Hãng thông tấn Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc cũng trích lời ông Lưu trong buổi gặp gỡ các nhà ngoại giao kể trên, rằng vấn đề tự do hàng hải không bao giờ bị cản trở trong vùng Biển Đông, và ông ca ngợi sự hợp tác của Trung Quốc với các quốc gia Đông Nam Á đã cải thiện an ninh khu vực thông qua sự đàm phán và tham vấn.

Ông Lưu không nêu tên các quốc gia tham gia chiến dịch tự do hàng hải, nhưng ông nói rằng họ ở bên ngoài mà lại đem máy bay và tàu chiến đến Biển Đông, gây nên bất ổn.

Ông nhấn mạnh tự do hàng hải kiểu đó phải được chấm dứt, nếu không Biển Đông không bao giờ yên ổn.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên 90% diện tích Biển Đông. Nhưng một tòa trọng tài quốc tế ở Hà Lan, sau khi thụ án đơn kiện Trung Quốc của Philippines, đã ra một phán quyết vào năm 2016 rằng Bắc Kinh không có chủ quyền lịch sử ở Biển Đông như họ tuyên bố.

Tòa này còn nói rằng chiếu theo công ước quốc tế về luật biển, xung quanh các đảo đá và bãi cạn trên Biển Đông, do bất cứ quốc gia nào chiếm đóng, các quốc gia đó cũng không được xác định vùng đặc quyền kinh tế xung quanh.

Mục đích của chiến dịch tự do hàng hải do Mỹ chủ xướng từ năm 2015, cho các tàu chiến đi sát các đảo đá và bãi cạn, là nhằm thách thức đòi hỏi chủ quyền như thế của Trung Quốc.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/china-critics-foreign-warships-09202018094805.html

 

Việt Nam không phản đối

tàu chiến Anh, Nhật hoạt động ở Biển Đông

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 20/9 cho biết Việt Nam tôn trọng các quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông của các quốc gia, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Bà Hằng nói điều này khi trả lời câu hỏi về hoạt động gần đây của tàu chiến Anh và Nhật Bản ở Biển Đông hưởng ứng chương trình tự do hàng hải do Mỹ phát động từ năm 2015 nhằm thách thức các đòi hỏi về chủ quyền quá đáng của Trung Quốc ở vùng nước đang tranh chấp.

Trước đó, tàu đổ bộ HMS Albion của Hải quân Hoàng gia Anh đã đi gần quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc kiểm soát, trước khi cập cảng Sài Gòn hôm 3/9.

Mới đây, tàu ngầm JS Kuroshio của Nhật bản cũng đã tiến hành tập trận lần đầu tiên ở Biển Đông trước khi cập cảng Cam Ranh của Việt Nam vào ngày 17/9.

Bà Hằng cho biết phía Nhật đã có thông báo cho Việt Nam về việc tàu ngầm Kuroshio hôm 13/9 đã diễn tập ở Biển Đông.

Trung Quốc mới đây đã lên tiếng phản đối các hoạt động của tàu chiến Anh và Nhật Bản ở Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng kêu gọi các nước không có tranh chấp ở Biển Đông không nên làm tổn hại tới hòa bình và ổn định ở vùng biển này.

Đại sứ Trung Quốc tại Anh, Lưu Hiểu Minh hôm 19/9 nói rằng chiến dịch tự do hàng hải của các cường quốc tại Biển Đông đe dọa an ninh của Trung Quốc, phá hoại hòa bình và ổn định của khu vực.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-comments-on-english-and-japanese-warships-in-scs-09202018093623.html

 

Việt Nam hoan nghênh đề nghị của Trung Quốc

cùng khai thác Biển Đông

Việt Nam lên tiếng ủng hộ hợp tác trên biển theo luật pháp quốc tế sau khi Trung Quốc đề nghị hai bên cùng khai thác để giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông.

Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Vương Nghị đưa ra đề nghị trên với phía Việt Nam trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại TP HCM hôm 16/9, truyền thông trong nước cho biết.

Việt Nam hoan nghênh hợp tác giữa các quốc gia, trong đó có các hợp tác về biển.

Lê Thị Thu Hằng, Người phát ngôn BNG

Ông Vương Nghị nói cách tốt nhất để kiểm soát bất đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc là “cùng hợp tác để khai thác” trong vùng biển tranh chấp.

Ngày 20/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng được Đài Tiếng nói Việt Nam trích lời nói “chủ trương nhất quán của Việt Nam là ủng hộ hợp tác trên biển theo đúng các quy định và định chế của công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982.”

Bà Hằng nói chủ trương này phù hợp với quyền và lợi ích của Việt Nam, và đồng thời tôn trọng quyền và lợi ích của các bên liên quan.

“Việt Nam hoan nghênh hợp tác giữa các quốc gia, trong đó có các hợp tác về biển,” người phát ngôn cho biết.

Mặc dù Việt Nam và Trung Quốc cam kết cùng hợp tác trên Biển Đông trong các cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo hai nước hồi đầu năm ngoái, khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Bắc Kinh, và cuối năm ngoái, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Hà Nội, nhưng vẫn xảy ra những căng thẳng giữa hai bên về vấn đề Biển Đông, nhất là trong những tháng gần đây.

Vào trung tuần tháng 4, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã hai lần lên tiếng phản đối các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông sau nhiều tháng im lặng trước các động thái bành trướng của Trung Quốc. Gần đây nhất vào ngày 23/8, Việt Nam lên tiếng phản đối trước dấu hiệu cho thấy Trung Quốc hình như đã đưa vũ khí hạt nhân ra các đảo nhân tạo mà họ đã xây trong Biển Đông. Trước đó trong tháng, Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu Trung Quốc dừng kỷ niệm 6 năm thành lập ‘thành phố Tam Sa.’

Hà Nội không loại trừ khả năng gác tranh chấp, cùng khai thác trên Biển Đông với các bên liên quan, trong đó có Trung Quốc.

Đỗ Thanh Hải, Học viện Ngoại giao Việt Nam

Theo các học giả, Việt Nam thường tránh xung đột với Trung Quốc vì muốn duy trì quan hệ chính trị và kinh tế chặt chẽ với quốc gia này.

Hồi tháng 4, Giáo sư Carl Thayer của Đại học News South Wales nói với VOA rằng Việt Nam có thể phải kiềm hãm các quan điểm thù địch với Trung Quốc ở trong nước để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ với nước láng giềng phương Bắc.

Tại một hội thảo thường niên về Biển Đông tổ chức tại Washington hôm 26/7, một quan chức cấp cao của Học viện Ngoại giao Việt nam, Đỗ Thanh Hải, cho VOA biết Hà Nội không loại trừ khả năng gác tranh chấp, cùng khai thác trên Biển Đông với các bên liên quan, trong đó có Trung Quốc.

Tuy nhiên, Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam đã lên tiếng cảnh báo khi trả lời phỏng vấn báo chí trong nước về những “cạm bẫy” mà Trung Quốc cài cắm trong chiến lược ‘gác tranh chấp, cùng khai thác’ có thể khiến Việt Nam gặp khó trong việc bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông.

Hiện chưa rõ làm thế nào Việt Nam có thể ‘gác tranh chấp, cùng khai thác’ với Trung Quốc nhưng theo ông Đỗ Thanh Hải, Hà Nội khẳng định sẽ không chấp nhận bất cứ sự áp đặt nào

https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-huong-ung-de-nghi-cua-trung-quoc-cung-khai-thac-bien-dong/4579960.html