Tin Việt Nam – 13/09/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 13/09/2018

Quảng Ngãi khởi tố

dân chặn xe rác bị cho gây ô nhiễm

Công an tỉnh Quảng Ngãi vừa ra quyết định khởi tố 9 người tham gia phản đối nhà máy xử lý rác gây ô nhiễm trong vụ việc hàng trăm người dân ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ tụ tập trên quốc lộ 1A, hồi đêm 2 tháng 9.

Truyền thông trong nước loan tin vừa nêu vào ngày 13 tháng 9, dẫn nguồn từ Công an Quảng Ngãi cho biết có 9 đối tượng bị khởi tố về hành vi gây rối trật tự công cộng. Đồng thời, công an cũng đang xem xét xử lý một số người bị cho là đã đưa thông tin sai lệch trên mạng xã hội Facebook về hoạt động của Nhà máy xử lý chất thải rắn huyện Đức Phổ nhằm kích động dân chúng.

Kể từ cuối tháng 7 kéo dài cho đến hết tuần lễ đầu của tháng 8 vừa qua, người dân ở xã Phổ Thạnh đã ngăn chặn không cho xe chở rác vào Nhà máy xử lý rác Sa Huỳnh, thậm chí người dân còn mang cả quan tài để ra đường để phản đối nhà máy xử lý rác chưa đảm bảo môi trường, phát sinh mùi hôi và khoảng cách từ nhà máy đến khu dân cư chỉ khoảng 600m.

Vào ngày 23 tháng 8, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi tuyên bố có những sai phạm trong việc hoàn tất thủ tục cho phép xây dựng nhà máy xử lý rác và khoảng cách từ nhà máy đến nhà dân chưa đúng quy định. Đại diện tỉnh hứa sẽ không cho nhà máy hoạt động và sẽ cho di dời nhà máy.

Tuy nhiên, khi có thông tin nhà máy vẫn hoạt động, hàng trăm người dân, vào đêm 2 tháng 9, đã tập trung ở quốc lộ 1A để yêu cầu chính quyền xã Phổ Thạnh xác minh sự việc.

Vào sáng ngày 3 tháng 9, người dân địa phương  cho biết công an đã bắt giữ 31 người trong vụ tập trung chặn xe ở Quốc lộ 1A.

Vào sáng ngày 4 tháng 9, người dân địa phương cho RFA biết có khoảng hai ngàn người đã đến Ủy ban nhân dân xã Phổ Thạnh để đòi trả tự do cho 31 người bị bắt và đối thoại với giới chức địa phương. Tuy nhiên, cuộc tập trung này đã dẫn đến xô xát và khiến ít nhất một người dân bị thương phải đi bệnh viện, theo lời của một nhân chứng tại hiện trường.

Chiều cùng ngày, công an tỉnh Quảng Ngãi họp báo cho biết công an đã bắt giữ 9 người vì có hành vi gây rối trật tự công cộng, chống đối người thi hành công vụ, và lập biên bản vi phạm hành chính với 23 người khác. Công an Quảng Ngãi ước tính có khoảng 500 người đã tham gia tập trung vào đêm 2/9 rạng sáng ngày 3/9 trên Quốc lộ 1A.

Vào ngày 6 tháng 9, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ra quyết định thanh tra toàn diện đối với nhà máy xử lý rác sinh hoạt Sa Huỳnh tại địa phương này trong vòng 45 ngày.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/quang-ngai-prosecutes-9-people-for-disturbing-order-09132018082852.html

 

Án tù cho năm công an đánh chết dân

Một tòa án tại tỉnh Ninh Thuận tuyên tổng cộng 27 năm tù giam cho 5 người từng là công an tại thành phố Phan Rang- Tháp Chàm vì đã dùng nhục hình dẫn chết tử vong cho một nghi phạm ma túy trong đồn công an.

Truyền thông trong nước loan tin năm người gồm Ngô Văn Sáng bị tuyên 7 năm tù, Trần Đức Lâm 6 năm tù, Nguyễn Phạm Việt Hà 6 năm tù, Hồ Bá Đồng 5 năm tù và Vũ Trọng Trường 3 năm tù.

Sự việc xảy ra vào ngày 8/9/2017 khi ông Võ Tấn Minh (25 tuổi) bị công an tỉnh đưa về Nhà tạm giữ công an thành phố Phan Rang – Tháp Chàm sau 4 tháng bị công an tỉnh bắt và khởi tố để điều tra hành vi Mua bán trái phép chất ma túy. Vào chiều cùng ngày, bị can này được phát hiện bị thương nặng trong phòng giam.

Theo kết quả điều tra thì khi bị bắt, ông Minh có sức khỏe bình thường.

Điều tra sau đó cho thấy ông Minh đã bị 5 nhân viên công an nêu trên còng tay vào cửa sổ trong phòng điều tra và đánh đến chết.

Đại diện của nạn nhân Võ Tấn Minh là luật sư Võ An Đôn bình luận về bản án với đài RFA:

Tòa xử tội dùng nhục hình là không đúng. Tại tòa tôi đề nghị chuyển tội danh dùng nhục hình sang tội giết người, bởi vì các bị cáo đã dùng cây gỗ, dùng chân, dùng tay, và còng chân tay người bị hại lên cửa sổ và đánh tới chết. Hành vi này mang tính chất côn đồn và phạm tội trong tình trạng người bị hại không chống đỡ được, không tự vệ được, nên đề nghị chuyển tội danh nhưng tòa không đồng ý.”

Báo chí Việt Nam cũng trích tin từ tòa án, dẫn lời phản đối bản án của luật sư Võ An Đôn, nhưng không nêu tên ông.

Truyền thông Việt Nam cũng trích lời cơ quan tố tụng là Viện kiểm sát rằng yêu cầu của luật sư là không đúng.

Tòa án cho rằng các hành vi của 5 nhân viên công an là nghiêm trọng, gây bất bình trong xã hội và làm xấu hình ảnh công an, tuy nhiên tòa án cho rằng các bị cáo đã thành khẩn nhận tội và đồng ý bồi thường cho nạn nhân, nên bản án được giảm nhẹ.

Đây không phải là lần đầu tiên người dân bị bắt vào đồn công an với sức khỏe bình thường, nhưng sau đó lại chết. Vấn đề này đã bị những tổ chức dân sự và giới hoạt động xã hội phản đối mạnh mẽ. Một trong những nhà hoạt động lên tiếng về vấn đề công an dùng nhục hình đối với dân là bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm. Những người trong nhóm của bà thực hiện một bản thống kê về hành vi bạo lực của công an. Hiện bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đang phải thụ án 10 năm tù giam với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước.’

Theo thống kê của Bộ Công an được truyền thông trong nước trích dẫn, từ năm 2011 – 2014 đã có 226 người bị chết một cách bất minh ở nơi giam giữ. Cũng theo truyền thông trong nước, từ năm 2011 – 2015, tòa án Việt Nam đã xét xử sơ thẩm 10 vụ án dùng nhục hình.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/jail-time-5-police-brutality-09132018091412.html

 

Đã xác định sai phạm của công ty Long Sơn

và tỉnh Đắk Nông trong vụ án Đặng Văn Hiến

Thanh tra tỉnh Đắk Nông hôn 12 tháng 9 cho biết đã xác định sai phạm trong vụ tranh chấp đất giữa công ty TNHH Long Sơn với người dân tại tiểu khu 1535.

Mạng báo Dân trí loan tin kết luận thanh tra chỉ rõ ngày 14/10/2010, Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông đồng ý cho Công ty Long Sơn thuê 1079 ha đất tại Tiểu khu 1535 (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức). Đến tháng 1/2011, UBND tỉnh Đắk Nông mới có quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Long Sơn. Tuy nhiên, trước đó, tháng 2/2008, UBND tỉnh Đắk Nông đã quyết định cho Công ty Long Sơn thuê quyền sử dụng đất và thuê rừng tại diện tích trên.

Thêm vào đó là Công ty Long Sơn đã lập dự án không chính xác về năng lực điều hành, tổ chức lao động và tài chính.

Kết luận thanh tra cho biết có nhiều lãnh đạo Sở NN-PTNT, Sở KH – ĐT, Sở TN-MT, UBND huyện Tuy Đức, UBND xã Quảng Trực… liên quan trực tiếp đến sai phạm.

Về vụ tranh chấp đất đai này, rạng sáng 23/10/2016, Công ty Long Sơn cử một đoàn người tiến vào cưỡng chế đất vườn của một số người dân bất chấp cảnh báo từ phía những gia đình trong cuộc. Ông Đặng Văn Hiến (SN 1970), Ninh Viết Bình (SN 1982), Hà Văn Trường (SN 1985) đã dùng súng tự chế bắn vào đoàn người của Công ty Long Sơn.

Sau đó, cơ quan chức năng xác định Đặng Văn Hiến là người trực tiếp nổ súng khiến 3 người chết, 13 người khác bị thương. Ông Đặng Văn Hiến bị tuyên án tử hình vào ngày 03/01/2018. Ninh Viết Bình 18 năm tù, Hà Văn Trường 9 năm tù cùng về tội giết người. Nhiều người quan tâm đến vụ án ký kiến nghị xem xét lại mức án tử hình đối với ông Đặng Văn Hiến với lý do ông này bị dồn vào thế phải nổ súng để giữ đất.

Phiên phúc thẩm vào ngày 12 tháng 7 giữ y án tử hình đối với ông Đặng Văn Hiến.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/Xac-dinh-sai-pham-cua-cty-longson-va-tinh-daknong-trong-vu-an-dangvanhien-09122018131300.html

 

Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực

sang ngày thứ 31

Cuộc tuyệt thực của nhà hoạt động Trần Huỳnh Duy Thức, đang chịu án tù 16 năm tại tỉnh Nghệ An, có thể đã bước sang ngày thứ 31, giữa lúc gia đình rất lo lắng cho sức khỏe của ông, và nhiều người ủng hộ cả ở trong và ngoài nước cũng tuyệt thực để đồng hành với ông và kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông ngay lập tức.

Trao đổi với VOA hôm 13/9 từ thành phố Hồ Chí Minh, bà Lê Đính Kim Thoa, vợ của ông Thức, nói gia đình rất lo lắng về tình trạng sức khỏe của chồng bà, và dù gia đình đã khuyên ông ngừng tuyệt thực nhưng ông không đồng ý.

“Hôm 31/8 khi vô thăm thì anh nói anh sẽ tiếp tục tuyệt thực. Anh không nghe theo lời gia đình khuyên. Tính đến ngày hôm đó thì anh đã tuyệt thực được 18 ngày rồi. Cho đến bây giờ vẫn chưa nhận được thông tin gì về anh. Thời gian như vậy là quá dài so với sức chịu đựng của một con người. Xin chỉ cầu xin cho anh được bình an.”

Thời gian như vậy là quá dài so với sức chịu đựng của một con người. Xin chỉ cầu xin cho anh được bình an.

Bà Lê Đính Kim Thoa, vợ của tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức

Bà Thoa cho biết phía trại giam không phản hồi yêu cầu hỏi thăm sức khỏe ông Thức qua điện thoại. Bà chỉ trông chờ vào chuyến thăm tù vào ngày 15/9 để biết tình hình của chồng mình ra sao.

Ông Trần Văn Huỳnh, cha của ông Trần Huỳnh Duy Thức hôm 9/9 đã gởi thư khẩn kêu cứu vì lo sợ cho tính mạng con mình.

Theo như trong thư kêu cứu, ông Trần Văn Huỳnh cho biết mỗi ngày gia đình đều gọi điện thoại vào trại giam số 6 Nghệ An để hỏi thăm nhưng trại giam không bắt máy, không trả lời điện thoại.

Trong lần gặp gần đây nhất cách đây hai tuần, gia đình Trần Huỳnh Duy Thức thấy ông rất mệt và yếu do tuyệt thực dài ngày, từ 14/8/2018. Lý do tuyệt thực là vì phía an ninh đang muốn gây áp lực buộc ông Thức nhận tội để được đặc xá.

Lý do chính mà anh đưa ra là phải thượng tôn pháp luật – anh Thức là người không có tội.

Bà Lê Đính Kim Thoa

Bà Thoa cho biết thêm:

“Lý do chính mà anh đưa ra là: phải thượng tôn pháp luật – anh Thức là người không có tội, vì vậy phải thả anh theo điều luật mới; vụ án của anh phải trở thành án lệ – lật đổ chính quyền thì phải có tác động vật lý thì mới cấu thành điều 79 ‘lật đổ chính quyền,’ anh không phải đấu tranh cho riêng anh mà tất cả các tù nhân lương tâm bị kết tội cùng tội danh sau này.”

Hôm 12/9, nhiều cá nhân và tổ chức dân sự độc lập ở Việt Nam đã lập thỉnh nguyện thư gửi Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch nước, Chánh an Tòa án Tối cao và các cơ quan khác, yêu cầu xem xét vụ án của ông Trần Huỳnh Duy Thức dựa trên luật pháp hiện hành và quyết định trả tự do cho ông Thức ngay lập tức, vì họ cho rằng “trường hợp của ông đáp ứng các điều kiện luật định để được hưởng mức hình phạt thấp hơn mức án 16 năm tù mà ông đã bị tuyên phạt.”

Các buổi lễ cầu nguyện tập thể đã diễn ra ở một số nơi trong nước để bày bỏ sự đồng tình và ủng hộ lòng kiên cường của ông Trần Huỳnh Duy Thức, 52 tuổi, một kỹ sư và cũng là một doanh nhân. Ông bị bắt vào tháng 5/2009 về tội “lật đổ chính quyền.”

Từ Nghệ An, linh mục Đặng Hữu Nam, thuộc giáo xứ Mỹ Khánh, nơi các linh mục và giáo dân hàng tuần đến thắp nến cầu nguyện cho ông Thức. Linh mục Nam nói với VOA:

Chúng tôi rất lo lắng. Chúng tôi nhìn về anh Trần Huỳnh Duy Thức là một mẫu gương, một người anh dũng trong việc đấu tranh cho công lý, hòa bình, cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam.

Linh mục Đặng Hữu Nam

“Chúng tôi là các giáo dân và cha xứ của giáo xứ Mỹ Khánh, đồng hành cùng anh Trần Huỳnh Duy Thức. Chúng tôi rất thao thức khi các thông tin về tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức không được đưa ra, với một con người bình thường khi tuyệt thực trong 30 ngày là những ngày cuối của ngưỡng sức chịu đựng.Chúng tôi rất lo lắng. Chúng tôi nhìn về anh Trần Huỳnh Duy Thức là một mẫu gương, một người anh dũng trong việc đấu tranh cho công lý, hòa bình, cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam.”

Thượng tọa Thích Vĩnh Phước ở huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho VOA biết trong tuần này các chư tăng và Phật tử cũng tổ chức lễ cầu nguyện và tự nguyện tuyệt thực từ 1 đến 3 ngày, để đồng hành cùng tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức.

“Các chư tăng đã làm lễ cầu nguyện và tuyệt thực 1 ngày, đồng hành với anh Trần Huỳnh Duy Thức. Các Phật tử, với tinh thần rất cao, đã tuyệt thực từ 2 đến 3 ngày. Đạo tràng chúng tôi cũng có làm lễ cầu an, và hướng tâm cầu nguyện cho anh Trần Huỳnh Duy Thức, người đang chịu án tù 16 năm, anh đã ở trong tù được 9 năm.”

Các Phật tử, với tinh thần rất cao, đã tuyệt thực từ 2 đến 3 ngày. Đạo tràng chúng tôi cũng có làm lễ cầu an, và hướng tâm cầu nguyện cho anh Trần Huỳnh Duy Thức.

Thượng tọa Thích Vĩnh Phước.

Đầu tháng 8/2018 Tổng cục 8 của Bộ Công an đã có văn bản trả lời luật sư Ngô Ngọc Trai – người thường xuyên lên tiếng đề nghị chính quyền đặc xá và trả tự do cho ông Thức:

“Hiện nay Nhà nước ta chưa có chủ trương đặc xá năm 2018 nên không có căn cứ để xem xét, đề nghị đặc xá cho phạm nhân Trần Huỳnh Duy Thức.”

Tháng trước, ông Trần Huỳnh Duy Tân, em trai của ông Thức, nói với báo chí rằng anh ông đang bị nhà chức trách ép buộc phải nhận tội thì mới có thể được xét đặc xá, nhưng tù nhân Trần Huỳnh Duy Thức cương quyết không nhận tội.

Nhiều blogger trong và ngoài nước đang đồng hành và tuyệt thực cùng ông Thức.

Từ Hà Nội, Blogger Lien Huynh viết trên Facebook hôm 12/9: “Bắt đầu 0h ngày 13/9/2018 tôi sẽ tuyệt thực 24h để đồng hành cùng anh, sau một ngày nếu điều kiện sức khoẻ cho phép tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng anh để yêu cầu nhà nước phải thả tự do vô điều kiện cho Trần Huỳnh Duy Thức theo luật định của pháp luật.”

​Từ Melbourne, Úc, hôm 13/9, bà Bach Nga cũng đồng hành cùng ông Thức với lời nhắn: “Gửi hơi ấm về Cố hương…Tuyệt thực tiếp sức một ngày đồng hành cùng anh Trần Huỳnh Duy Thức. Yêu cầu nhà cầm quyền Vietnam trả tự do ngay lập tức cho anh, người con ưu tú của nước Việt. Yêu Nước Không Có Tội!”

Blogger Minh Không từ Châu Âu cho biết trên Facebook rằng ông quyết định tuyệt thực 3 ngày từ ngày 13 đến ngày 16/9 để đồng hành cùng ông Thức.

Từ Hoa Kỳ, Blogger Điếu Cầy – Nguyễn Văn Hải, người từng tuyệt thực trong trại số 6 Nghệ An, chia sẻ trên trang cá nhân rằng ông và các bạn bè ở thành phố Seattle, bang Washington đã đồng hành cùng ông Trần Huỳnh Duy Thức.

Linh mục Đặng Hữu Nam nhận định rằng rõ ràng việc chính quyền Việt Nam bỏ tù và ép ông Thức nhận tội là vi phạm hiến pháp và pháp luật.

“Vốn dĩ việc anh bị bỏ tù là việc vi hiến và vi phạm pháp luật rồi. Vậy mà hiện nay trong nhà tù anh đang chịu nhiều áp bức. Công an và nhà cầm quyền ép anh nhận tội để rồi phóng thích anh, nhưng anh không chấp nhận vì anh không có tội. Và anh cũng tuyên bố rằng anh không có tội nên không nhận tội.”

Blogger Võ Xuân Sơn ở Thành phố Hồ Chí Minh viết trên Facebook hôm 13/9: “Được biết anh Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực đã hơn 30 ngày, tôi không khỏi lo lắng cho sức khỏe của anh. Tuyệt thực là một phương pháp đấu tranh bất bạo động, rất có hiệu quả với các chính thể coi trọng con người. Ở Việt nam, nơi mà nhân quyền không được coi trọng, thì việc tuyệt thực của anh sẽ ít có tác dụng với chính quyền này.”

Tuyệt thực là một phương pháp đấu tranh bất bạo động, rất có hiệu quả với các chính thể coi trọng con người. Ở Việt nam, nơi mà nhân quyền không được coi trọng, thì việc tuyệt thực của anh sẽ ít có tác dụng với chính quyền này.

Blogger Võ Xuân Sơn

Blogger này khuyên rằng: “Trần Huỳnh Duy Thức, anh phải sống! Dù anh có đang ở trong tù, thì anh vẫn là niềm hy vọng của rất nhiều người dân Việt nam.”

Blogger Mạnh Kim ở Sài Gòn, viết trên Facenook hôm 13/9: “Cách đây hơn 10 năm, khi mạng xã hội chỉ là một không gian chật hẹp giới hạn ở các trang blog, ông Trần Huỳnh Duy Thức đã nỗ lực đục thủng màn đêm để soi rọi ánh sáng tri thức vào các góc tối thời cuộc, như một người trí thức có lương tri đúng nghĩa. Ông không là người đi đầu trong việc nói lên thực trạng đất nước nhưng ông là người tiên phong trong việc phác họa những gì cần làm để đi tới tương lai.”

https://www.voatiengviet.com/a/tran-huynh-duy-thuc-tuyet-thuc-sang-ngay-thu-31/4570065.html

 

Tuyệt thực có ý nghĩa gì trong thế giới hiện đại?

Nguyễn Tuấn Khanh

Có bao giờ bạn tự hỏi, người ta biểu thị sự phản kháng bằng tuyệt thực để làm gì, và vì sao lại có chuyện tuyệt thực?

Tuyệt thực đã có trong lịch sử của loài người từ rất lâu, thậm chí hình thức này đã nằm trong ghi chép của luật pháp Ireland cổ xưa. Nếu ai đó nhận ra điều sai trái của bạn và tự mình nhịn đói đến chết trước cửa nhà bạn, đó là một món nợ danh dự và công lý suốt cuộc đời mà bạn phải gánh.

Trong đời sống hiện đại, Mahatma M. Gandhi (1869-1948), người tiên phong của phong trào bất tuân dân sự, đã phát động nhiều cuộc tuyệt thực và ăn chay để phản đối sự cai trị hà khắc của người Anh tại Ấn Độ. Con đường bất bạo động của ông tạo ra một giá trị khác của việc biểu tình: Những người tuyên bố tuyệt thực hay tham gia tuyệt thực không mang ý nghĩa của “chống lại”, mà họ hành động dựa trên sức mạnh tinh thần để đòi hỏi việc đạt được một giá trị phổ quát mang tính đại chúng.

Tuyệt thực trong việc phản kháng, bất tuân dân sự thường bị các chế độ độc tài hay cộng sản bóp méo là một hình thái như “nằm vạ”

Tuyệt thực trong việc phản kháng, bất tuân dân sự thường bị các chế độ độc tài hay cộng sản bóp méo là một hình thái như “nằm vạ”, nhưng thực chất các cuộc “nằm vạ” đó cao quý ở chỗ là các yêu cầu của người tuyệt thực thường nhắm đến một quyền lợi chung của cộng đồng, hay công bằng xã hội. Tuyệt thực được giáo sư Sharman Apt Russell, tác giả của Hunger: An Unnatural History (tạm dịch Nhịn đói: Một lịch sử bất thường) dẫn ra với những ví dụ đáng kính trọng, và thành quả của nó đã thúc đẩy nền văn minh và nhân ái của con người.

Một trong những người tuyệt thực đầu tiên được ghi vào sử sách đầu thế kỷ 20, là trường hợp của bà Marion Wallace-Dunlop (1864-1942). Là người đấu tranh cho nữ quyền và yêu cầu cho phái nữ phải được quyền bỏ phiếu bầu như nam giới, bị bắt giam, bà đã từ chối các bữa ăn. Khi bác sĩ trong trại giam đến yêu cầu bà dùng đến các phần ăn, bà đã tuyên bố “Ăn, là một quyền tự quyết của tôi”. Bà đã được trả tự do khỏi nhà tù Holloway sau 91 giờ tuyệt thực.

Nhưng cũng có chính quyền bất chấp cái chết của công dân mình. Chẳng hạn như trường hợp Bobby Sands (1954-1981), người đấu tranh cho việc cải thiện chế độ lao tù ở Bắc Ireland vào năm 1981. Đó là vết nhơ khó tả của chính quyền bấy giờ và bị ghi vào sử sách nhân loại như một hệ thống khủng bố con người. Trong mắt thế giới, loại chính quyền để cho công dân của mình tuyệt thực đến chết vì quan điểm khác biệt, là loại vô liêm sỉ.

Việc phản kháng bất bạo động là hình thức phổ biến và được rất nhiều người thực hiện, bao gồm những người không phải là chính trị gia. Mia Farrow – nữ diễn viên điện ảnh cũng đã áp dụng cách tuyệt thực để phản đối cuộc xung đột ở Darfur trong năm 2009. Chính quyền Khartoum (Sudan) đã dùng quân đội và công an để trấn áp và khuất phục dân chúng tại Darfur rằng chỉ có họ mới có quyền duy nhất lãnh đạo đất nước.

Tuyệt thực trở thành một hình thái văn hóa được tổ chức để kiếm tìm công lý trong thế kỷ 20” (“It has become an established cultural form of seeking justice in the 20th Century), nữ giáo sư Sharman Apt Russell đã khẳng định như vậy, trong sách của mình.

Tuy nhiên bà Russell cũng cảnh báo rằng, sức mạnh của vấn đề tranh đấu bằng tuyệt thực là được sự quan tâm liên tục của công chúng. Sức mạnh của việc tuyệt thực sẽ yếu dần nếu công chúng bị chính quyền tổ chức đánh lảng qua các sự kiện khác như giải trí, các vụ bê bối dàn dựng… Công lý và tính mạng của người tranh đấu phụ thuộc và sức quan tâm và chia sẻ lan rộng của cộng đồng. Thế kỷ 21, cộng đồng mạng là một sức mạnh vô lượng trong việc hậu thuẫn và giải cứu những người chọn đấu tranh bằng tuyệt thực.

Tuyệt thực không phải là hình thức hay nhất trong các loại tranh đấu, tuy nhiên vì hiệu quả của nó, nên tuyệt thực đã được sử dụng bởi cả hai phong trào bạo động và bất bạo động. Ý nghĩa phát đi khắp nơi cho thấy một hình ảnh quan trọng rằng ước muốn ôn hòa và chính nghĩa của người tranh đấu, đại diện cho sự tuyệt vọng và bất tín của nhân dân đối với nhà cầm quyền.

Nhà nghiên cứu xã hội học Michael Biggs từ đại học Oxford ghi nhận rằng thường thì các chính quyền đối diện với các trường hợp tuyệt thực, sẽ không sớm có các hành động nhượng bộ nhằm thách thức sức mạnh tinh thần và chịu đựng của các nhà tranh đấu. Nhưng càng kéo dài, chính quyền càng nhận được số lượng dân chúng căm ghét dành cho họ ngày càng lớn hơn. “Tính bất tuân dân sự và bất hợp tác của người dân dành cho chính quyền ngày càng lớn, đó là khởi đầu cho những hỗn loạn và sụp đổ của một chế độ coi thường mạng sống và tiếng nói của người dân”, Michael Biggs viết.

Trở lại với trường hợp đau lòng của nghị sĩ Bobby Sands, khi ông mất vì suy kiệt từ cuộc tuyệt thực cho việc đòi cải thiện chế độ lao tù, đám tang của ông tại Belfast đã có đến 100.000 tham dự, mở đầu cho tiền đề của một cuộc đổi thay. Trong thời hiện đại, việc đưa đám tang của một người tuyệt thực đến chết vì công lý và cộng đồng, hoặc chỉ tưởng niệm tại nhà, là những cam kết dứt khoát về việc không còn chấp nhận chế độ đương nhiệm.

Hầu hết những người đấu tranh bằng tuyệt thực muốn sử dụng mạng sống của mình như một cam kết sẵn sàng trả giá cho đổi thay. Tuyệt thực không có nghĩa là người tranh đấu muốn kết cục là cái chết, nhưng họ sẵn sàng chấp nhận cái chết, như một cột mốc để chính quyền xét lại tự cách cầm quyền của mình, trước sự giám sát và phẫn nộ của nhân dân.

Nếu được uống nước, một người tuyệt thực dẻo dai có thể sống đến 60 ngày, tuy nhiên, với thể trang yếu và mang bệnh, bất kỳ ai cũng có thể chết trong vòng 8 đến 10 ngày.

Việc tuyệt thực trong lao tù cũng vẫn hay xảy ra. Vì bởi trong trại giam, khó có hình thức nào biểu tình được, ngoài tuyệt thực. Trong tù, chính phủ chính xác là nơi phải chịu trách nhiệm cho cuộc sống của tù nhân, nếu tù nhân chết, lời kết án sẽ nhắm vào chính phủ từ người dân cũng như các quốc gia khác đang có thông tin theo dõi về tình trạng trên.

Thế kỷ 21, đám đông dân chúng có thể gửi thỉnh nguyện thư cho tòa án quốc tế để xét xử quan chức/chính quyền chịu trách nhiệm về thảm trạng. Trường hợp của Giang Trạch Dân bị tòa án Tây Ban Nha truy nã về việc thảm sát con người (2013) do đơn tố cáo từ một người Tây tạng tên là Thubten Wangchen, là một ví dụ. Theo cáo quyết, tất cả những quốc gia liên đới ngoại giao và chính sách nhân quyền với Tây Ban Nha đều có nghĩa vụ truy nã và bắt giữ Giang Trạch Dân, bất chấp việc ông ta nguyên là Chủ tịch Trung Quốc.

PHỤ LỤC

Một người tuyệt thực có thể kéo dài mạng sống đến bao lâu?

Nếu được uống nước, một người tuyệt thực dẻo dai có thể sống đến 60 ngày, tuy nhiên, với thể trang yếu và mang bệnh, bất kỳ ai cũng có thể chết trong vòng 8 đến 10 ngày. Một trong lý do có thể giúp kéo dài sức chịu đựng, khi glucose – lượng đường trong cơ thể cạn kiệt – thường là từ 3-5 ngày. Cơ thể sẽ chuyển qua việc dùng chất béo có sẵn trong cơ thể để làm năng lượng sinh tồn. Nhưng như vậy đồng nghĩa với việc chất béo xuất hiện trong máu vượt mức, sẽ trở thành nguy hiểm. Tim, gan và thận sẽ là những bộ phận bị tổn thương nhanh trong giai đoạn này.

Theo lời khuyên của các bác sĩ, những người tuyệt thực nên uống nhiều nước, uống vitamin, đường và muối… sẽ có thể kéo dài mạng sống của mình thêm đôi chút. Trong trường hợp của ông Trần Huỳnh Duy Thức ở trại giam Nghệ An hiện nay, được biết ông chỉ uống nước và từ chối mọi thành phần bổ sung.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/what-does-hunger-strike-mean-in-modern-era-09132018110118.html

 

Vũ ‘nhôm’ muốn nộp tiền

khắc phục hậu quả đại án

Ông Phan Văn Anh Vũ, biệt danh Vũ ‘nhôm’, xin được gặp gia đình để thống nhất việc nộp tiền mặt khắc phục hậu quả lên đến 203 tỉ đồng cả gốc lẫn lãi liên quan đến việc mua cổ phần Ngân hàng Đông Á (DongABank).

Báo trong nước cho biết thông tin trên hôm 13/9 trích kết luận điều tra bổ sung của Cơ quan điều tra Bộ Công an đối với vụ án xảy ra tại DongABank. Cơ quan này nói đã cho ông Vũ gặp người thân vào hôm 16/8 nhưng đến nay vẫn chưa thấy nộp tiền.

Ông Phan Văn Anh Vũ (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Năm 79) bị đề nghị truy tố tội lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản.

Kết luận điều tra bổ sung cũng cho biết Vũ ‘nhôm’ đã có 4 lần gửi đơn đến Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao yêu cầu xác minh, kê biên tài sản nhằm khắc phục hậu quả vụ án.

Trước đó, vào cuối tháng 7, Ông Phan Văn Anh Vũ bị tuyên 9 năm tù giam về tội danh ‘cố ý làm lộ bí mật nhà nước’.

Cơ quan điều tra Bộ Công an hôm 7/9 cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung lần hai và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát đề nghị ra cáo trạng truy tố các bị can gây thiệt hại 3.608 tỉ đồng tại DongABank.

Hai bị can mới có tên trong kết luận điều tra bổ sung là ông Nguyễn Vinh Sơn (sinh năm 1959) và bà Phan Thị Tố Loan (sinh năm 1970), đều bị đề nghị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DongABank) và bà Nguyễn Thị Kim Xuyến (nguyên Phó Tổng giám đốc DongABank) bị đề nghị truy tố hai tội: cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Kết luận đều tra lần này cũng nêu tên ông Nguyễn Hồng Ánh (sinh năm 1962, cựu trung tá, đội trưởng một đội nghiệp vụ Công an Thành phố Hồ Chí Minh) đã thừa nhận hành vi liên quan đến khoản vay 2.000 lượng vàng SJC tại DongABank.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vu-aluminum-wants-to-pay-remedial-consequences-09132018093106.html

 

Chủ tịch Quốc hội: cần xem xét lại thông tư

cho phép sử dụng Nhân dân tệ ở biên giới

Bà chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân lên tiếng về qui định cho phép chính thức sử dụng đồng nhân dân tệ tại khu vực biên giới Việt- Trung.

Mạng báo Thanh Niên dẫn phát biểu của bà Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp lần thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào sáng ngày 13/9, rằng cần phải xem xét lại thông tư 19 về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt – Trung mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành hôm 28/8 vừa qua.

Theo bà Ngân, thông tư này được dư luận và các chuyên gia kinh tế phản đối mạnh mẽ vì cho là vi hiến và vi phạm pháp luật, vì trên một đất nước không thể sử dụng hai đồng tiền. Bà Ngân nhấn mạnh, tuy quy định này chỉ áp dụng tại khu vực biên giới Việt – Trung nhưng cần được xem xét lại thông tư này.

Ngoài ra, bà chủ tịch quốc hội còn cho rằng hiện nay nhiều luật đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực nhưng chưa thực hiện được do có quá nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật. Điều này dẫn đến nhiều bất cập trong quá trình thực hiện pháp luật như hiện nay.

Thông tư 19 được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành hôm 28/8 về việc cho phép sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong thanh toán hàng hóa và dịch vụ tại khu vực biên giới Việt – Trung bắt đầu từ ngày 12/10 tới đây. Quy định này vấp phải sự phản đối mạnh mẻ từ dư luận vì cho rằng nó sẽ gây nguy hại đến nền kinh tế tiền tệ của Việt Nam.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/parliament-requires-a-review-yuan-payment-allowed-in-vn-china-09132018085932.html

 

Hà Nội cấm bán thịt chó vào năm 2021

Thành phố Hà Nội dự kiến từ năm 2021 sẽ cấm bán thịt chó tại các quận nội thành.

Chi cục trưởng Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn ngày 13 tháng 9 cho báo giới biết cơ quan này sẽ tham mưu cho Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn báo cáo thành phố về lộ trình vận động người dân bỏ thói quen ăn thịt chó. Giới chức Hà Nội dự kiến từ 3-5 năm nữa, sẽ cấm bán thịt chó ở các quận nội thành Hà Nội bởi vì đây là những khu vực trung tâm, có đông du khách quốc tế nên cần làm trước.

Với khu vực ngoại thành, ông Sơn cho rằng cần thời gian để tuyên truyền vì những nơi này nuôi chó thả rông nhiều, khó quản lý và còn do tập quán ăn thịt chó của người dân.

Chi cục trưởng Thú y Hà Nội nói với đại ý rằng kế hoạch này có thể sẽ thành công bởi vì nhiều người dân ngày nay đã thay đổi nhận thức và dần từ bỏ thói quen ăn thịt chó. Ông còn nói thêm rằng nhiều tổ chức quốc tế cũng phản đối ăn thịt chó, hơn nữa thịt chó có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, và quá nhiều chất đạm không tốt cho sức khỏe.

Trong khi đó Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội ông Phạm Thanh Học lại cho rằng kế hoạch này rất khó thực hiện vì thịt chó là món ăn truyền thống của người dân Việt Nam.

Trước đó Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội vào ngày 10 tháng 9 cũng ra văn bản khuyến cáo người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, thành phố Hà Nội hiện có trên 1.000 điểm kinh doanh chó, mèo thương phẩm, giết mổ chó, mèo. Cả thành phố hiện có khoảng 500.000 con chó, mèo; trên 87% nuôi với mục đích giữ nhà, còn lại nuôi làm cảnh, kinh doanh hoặc làm thực phẩm.

Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia trên thế giới còn ăn thịt chó, trong đó hầu hết là các nước châu Á như Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, một số tỉnh của Philippines,…

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hanoi-plans-to-ban-dog-meat-trade-in-2021-09132018083811.html

 

Việt Nam: Thể chế nào cho giáo dục?

PGS. TS. Phạm Quý ThọHọc viện Chính sách & Phát triển

Cải cách giáo dục Việt Nam lại đang trở thành chủ đề nóng ở nhiều khía cạnh và cấp độ.

Khởi đầu từ sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại làm chủ biên. Có hai hướng mà truyền thông đang tập trung: một là tính khoa học và thực tế của ‘công nghệ giáo dục’ trong sách Tiếng Việt 1. Ý kiến ủng hộ nói cần có thay đổi so với ‘truyền thống’, ‘trẻ con bây giờ cần được dạy khác’, ‘cha mẹ đừng áp đặt’… nhất là trong cách phát âm dựa vào ‘âm tiết hay hình’.

Ngược lại, ý kiến phản đối cho rằng con em họ không phải là ‘chuột bạch’ để mang ra thử nghiệm, cần phải có đánh giá khách quan, công khai về ‘công nghệ giáo dục’ này.

Xa hơn, công luận phản ứng mạnh mẽ với cách mô tả bằng con số ‘một số 7 và mười ba số 0’ về kinh phí đề án cải cách giáo dục. Họ nói về các nhóm lợi ích, sự lãng phí tiền của xã hội, phải có người chịu trách nhiệm về hậu quả…

Tranh cãi ‘CNGD’: Lý sự nhiều, chứng cứ ít!

Thể chế giáo dục là một bộ phận cấu thành của thể chế quốc gia. Cải cách giáo dục bao gồm cải cách thể chế giáo dục, trong đó Luật giáo dục phải được xây dựng và hoàn thiện đồng thời với sự thay đổi bộ máy, nhân sự quản lý giáo dục.PGS. TS. Phạm Quý Thọ

Giáo dục Việt Nam thời ‘Buôn chữ Bán sách’

VN: Cải cách chưa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững

‘Phun trào như núi lửa’

Khủng hoảng giáo dục được nhắc đến từ lâu, trong nhiều cuộc thảo luận, chính thức và không chính thức, ‘lề phải’ cũng như ‘lề trái’. Những ‘sự cố’ như trên là những cơ hội để mổ xẻ, nhìn nhận đúng sai, phải trái, nguyên nhân, hậu quả… Cuộc khủng hoảng này vẫn đang diễn ra. Các biểu hiện của nó khi thì ‘ngủ’ khi ‘phun trào’ như núi lửa vậy.

Các ý kiến tranh luận đã đa chiều hơn và phân tích sâu hơn về thể chế trong cải cách giáo dục.

Truyền thông nhà nước có vẻ ‘bớt định hướng’ hơn cho chủ đề này, bởi vậy, các phản ánh sẽ làm rõ hơn câu trả lời: thể chế nào cho giáo dục trong quá trình cải cách?

Có hai bài đáng chú ý liên quan trên trang GD.NET ngày 12/9/2018. Bài thứ nhất có tên: ‘Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn thất kinh với Tổng chủ biên lý giải thay sách giáo khoa’.

Từ góc độ người làm khoa học, GS Nguyễn Xuân Hãn sau khi đã liệt kê lại các nghị quyết của Đảng có liên quan cải cách giáo dục từ Nghị quyết số 14-NQ/TW của Bộ chính trị ra ngày 11/1/1979 đến Nghị quyết 29-NQ/TW tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, ngày 1/11/2013, ông đặt câu hỏi vì sao trong suốt 40 năm đó vẫn chưa có được sách giáo khoa chuẩn.

Ông lý giải nguyên nhân và cho rằng ‘tư duy đổi mới trong làm sách hiện nay đi theo hướng ngược lại 180 độ với tiền nhân’. Ông muốn có một ‘chuẩn kiến thức’ theo hệ thống tri thức của nhân loại, bao gồm ‘Kiến thức cơ bản – các quy luật của tự nhiên và xã hội, tinh hoa nhất của loài người, ít thay đổi’, và ‘Kiến thức ứng dụng các kiến thức cơ bản vào cuộc sống, luôn luôn đa dạng và biến động’.

Ở Việt Nam, ý thức hệ giáo điều trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường vẫn gây nên sự ngộ nhận chủ nghĩa xã hội là mục tiêu cải cách khiến cho mục đích giáo dục hướng đến xây dựng con người mới XHCN, thiếu tính thực tế, sai với lẽ tự nhiên, sẽ cản trở cải cách thể chế giáo dụcPGS. TS. Phạm Quý Thọ

Có thể đồng tình với quan điểm này về đại thể. Tuy nhiên, với cách hiểu khác nhau về ‘quy luật xã hội’, đặc biệt là sự diễn giải nó, thậm chí duy ý chí, cho phù hợp với chế độ xã hội cụ thể tạo nên những rào cản cho việc thay đổi thể chế nói chung và thể chế giáo dục nói riêng

Bài thứ hai là ‘Chủ tịch Quốc hội: Thực nghiệm gì mà mấy chục năm, học sinh khổ quá’. Bài báo tường thuật khái quát phiên họp thứ 27 ngày 12/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục sửa đổi. Các ý kiến cho thấy Luật Giáo dục còn nhiều điều cần sửa, nhiều vấn đề tồn đọng từ lâu như nội dung kiến thức ‘hàn lâm’, áp đặt, thiếu tự nhiên không phù hợp với trẻ, chương trình học quá tải, nội dung sách giáo khoa hay thay đổi và độc quyền phát hành gây lãng phí tiền của xã hội…

Các thành viên của Uỷ ban đã tỏ thái độ không đồng tình với vấn đề ‘thí điểm’ chương trình, sách giáo khoa. Chủ tịch Quốc hội đã nhận xét bức xúc như tựa đề của bài báo.

Chính phủ và ý thức hệ

Tại sao ‘Thí điểm, thực nghiệm’ mặc dù ‘còn thiếu khuôn khổ pháp lý’, nhưng vẫn diễn ra trong thời gian dài và trên diện rộng? Ông Phó thủ tướng giải trình rằng ‘Chính phủ không có chủ trương cải cách tiếng Việt’.

Trong điều kiện còn không ít chính sách giáo dục xa rời thực tế và việc thực thi không được công khai minh bạch, thiếu trách nhiệm giải trình và quyền lực không được kiểm soát, bộ máy và cán bộ tha hoá phẩm chất, lối sống… Thường trực Ủy ban đề xuất bổ sung quy định Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ trước khi quyết định thí điểm chính sách mới trong giáo dục… Liệu Quốc hội có giám sát được Chính phủ?

Báo chí phản ánh thực chất và mạnh mẽ hơn những bức xúc và nêu sự cần thiết phải thay đổi thể chế, cơ chế giáo dục, đặc biệt khai thác chủ đề về nhóm lợi ích, tăng phản biện đối với hoạch định và thực thi chính sách, tạo dư luận ủng hộ đổi mới kể cả một số vấn đề được coi là ‘nhạy cảm’.

Thể chế giáo dục là một bộ phận cấu thành của thể chế quốc gia. Cải cách giáo dục bao gồm cải cách thể chế giáo dục, trong đó Luật giáo dục phải được xây dựng và hoàn thiện đồng thời với sự thay đổi bộ máy, nhân sự quản lý giáo dục.

Thực tế đang đòi hỏi cải cách giáo dục loại bỏ ‘căn bệnh’ duy ý chí, ý thức hệ giáo điều, xây dựng hệ giá trị bền vững cho con người tuân theo các quy luật phát triển tự nhiênPGS. TS. Phạm Quý Thọ

Hệ thống XHCN ở Đông Âu đã sụp đổ cùng với những chuẩn mực duy ý chí, đặc biệt về tự do và dân chủ, sao cho khác biệt với các giá trị phổ quát được hình thành trong quá trình phát triển thị trường – nền tảng kinh tế của xã hội tư bản.

Tuy nhiên ở Việt Nam, ý thức hệ giáo điều trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường vẫn gây nên sự ngộ nhận chủ nghĩa xã hội là mục tiêu cải cách khiến cho mục đích giáo dục hướng đến xây dựng con người mới XHCN, thiếu tính thực tế, sai với lẽ tự nhiên, sẽ cản trở cải cách thể chế giáo dục.

Giáo dục là lĩnh vực gắn với sự hình thành và phát triển năng lực và phẩm giá con người thông qua việc cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết cho cuộc sống.

Thực tế đang đòi hỏi cải cách giáo dục loại bỏ ‘căn bệnh’ duy ý chí, ý thức hệ giáo điều, xây dựng hệ giá trị bền vững cho con người tuân theo các quy luật phát triển tự nhiên. Các yêu cầu này cấp thiết để thay đổi thể chế giáo dục hiện nay ở Việt Nam để đảm bảo tính khả thi cho các chính sách giáo dục đúng đắn, phù hợp với thực tế, vì sự phát triển con người.

Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả, chuyên gia về chính sách công, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách & Phát triển, thu Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam. BBC Tiếng Việt luôn hoan nghênh các ý kiến tranh luậnvề giáo dục và các vấn đề liên quan. Hãy gửi bài về cho chúng tôi theo địa chỉ vietnamese@bbc.co.uk.

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-45509445

 

‘Giáo dục VN thất bại

vì tư duy tiểu nông, bóc ngắn cắn dài’

Ben NgôBBC Tiếng Việt

Từ nhiều ngày nay, mạng xã hội và truyền thông Việt Nam xôn xao về sách “Tiếng Việt 1-Công nghệ giáo dục”.

Trước bối cảnh những tranh cãi này, một nữ giảng viên ở Hà Nội bình luận với BBC rằng cải cách giáo dục của Việt Nam mấy chục năm nay thất bại “vì tư duy tiểu nông, vì bóc ngắn cắn dài”.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại được báo Lao Động dẫn lời: “Sách “Tiếng Việt 1-Công nghệ giáo dục” của tôi có rất nhiều bài học ý nghĩa, nhân văn.”

Trong khi đó, mạng xã hội dấy lên quan ngại về những hệ lụy đối với học sinh sau mỗi lần cải cách, cải tiến sách giáo khoa.

‘Chỉ là khẩu hiệu’

Hôm 12/9, trả lời BBC, Tiến sĩ Nghiêm Thúy Hằng, khoa Đông Phương học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, cho biết: “Về chuyện cải cách giáo dục, tôi nhớ nhà toán học Hoàng Tụy từng nói: “Giáo dục Việt Nam có ba cục bướu lớn cần giải phẫu, đó là sách giáo khoa, nạn học thêm và nạn thi cử.”

“Cải cách giáo dục của Việt Nam mấy chục năm nay thất bại vì tư duy tiểu nông, vì bóc ngắn cắn dài cắt khúc cuốn chiếu, thiếu một người nhạc trưởng có tâm, có tầm, có uy tín và uy lực, dám chịu trách nhiệm, huy động được cả tài lực lẫn vật lực của chính phủ và của xã hội.”

“Cải cách thất bại còn vì không có được một hệ thống quản lý tận tâm, đồng tâm hiệp lực, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu như thời còn chiến tranh.”

“Câu “Giáo dục là quốc sách” bao năm qua chỉ là khẩu hiệu, không đi kèm với kế hoạch, tài chính tầm cỡ quốc gia và giám sát tương thích từ phía Chính phủ và Quốc hội, cơ quan quyền lực của dân.”

Giáo dục Việt Nam thời ‘Buôn chữ Bán sách’

Tiếng Việt thời ‘Công nghệ giáo dục’

BBC: Dường như công luận đang chia làm hai phe và có vẻ chia rẽ trong những tranh luận về cải cách giáo dục Việt Nam. Bà có bình luận gì?

TS Nghiêm Thúy Hằng: Theo tôi, những tranh luận đó là vì họ đều yêu nước, là vì họ là những người cha, người mẹ có lương tâm, đều đau đáu muốn hướng tới tiến bộ xã hội, hướng tới phát triển, hướng tới công bằng, minh bạch và đều yêu trẻ em. Những thiên thần vô tội không nên và không thể tiếp tục bị đem ra làm vật hy sinh cho các tranh cãi liên miên về cải cách giáo dục và chương trình – sách giáo khoa hay các thử nghiệm cải cách thi cử, các chiến dịch dẹp vấn nạn học thêm suốt từ năm 1979, trải qua 3 lần Nghị quyết cải cách, tiêu tốn hàng tỷ đôla chưa tổng kết được hiệu quả cho đến nay.

Dư luận có vẻ gay gắt, không bên nào chịu bên nào, đó là vì họ đều có những cái lý riêng, nhưng cái lý của khoa học thì không thể mang “sự hài lòng của người học hay của cha mẹ người học”, “sự thành đạt của một số cá nhân tham gia thực nghiệm cải cách” ra biện minh mà cần có những công trình dùng các phương pháp khoa học khống chế được hết các biến lượng mới thực sự có được tiếng nói công tâm, khoa học về cải cách, được các bên đều hài lòng.

Cơ quan làm được việc này chỉ có Bộ Giáo dục dưới sự giám sát nghiêm minh của Chính phủ và của Quốc hội. Hy vọng những gì đã được sàng lọc, chứng minh qua thực tiễn sẽ tiếp tục trường tồn. Còn cái gì sai, chưa hoàn thiện thì phải được sửa, được hoàn thiện , mang thêm hơi thở thời đại kết hợp với hồn dân tộc, khí thiêng sông núi. Khoa học thực sự đòi hỏi tính tổng thể, sự hoàn thiện và đòi hỏi thực chứng.

Việc người dân khắp ba miền cũng như người Việt ở hải ngoại cùng lên tiếng về vấn đề giáo dục là tín hiệu đáng mừng, báo hiệu những thay đổi cơ bản vì Việt Nam vẫn tuyên bố là một thể chế của dân, do dân, vì dân.

Chính phủ và Quốc hội không thể và không được phép ngoảnh mặt lại với những vấn đề của đông đảo người dân, được dư luận người dân quan tâm.

BBC:Ở góc độ một giảng viên đại học, bà thấy, liệu sau những tranh cãi hiện tại thì đâu là giải pháp khiến người dân có thể yên tâm về việc học hành của con em họ?

TS Nghiêm Thúy Hằng: Tôi nghĩ giải pháp căn bản là phải có tổng công trình sư, có người nhạc trưởng xứng tầm không liên quan đến những cải cách thất bại từ trước đến nay để lấy lại niềm tin cho người dân, đồng thời huy động được các nguồn lực trí tuệ trong và ngoài nước.

Tôi tin, với những trí thực hàng đầu của Việt Nam, không ai cần lấy tiền để làm những việc mà họ cho là có ích, đóng góp được cho xã hội. Thời buổi bây giờ, người tài sống được bằng thực tài, không cần tiền, chỉ cần được làm và được ghi nhận, được đóng góp cho tiến bộ xã hội.

Nhưng kể cả như vậy thì cơ chế nào cho họ, độc quyền in ấn sách giáo khoa vẫn thuộc Bộ Giáo dục, dẫu có một chương trình nhiều bộ sách thì cơ chế nào cho họ tập hợp, phát huy và xuất bản, cả còi lẫn bóng vẫn nằm trong tay Bộ Giáo dục và Nhà xuất bản Giáo dục.

Nếu không làm được một bộ sách giáo khoa cho ra hồn, giải pháp khả thi là mua một bộ sách giáo khoa của Anh. Mỹ về cho cháu nào học được thì học mà không học được thì dịch ra tiếng Việt mà học, nước Nam Hàn sao chép sách của Nhật có sao đâu, Trung Quốc cũng sao chép nhiều sách của Anh, Mỹ.

Nói đến đây tôi lại rớt nước mắt vì một giai thoại về Giáo sư Tạ Quang Bửu, cựu Bộ trưởng Giáo dục lúc cuối đời: Ông chỉ cần được ăn hai quả chuối mỗi ngày thì đỡ run tay, nhưng đó vẫn là điều xa xỉ lúc cuối đời của vị cựu bộ trưởng thanh liêm được người dân kính trọng.

BBC: Nhìn vào tình hình giáo dục Việt Nam hiện tại, bà có lo ngại hoặc hy vọng gì? Bà có nghĩ rằng quan chức Bộ Giáo dục tiếp thu ý kiến phản hồi từ người dân,phụ huynh không?

TS Nghiêm Thúy Hằng: Tôi cũng như nhiều ông bố, bà mẹ ở Việt Nam hướng tới công bằng, minh bạch và tiến bộ xã hội và sẽ dấn thân, sát cánh bên nhau, bên cơ quan quyền lực của dân trong nỗ lực chung.

Tôi nghĩ Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ là người có trách nhiệm giải trình và đưa ra biện pháp rõ ràng trả lời cho Chính phủ mà ông đang phục vụ, nơi ông đang đại diện làm nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Quốc hội là là nơi ông Nhạ phải giải trình và là nơi giám sát hiệu quả công việc, đánh giá bỏ phiếu tín nhiệm việc thực thi chức trách của ông, nhất là trong bối cảnh tháng 10/2018 sắp bỏ phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ.

Việc này diễn ra sau nhiều vụ việc chấn động, đe dọa tính công bằng, minh bạch về thi cử, điều làm nên giá trị cốt lõi của cả một thể chế.

Về phần mình, tôi tin vào phần thiện của mỗi con người và tin cả dân tộc Việt sẽ hướng tới những điều tốt đẹp, hướng tới đại đoàn kết dân tộc, hướng tới cái thiện, cái có lợi cho sự phát triển.

Theo tôi, không chỉ trong ngành giáo dục, bất cứ cá nhân nào cũng đều chỉ là một quả bầu quả bí trên giàn bầu bí, một con ốc nhỏ bé trong tiến trình vĩ đại đó mà thôi, thuận dòng thì sống mà ngược dòng thì sẽ chết, sẽ bị đào thải.

Giáo dục Hà Giang có ‘gian lận điểm thi’

Ưu tiên điểm thi đến mấy đời con cháu

BBC: Theo bà, vì sao Việt Nam nhìn chung học nhiều từ mô hình Trung Quốc trong các lĩnh vực, ngoại trừ giáo dục?

TS Nghiêm Thúy Hằng: Theo như tôi hiểu, tại Trung Quốc, người kiến trúc sư trưởng cho cải cách mở cửa và tiến trình “Dò đá qua sông” của Trung Quốc là Đặng Tiểu Bình. Người nhạc trưởng cho chính sách “Khoa giáo hưng quốc”, đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và khoa học kỹ thuật cũng là ông Đặng. Người tiếp nối với chính sách “Nhân tài cường quốc” là Hồ Cẩm Đào, Giang Trạch Dân, đằng sau đó là hàng trăm hàng ngàn tỷ đôla đổ vào giáo dục và công nghệ.

Trung Quốc họ tăng lương cho giáo viên gấp 10 lần trong vòng 10 năm đầu cải cách mở cửa, lương giáo sư Thanh Hoa cao hơn lương chủ tịch nước, các trường đại học thu hút tiến sĩ bằng các căn hộ từ 70 đến 180 m2 cho không hoặc bán rẻ, sắp xếp công việc cho người thân các tiến sĩ theo diện thu hút nhân tài, bỏ ra hàng núi tiền thu hút nhân tài từ nước ngoài về xây dựng đất nước trong kế hoạch Trường Thành và nhiều kế hoạch dài hơi khác.

Việt Nam mình làm thế được không? Tiền đâu mà làm khi nguồn lợi của đất nước chui vào túi của các nhóm lợi ích, đất nước thì oằn mình vì “nạn ăn chặn đến cả tiền chính sách của người chết”. Họ sẵn sàng ăn chặn cả đồng lương còm cõi của các nhà giáo nghèo, họ có xá gì chuyện ăn dỗ tiền sách vở của các cháu học sinh.

Tham những và nhóm lợi ích nghiêm trọng tới mức Giáo sư Hồ Ngọc Đại gần đây còn phải thốt lên “Tiêu chuẩn cơ bản là chia tiền”. Phát ngôn này đúng hay sai, các đại biểu quốc hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cần vào cuộc giúp người dân. Nếu không còn gì là tính công bằng, giá trị cốt lõi của thể chế Xã hội Chủ nghĩa và của thiết chế quyền lực nhân dân?

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45493370

 

Việt Nam chơi lá bài Nga như thế nào

với Trung Quốc

Kính Hòa RFA

Cộng hòa Liên bang Nga, hậu thân của Liên Xô cũ, vẫn có vai trò quan trọng trong chiến lược ngoại giao của Việt Nam. Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia về quan hệ quốc tế hiện đang làm việc tại Singapore, nhận định như vậy, mặc dù chuyến đi Nga kỳ này của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không được chú ý nhiều như những chuyến đi của bản thân ông và các nhà lãnh đạo Việt Nam khác đến phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ.

Từ góc nhìn của các nhà hoạch định chiến lược của Việt Nam, nước Nga mặc dù có sự suy giảm nhất định về vị thế, nhưng mà vẫn là một đối tác quan trọng mà Việt Nam muốn duy trì, và phát triển các mối quan hệ, trong một tổng thể trật tự thế giới mà Việt Nam mong muốn là trật tự đa cực. Và trong cái trật tự đa cực đấy thì nước Nga có một vai trò nhất định.”

Lý do đầu tiên cho tầm quan trọng của nước Nga đối với Việt Nam, được Tiến sĩ Hiệp nêu lên là sự tin tưởng về chính trị, xuất phát từ thời Liên Xô cũ trước năm 1991, khi đó Liên Xô là một đồng minh quan trọng nhất của nước Việt Nam cộng sản.

Từ góc nhìn của các nhà hoạch định chiến lược của Việt Nam, nước Nga mặc dù có sự suy giảm nhất định về vị thế, nhưng mà vẫn là một đối tác quan trọng mà Việt Nam muốn duy trì.

-Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp.

Lý do tiếp theo là tiềm lực của chính nước Nga hiện nay, mặc dù đã bị suy giảm, nhưng theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, Nga vẫn là một cường quốc kinh tế, quân sự, trong đó Việt Nam có quan hệ mạnh mẽ ở hai lĩnh vực là dầu khí và thương mại quốc phòng, với con số 90% vũ khí hiện nay của Việt Nam là mua từ nước Nga.

Và cuối cùng còn một lý do nữa là lý do cảm xúc, vì hiện nay có khá nhiều các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam đã từng được đào tạo tại nước Nga thời Liên Xô, trong đó có bản thân ông Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

Theo một nguồn tin mà chúng tôi có được, thì trong đoàn người tháp tùng ông Nguyễn Phú Trọng đến nước Nga có ông Bế Xuân Trường, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, người phụ trách việc mua sắm vũ khí, trang thiết bị quân sự của Việt Nam.

Kết quả được nhiều người quan tâm nhất trong sau chuyến thăm nước Nga của ông Nguyễn Phú Trọng lần này là số tiền trị giá một tỷ đô la Mỹ mà Việt Nam đặt hàng để mua vũ khí từ Nga. Theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, việc mua vũ khí từ nước Nga có hai lý do, đó là giả cả tương đối rẻ, và sự tương thích với những trang thiết bị mà quân đội Việt Nam hiện đang có, vốn được Liên Xô trang bị từ hàng chục năm nay.

Điều này cũng đã được ông Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Matis nhắc đến hồi tháng tư năm 2018, khi ông đề nghị Quốc hội Hoa Kỳ cho phép Việt Nam, Indonesia, và Ấn Độ được miễn trừ, không bị Washington trừng phạt khi mua vũ khí của Nga. Lý do được ông Matis nêu ra là phải để cho các quốc gia này thích ứng một cách từ từ, họ phải có nguồn cung cấp thích hợp hiện nay cho số vũ khí mà họ đang có.

Theo nguồn tin không muốn nêu danh tánh của chúng tôi, thì có thể hợp đồng vũ khí 1 tỷ đô la này với nước Nga sẽ làm tiền đề để Việt Nam tiến sâu hơn trong những hợp đồng mua bán vũ khí với Hoa Kỳ.

Tuy nhiên việc mua vũ khí của Nga cũng có những bất lợi cho Việt Nam, vì Trung Quốc cũng có trang bị những vũ khí tương tự, mà Trung Quốc lại là quốc gia thách thức Việt Nam nhất về quân sự hiện nay.

Điều này được kỹ sư Đỗ Thành, một người từng làm việc trong ngành quốc phòng của Pháp nói với chúng tôi:

“Có thể gọi đó là những vũ khí truyền thống của Việt Nam, nhưng khả năng tài chính lại không bằng người Trung Quốc được, cho nên những gì mà Việt Nam mua thì người Trung Quốc cũng có với những thiết bị cao cấp hơn, số lượng nhiều hơn, tối tân hơn. Việt Nam có 6 chiếc tàu ngầm Kilo, thì theo chỗ tôi biết người Trung Quốc có 56 chiếc với những thiết bị đặc biệt hơn.”

Đồng tình với quan sát này, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nhấn mạnh:

Nếu mà Việt Nam và Trung Quốc sử dụng các loại trang thiết bị vũ khí, khí tài giống nhau, thì phía Trung Quốc có thể nắm rất rõ các thông số kỹ thuật, các biện pháp sử dụng, chiến thuật,… cho nên họ có thể kềm chế Việt Nam được, ở một mức độ nhất định trong việc triển khai tác chiến.”

Tuy nhiên ông cũng cho rằng chính điều bất lợi này đã khuyến khích Việt Nam đi tìm những nguồn cung cấp vũ khí khác. Trong những năm qua người ta đã nghe nói nhiều đến những vụ mua vũ khí, trang thiết bị quốc phòng của Việt Nam từ Israel, Hà Lan, Canada, và gần đây nhất là tin nói Việt Nam chuẩn bị mua lô vũ khí Mỹ đầu tiên trị giá 100 triệu đô la Mỹ.

Nếu có những va chạm về mặt lợi ích trên Biển Đông, thì Nga có thể dùng quan hệ với Trung Quốc đó để làm một đòn bẩy, để giảm, hoặc chống lại các áp lực của Trung Quốc.

-Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp.

Một chi tiết thứ hai được chú ý trong chuyến thăm nước Nga của ông Nguyễn Phú Trọng là việc tập đoàn khí đốt lớn nhất của Nga là Gazprom ký thỏa thuận với Việt Nam về năng lượng và khai thác khí đốt từ mỏ Báo Vàng trên thềm lục địa Việt Nam. Việc này làm người ta nhớ và so sánh trường hợp khoan dầu trong thềm lục địa Việt Nam của công ty Rosneft của Nga và Repsol của Tây Ban Nha.

Vào tháng 5/2018, Rosneft lên tiếng lo ngại bị Trung Quốc đe dọa khi khoan dầu tại thềm lục địa Việt Nam. Nhưng sau đó không nghe nói gì nữa, trái với trường hợp công ty Repsol phải rút đi trước đó vài tháng trước áp lực của Trung Quốc. Cả hai công ty này đều khoan dầu trong đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền của mình trùm lên hầu như toàn bộ Biển Đông.

Việc cho phép các công ty Nga khoan dầu trong thềm lục địa Việt Nam là điều mà Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp đánh giá là quan trọng, như một công cụ để kềm chế Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong trường hợp Việt Nam và Nga thì chúng ta thấy Nga có một quan hệ tương đối tốt với Trung Quốc, chính vậy mà nếu có những va chạm về mặt lợi ích trên Biển Đông, thì Nga có thể dùng quan hệ với Trung Quốc đó để làm một đòn bẩy, để giảm, hoặc chống lại các áp lực của Trung Quốc. Và như vậy nó rất phù hợp với lợi ích của Việt Nam.”

Theo Giáo sư Ngô Vĩnh Long, một chuyên viên về quan hệ quốc tế tại Hoa Kỳ, Trung Quốc nhập khẩu nhiều dầu khí từ nước Nga, chỉ riêng công ty Rosneft đã xuất sang Trung Quốc trị giá 70 tỉ đô la Mỹ hàng năm.

Nhưng lá bài Nga không phải lúc nào cũng có lợi cho Việt Nam trong việc đối đầu với Trung Quốc, nhất là trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, Nga đã từng tuyên bố có lợi cho Trung Quốc, về phán quyết phủ nhận chủ quyền của Trung Quốc của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ Philippines kiện Bắc Kinh.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cho rằng Nga không có nhiều quyền lợi ở Biển Đông cho nên có thái độ nước đôi, khi đi với Bắc Kinh thì tuyên bố có lợi cho Trung Quốc, còn trong bản tuyên bố chung với Việt Nam sau chuyến thăm Nga của ông Nguyễn Phú Trọng thì lại đồng tình với Việt Nam về việc giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình.

Tiến sĩ Hiệp kết luận rằng Việt Nam không trông chờ gì về thái độ của Nga trong tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc mà chỉ có lợi khi quan hệ với Nga về mặt thương mại quốc phòng và khai thác dầu khí.

Quan điểm này khá gần với Giáo sư Ngô Vĩnh Long, ông cho rằng Việt Nam không thể dùng Nga để chống Trung Quốc, nhưng có thể làm cho Nga đừng ngã về phía Trung Quốc.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-plays-russia-card-china-09122018124443.html

 

Nhật Bản tiếp tục cấp vốn ODA cho Việt Nam

Nhật Bản cam kết tiếp tục hỗ trợ ODA cho Việt Nam để phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao.

Thông tin vừa nêu được Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono cho biết trong phiên họp Ủy ban Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 10 cùng với Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh hôm 13 tháng 9, tại Hà Nội.

Theo ông Taro Kono, Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững trong việc cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường năng lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động, xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, đào tạo… tiếp tục hỗ trợ ODA cho phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao, hợp tác cải cách hành chính, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng tiếp nhận tu nghiệp sinh Việt Nam.

Cũng tại cuộc họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cảm ơn việc Nhật Bản hỗ trợ ODA cho Việt Nam trong thời gian qua, đề nghị Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam xây dựng chính phủ điện tử, cải cách hành chính công, xây dựng đô thị thông minh, hợp tác lao động…

Ngoài ra, hai phía cũng trao đổi về các biện pháp hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô của Việt Nam, thúc đẩy hợp tác nông nghiệp, kinh tế…

Theo Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, trong 5 năm từ 2012 – 2016, trung bình mỗi năm Nhật hỗ trợ ODA cho Việt Nam hơn 170 tỷ yên, trong đó có 2,3 tỷ yên là viện trợ không hoàn lại.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/japan-continues-to-provide-oda-to-vietnam-09132018073340.html

 

Người Việt vùng duyên hải Carolina

chuẩn bị đón bão dữ

Hoàng Long

Nhiều cư dân người Việt ở hai bang North và South Carolina đang chuẩn bị chống chọi với một trận bão hung hãn sắp sửa ập vào Bờ Đông của Mỹ mà nhà chức trách nói sẽ gây nên điều kiện thời tiết thảm họa với những trận cuồng phong và mưa gây ngập lụt.

Florence, một trong những trận bão mạnh nhất ở Bờ Đông của Mỹ trong nhiều thập niên qua, hiện đang được phân loại là bão xoáy nhiệt đới Cấp 3 với sức gió 125 dặm (201 km) một giờ. Dự báo thời tiết cho biết tới trưa ngày thứ Năm bão sẽ đem gió với cường độ bão nhiệt đới tới vùng duyên hải của North Carolina, và tới tối khuya thứ Năm rạng sáng thứ Sáu sẽ có gió cường độ bão xoáy và triều cường nguy hiểm.

“Nó sẽ là một cú đấm kiểu [võ sĩ quyền Anh] Mike Tyson giáng vào vùng duyên hải Carolina” từ thứ Năm cho tới cuối tuần, Quản trị viên thứ cấp của Cơ quan Quản lí Tình huống Khẩn cấp Liên bang Jeff Byard phát biểu sáng ngày thứ Tư.

“Ngày hôm nay là ngày tốt nhất để di tản,” ông cảnh báo.

Chị Nguyễn Trà My ở thành phố Myrtle Beach của South Carolina mô tả quang cảnh đường phố “trống lốc” vào chiều ngày thứ Tư. Chị nói hầu hết mọi người đã rời đi sau khi thống đốc bang này ban hành lệnh di tản bắt buộc vào chiều thứ Hai mà tính tới giờ hơn 300.000 người đã tuân hành.

“Y như là một thành phố ma, thật sự rất là ghê!” chị My trả lời điện thoại của VOA. “Mặc dù My ở đây cũng được năm năm rồi nhưng mà cũng chưa bao giờ thấy người ta di tản nhiều đến như vậy.”

Là chủ một tiệm làm móng nằm sát biển, chị cho biết các cơ sở kinh doanh như của chị đã được nhà chức trách ra lệnh đóng cửa từ ngày hôm trước. Hôm nay chị vẫn ra tiệm và là một trong số ít những người còn ở lại.

Các lãnh đạo cộng đồng người Việt trong khu vực này cho biết ngay khi vừa hay tin bão sắp tới họ đã chủ động thông báo và liên lạc với các đồng hương để mọi người kịp thời ứng phó vì nhiều người có thể không để ý tin tức hoặc không thông thạo tiếng Anh.

Bà Nguyễn Thu Hương, Chủ tịch Cộng Đồng người Việt Quốc Gia thành phố Charlotte, North Carolina, cho biết bà đã chỉ dẫn một số đồng hương về những địa điểm mà họ còn có thể mua nước uống đóng chai và thực phẩm khô sau khi nhiều chợ “cháy” hàng vì nhu cầu tăng vọt trước bão.

“Phần lớn mọi người đã chuẩn bị sẵn sàng, chuẩn bị tinh thần,” bà nói. “Hi vọng là chúng tôi không bị sự càn quét mạnh mẽ của cơn bão này.”

Trên trang Facebook của mình, Cộng Đồng người Việt Quốc Gia thành phố Columbia, South Carolina, nhắc nhở mọi người dự trữ các nhu yếu phẩm, thuốc men và chớ nên lơ là về mức độ nguy hiểm của bão.

“Đây là thời điểm khó khăn cho tất cả chúng ta, xin nhớ rằng sự an toàn luôn là mục tiêu hàng đầu của chúng ta,” thông báo nhắn nhủ.

Ông Đỗ Trọng Khải, Chủ tịch Cộng Đồng người Việt Quốc Gia thành phố Raleigh, North Carolina, nói hai thành phố duyên hải Wilmington và New Bern có cộng đồng người Việt sinh sống hiện được dự báo thuộc khu vực có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão.

“Chúng tôi cũng đang hướng về các đồng hương ở phía đó,” ông nói.

Những đồng hương này bao gồm bà Solange Thompson, một người gốc Việt lai Pháp làm chủ một nhà hàng nổi tiếng ở Wilmington.

Theo chồng người Mỹ đến thành phố này định cư từ năm 1973, bà Solange nói bà đã trải qua mấy trận bão mạnh rồi và rằng bà “không sợ” cơn bão sắp sửa ập tới. Điều này có nghĩa là bà sẽ không di tản và sẽ cố thủ trong nhà như những lần trước.

“Cái này mình ở đây kêu là ‘trường kì kháng chiến’ đó,” bà nói rồi bật cười.

https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-viet-vung-duyen-hai-carolina-chuan-bi-don-bao-du/4569222.html