Tin Biển Đông – 22/05/2018
Nhật Bản: Trung Quốc đang đẩy mọi việc
vào sự đã rồi trên Biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật, ông Itsunori Onodera hôm 22/5 bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Trung Quốc triển khai máy bay ném bom ra quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam, gọi đây là một phần trong hoạt động nhằm đẩy mọi việc vào “sự đã rồi” trên Biển Đông.
Ngày 18/5 vừa qua Trung Quốc lần đầu tiên thừa nhận nước này đã triển khai máy bay ném bom H-6K xuống một sân bay ở Biển Đông. Các chuyên gia quốc tế nhận định Trung Quốc đã triển khai oanh tạc cơ ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Phát biểu trên Đài truyền hình NHK của Nhật, Bộ trưởng Quốc phòng Onodera nhận định Trung Quốc trong thời gian vừa qua đã gia tăng các hoạt động san lấp đảo nhân tạo trên quy mô lớn, thiết lập các cơ sở quân sự và gia tăng hoạt động trên Biển Đông.
Bộ trưởng Onodera cảnh báo đây là những bước đi của Trung Quốc nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng và đẩy mọi việc ở Biển Đông vào sự thể đã rồi.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật nhấn mạnh rằng Tokyo rất quan ngại về tình trạng này và hối thúc quốc tế cần phải hợp tác để cũng cố trật tự trên biển đúng theo tinh thần luật pháp.
Về phía Việt Nam, hôm 21.5.2018, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam bà Lê Thị Thu Hằng tuyên bố: Việt Nam có đầy đủ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các đưa máy bay ném bom ra Hoàng Sa.
Trung Quốc hỗ trợ tàu cá
lấn sâu vào biển Việt Nam
Tàu cá Trung Quốc được sự hỗ trợ của lực lượng chuyên trách đã vào sâu trong vùng biển Việt nam, cách đảo Lý Sơn chỉ khoảng 40 đến 50 hải lý để đánh bắt cá trái phép trong các tháng đầu năm 2018.
Đó là phát biểu của Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam nêu ra vào sáng thứ Ba, ngày 22.5.2018 tại buổi thảo luận ở tổ Quốc hội về báo cáo kinh tế – xã hội và được báo trong nước trích dẫn cùng ngày.
Thượng tướng Lê Chiêm nói cụ thể là tháng 4 vừa qua, có 3 vụ tàu Trung Quốc vào sâu trong lãnh hải Việt Nam, có vụ lên tới vài ba chục tàu, có lúc ngư dân Trung Quốc chỉ cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 30 hải lý.
Thượng tướng Lê Chiêm cho rằng đây là thủ đoạn tuyên truyền và xâm lấn, tuyên bố chủ quyền trên biển, thực thi đường lưỡi bò của Trung Quốc.
Biển Đông : Rosneft hợp tác với Việt Nam khoan dầu,
Trung Quốc tức tối
Trung Quốc là động cơ của việc Nga « xoay trục sang châu Á », và đang trở thành nước tiêu thụ dầu lớn nhất trong số các đối tác về năng lượng của Nga. Vào đầu tháng này, có tin là Matxcơva đã hoàn tất việc giao hệ thống hỏa tiễn hiện đại S-400 đầu tiên cho Bắc Kinh.
Bộ Thương Mại Trung Quốc cho biết doanh số giao thương với Nga có thể đạt 100 tỉ đô la trong năm nay, và đầu tư trong khuôn khổ sáng kiến « Một vành đai, một con đường » đang tăng nhanh. Thương mại tăng vì giá dầu tăng, chứ không hẳn nhờ có sự đột phá kinh tế, nhưng đây là một phần trong nỗ lực chung nhằm mang lại cảm tưởng tất cả đều tốt đẹp trong quan hệ hai nước.
Tuy nhiên theo nhà nghiên cứu Nicholas Trickett thuộc European University ở Saint Petersbourg, hai sự kiện gần đây đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong quan hệ Nga-Trung.
Trước hết, tập đoàn CEFC China Energy (Hoa Tín) rút khỏi một thỏa thuận nhằm mua lại 14,16% cổ phần Rosneft. Bị dính vào một xì-căng-đan, tập đoàn này đang bị kiểm tra nghiêm ngặt về mọi khoản đầu tư ra ngoại quốc. Qatar bèn nhảy vào mua cổ phiếu Rosneft, và tập đoàn Nga cũng thay đổi chiến lược để mang lại cổ tức hấp dẫn hơn, thu hút Qatar.
Bộ Ngoại Giao Trung Quốc bèn cảnh báo các hoạt động khoan thăm dò của Rosneft ở lô khí đốt 06.01, một dự án mà tập đoàn Nga chủ trì và sở hữu 35%. Việc Rosneft hợp tác với PetroVietnam trong các dự án ngoài khơi khiến Bắc Kinh vô cùng tức tối, vì lô này nằm trong đường 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra ở Biển Đông. Đây là điểm mới nhất gây căng thẳng cho chính sách xoay trục sang châu Á của Nga.
Kremlin muốn tỏ ra trung lập trong tranh chấp Biển Đông
Khi được hỏi về lời cảnh báo của Trung Quốc, phát ngôn viên điện Kremlin Dimitri Peskov nói rằng : « Theo như chúng tôi biết, Rosneft đã ra thông cáo là tập đoàn làm việc hoàn toàn đúng theo giấy phép được cấp ».
Cả Rosneft lẫn tập đoàn dầu khí khổng lồ Gazprom của Nga đều có các dự án với Việt Nam tại Biển Đông, nhưng điện Kremlin không thể công khai ủng hộ tuyên bố của Rosneft là lô 06.01 nằm trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Làm như thế chẳng khác nào đã đứng về một bên, trong tranh chấp chủ quyền trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Đối với tổng giám đôc Rosneft, ông Igor Sechin, các trừng phạt của phương Tây liên quan đến những thiết bị thăm dò dầu khí ngoài khơi Bắc Cực là vấn đề nghiêm trọng. Exxon đã rút ra khỏi các dự án thăm dò ở Bắc Cực, mà có lúc đã định đầu tư 500 tỉ đô la.
Rosneft xoay sở để thay thế thiết bị nhập khẩu từ phương Tây dùng cho các giàn khoan ngoài khơi xa ở đảo Sakhalin, nhưng giá thành cao và chất lượng lại thấp. Còn Tokyo thì quan tâm đến việc khai thác trữ lượng dầu khí của Việt Nam, mà bằng chứng là vai trò của Japan Drilling Co.Ltd trong việc khoan thăm dò hai trong số ba mỏ khí liên quan.
Các dự án này đối với Rosneft là phương tiện để có được kỹ năng tốt hơn trong việc quản lý các dự án ngoài khơi, thông qua liên kết với các công ty Nhật – mà trước đây vấp phải trở ngại do các bất đồng chính trị và áp lực của Hoa Kỳ. Điều này đặc biệt quan trọng, vào lúc các đối tác lớn phương Tây ngần ngại tham gia các liên doanh mới với Nga, ngoài những dự án hợp tác đã có tại đảo Sakhalin.
Xoay trục sang châu Á
Theo Nicolas Trickett, Rosneft là cánh tay đắc lực trong chính sách đối ngoại của Nga, nhưng đôi khi hoạt động mà không có sự can dự trực tiếp của điện Kremlin. Dường như vụ làm ăn với Việt Nam không nằm trong các ưu tiên của đội ngũ ông Putin. Cơ hội tìm được mỏ dầu khí tương đối thấp, và chính quyền mới chỉ vừa được loan báo. Trong những tháng gần đây, chính sách đối nội được đặt lên hàng đầu, và việc Hoa Kỳ rút khỏi hiệp ước nguyên tử Iran chắc chắn đã chiếm vai trò đáng kể đối với những nhà hoạch định chính sách.
Nói chung, Nga thường cố duy trì vẻ trung lập trong tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông. Matxcơva ủng hộ ý hướng của Bắc Kinh trong việc đặt Washington bên ngoài mọi giải pháp khu vực, nhưng không hề công nhận yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc. Dù tăng cường hợp tác hải quân với Trung Quốc – như đã tập trận chung trên Biển Đông hồi tháng 9/2016 – nhưng cả hai bên đều có ý thức tránh tiến hành trong vùng biển tranh chấp. Trung Quốc là đối tác quan trọng nhất của Nga trong khu vực, nhưng nguy cơ bị lệ thuộc quá nhiều luôn là mối quan ngại của các chính khách Nga.
Tuyên bố trên đây của điện Kremlin nhằm tách rời ông Putin khỏi các quyết định của Rosneft, vào lúc dễ dàng nhận ra khía cạnh chính trị của quan hệ kinh tế với Trung Quốc đang phần nào thay đổi. Việc CEFC China Energy hủy mua cổ phiếu Rosneft cho thấy dường như Trung Quốc ngày càng cho rằng đầu tư vào các dự án lớn ở Nga không mấy an toàn.
Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc CNPC hy vọng số tiền 70 tỉ đô la trả trước cho Rosneft năm 2013 (liên quan đến hợp đồng cung cấp 300.000 thùng dầu một ngày trong vòng 25 năm) có thể chuyển thành sở hữu dầu khí ở Nga, nhưng điều này đã không thành sự thực.
Tập đoàn tư nhân trên danh nghĩa CEFC China Energy vốn là cầu nối của Rosneft với nhiều giao dịch khác tại Trung Quốc – tập đoàn Nga không có đối tác nào khác sẵn sàng hợp tác. Có vẻ như CNPC đang lần khân để đàm phán các dự án lọc dầu khác, dòm ngó đến túi tiền từ Saudi Aramco của Ả Rập Xê Út thay vì Nga.
Tiếp tục mối quan hệ với các nước khác ngoài Trung Quốc là trung tâm việc thực hiện chính sách « xoay trục sang châu Á » của Nga. Chính sách năng lượng mang hơi hướng chính trị của tập đoàn dầu khí hàng đầu Nga phải dựa vào thị trường Trung Quốc, khiến một sự phủ quyết của Bắc Kinh về các dự án nhạy cảm tại Biển Đông sẽ tác động mạnh vào chiến lược của tập đoàn.
Việc Nga ủng hộ Bắc Triều Tiên khiến các nỗ lực nhằm có được quan hệ chặt chẽ hơn về năng lượng với Nhật Bản và Hàn Quốc vì vậy đã không thành công. Trong bối cảnh bị trừng phạt hiện nay, Nga chỉ có thể hợp tác trong các dự án ngoài khơi với những nước đứng ngoài như Việt Nam.
Dấu ấn cá nhân
Chính sách Trung Quốc của Nga thiếu mạch lạc, chỉ dựa trên tính cách cá nhân. Ông Igor Sechin thường là người quyết định trong các giao dịch với Trung Quốc. Ông Diệp Giản Minh (Ye Jianming), chủ tịch CEFC nay đã bị bắt, chủ trương đầu tư nhiều ra nước ngoài, trong bối cảnh các tập đoàn lớn bị kiểm soát chặt chẽ « các đầu tư bất hợp lý », để chận đứng luồng vốn chảy ra ngoại quốc. Ông Diệp bị rơi đài do quyền lực được tập trung vào tay chủ tịch Tập Cận Bình.
Ông Sechin không làm nên được việc lớn tại Trung Quốc sau vụ CNPC năm 2013, nhưng cách làm của ông cũng như việc thiếu một chính sách nhất quán của Matxcơva đã gây tổn hại đến quan hệ giữa Nga và Trung Quốc.
Vấn đề này càng nặng nề thêm khi lợi ích ở Việt Nam xung đột với chiến lược quốc gia của Trung Quốc.Tuyên bố của Trung Quốc phản đối Rosneft nói rằng « không Nhà nước, tổ chức, công ty hay cá nhân nào có thể tiến hành các hoạt động thăm dò tại vùng biển ‘thuộc chủ quyền Trung Quốc’ mà không có sự cho phép của Bắc Kinh ».
Tệ hơn nữa là theo thông cáo của giám đốc Rosneft, tập đoàn này trong 16 năm qua vẫn khai thác lô khí đốt mà Bắc Kinh không hề phản đối. tác giả Nicholas Trickett cho rằng, có rất nhiều trở ngại trong nỗ lực của Nga nhằm mở rộng và đào sâu quan hệ kinh tế cũng như an ninh tại châu Á-Thái Bình Dương. Có vẻ như Trung Quốc sẵn sàng bắt đầu buộc Matxcơva phải chiều theo ý muốn của mình, bất chấp những tuyên bố mặt ngoài về quan hệ tốt đẹp giữa đôi bên, nhằm dằn mặt phương Tây.
Việt Nam lên tiếng
về việc Trung Quốc đưa oanh tạc cơ xuống Biển Đông
Trung Quốc đang vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam khi đưa máy bay ném bom đến Hoàng Sa.
Đây là lời khẳng định của bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam nói với truyền thông trong nước vào chiều ngày 21 tháng 5 năm 2018.
Bà Lê Thị Thu Hằng lặp lại khẳng định rằng Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử để xác nhận chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Do đó, Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động vừa nêu, không quân sự hóa Biển Đông để tránh gây thêm bất ổn an ninh khu vực.
Trước đó, vào hôm 9/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc rút tên lửa khỏi khu vực quần đảo Trường Sa, xem đó là hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
Vào ngày 18/5 vừa qua, Trung Quốc cho loan tải video quay cảnh oanh tạc cơ H-6K diễn tập cất và hạ cánh xuống một đường băng trên đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng. Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng hôm 19/5 trích lời chuyên gia về Trung Quốc thuộc Trung tâm Chiến Lược và Nghiên cứu Quốc tế tại Washington DC, bà Bonnie Glaser, cho rằng oanh tạc cơ H-6K đã hạ cánh xuống đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Đây là quần đảo đang tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Trong tuyên bố được đưa ra vào ngày 18 tháng 5, người phát ngôn Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, Trung tá Christopher Logan gọi hành động của Trung Quốc đưa oanh tạc cơ xuống Biển Đông là ‘quân sự hoá liên tục của Trung Quốc tại các thực thể đang tranh chấp tại đó’.
Việt Nam và Úc tố cáo
Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông
Về việc Trung Quốc cho oanh tạc cơ chiến lược H-6K hạ cánh xuống một hòn đảo ở Biển Đông, được giới chuyên gia xác định là đảo Phú Lâm, Hoàng Sa, Việt Nam vào hôm qua, 21/05/2018 đã lên tiếng phản đối, trong lúc ngoại trưởng Úc cũng nhắc nhở đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị rằng Canberra phản đối việc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông.
Theo hãng tin Anh Reuters, trong một tuyên bố, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã xác định rằng « Việc Trung Quốc cho máy bay ném bom tiến hành các hoạt động diễn tập cất, hạ cánh trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo này » và « làm gia tăng căng thẳng, gây bất ổn trong khu vực và không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông ».
Việt Nam đồng thời yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động nêu trên, « không được tiến hành quân sự hóa, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.. »
Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam, thì sự hiện diện của oanh tạc cơ Trung Quốc trong khu vực « ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm xây dựng Bộ Quy Tắc Ứng Xử của các bên ở Biển Đông ».
Phản ứng của Việt Nam được đánh giá là mạnh hơn lời phản đối được coi là « chừng mực »của Philippines, cũng vào hôm qua, chỉ bày tỏ thái độ « quan ngại sâu sắc » nhưng không lên án hành động của Bắc Kinh.
Úc có cùng quan điểm với Việt Nam. Theo nhật báo Anh The Guardian vào hôm nay, 22/05, ngoại trưởng Úc Julie Bishop mới đây đã lên tiếng phản đối việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông sau vụ Bắc Kinh điều máy bay ném bom có khả năng mang bom nguyên tử hạ cánh xuống quần đảo Hoàng Sa.
Ngoại trưởng Úc đã bày tỏ thái độ phản đối trong cuộc tiếp xúc với ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bên lề hội nghị ngoại trưởng khối G20 ở Argentina trong hai ngày 20-21/05.
Trả lời đài truyền hình Úc ABC vào hôm nay, bà Bishop khẳng định : « Lập trường của Úc rất rõ và nhất quán, và Trung Quốc cũng đã biết… Tôi tin rằng Trung Quốc không bất ngờ khi tôi nêu vấn đề này một lần nữa ». Ngoại trưởng Úc khẳng định chính quyền Canberra sẽ tiếp tục thực thi quyền tự do hàng hải và hàng không, đồng thời ủng hộ các nước khác làm điều tương tự. Bà cho biết nói đã nêu rõ lập trường này cho phía Trung Quốc.
Bắc Kinh đã bỏ ngoài tai những lời phản đối trên đây, cho rằng việc oanh tạc cơ của họ đáp xuống các đảo ở Biển Đông, hoàn toàn thuộc chủ quyền Trung Quốc là một điều bình thường. Vào hôm qua, 21/05, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã phản bác mọi cáo buộc, đồng thời tố cáo các nước bày tỏ thái độ quan ngại là đã « thổi phồng vụ việc ».
Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt tường trình :
« Hãy đi chỗ khác chơi, không có gì để xem hết ! » Đây đại khái là câu trả lời của bộ Ngoại Giao Trung Quốc, phản bác mọi chỉ trích về việc Bắc Kinh « quân sự hóa » Biển Đông. Theo lời phát ngôn viên Lục Khảng : « Các đảo ở vùng Nam Hải (tên Trung Quốc gọi Biển Đông) thuộc lãnh thổ của Trung Quốc ». Tóm lại, đối với Bắc Kinh, việc oanh tạc cơ Trung Quốc đáp xuống đảo ở Biển Đông là « một cuộc tập trận bình thường, không nên diễn giải quá đáng ».
Nhật báo Trung Quốc China Daily, mặt khác đã nhắc lại là Hoa Kỳ cũng đã cho tàu đi tuần tra cũng trong vùng đó. Vào tháng 4, oanh tạc cơ B-52 và tàu sân bay Theodore Roosevelt của Mỹ cũng đã thao diễn tại đây và Bắc Kinh đã tố cáo đó là hành vi khiêu khích.
Một đoạn video do Nhân Dân Nhật Báo công bố cho thấy một oanh tạc cơ Trung Quốc H-6K đáp xuống một hòn đảo mà Bắc Kinh khẳng định chủ quyền. Theo nhiều chuyên gia, đó là đảo Phú Lâm (Woody Island) hay Vĩnh Hưng, theo cách gọi của Trung Quốc trong tiếng Hoa – đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam và Đài Loan cũng đòi chủ quyền. Giai đoạn tới đây có lẽ là máy bay này sẽ đáp xuống Trường Sa.
Vấn đề là H-6K là một loại máy bay hiện đại của Trung Quốc, có thể gây lo ngại cho nhiều nước khác. Với tầm hoạt động 3.500 km, H-6K có thể bay đến Úc hay đảo Guam, nơi mà Mỹ có nhiều căn cứ quân sự quan trọng.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180522-viet-nam-va-uc-to-cao-trung-quoc-quan-su-hoa-bien-dong