Tin Việt Nam – 16/09/2017
Vấn nạn dân chết trong đồn công an tại Việt Nam
Hòa Ái, phóng viên RFA
Trong những đầu tháng 9 năm 2017, lại có thêm 2 trường hợp được người cho biết chết một cách bất minh ngay tại đồn công an. Công luận nêu vấn đề đến bao giờ những cái chết khuất tất như thế không còn xảy ra?
Thêm hai người chết bất minh trong đồn công an
Báo mạng Thanhnien.vn đưa tin bà Huỳnh Thị Thúy Hằng, 39 tuổi, vào ngày 3 tháng 9, bị tạm giữ tại đồn Công an huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang để điều tra liên quan một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, 3 ngày sau đó, Công an huyện Thoại Sơn thông báo cho gia đình biết bà Hằng được phát hiện tử vong trong bồn nước phòng tạm giam.
Một trường hợp khác được Báo Tuổi Trẻ Online loan đi thông tin về nạn nhân tên Võ Tấn Minh, 25 tuổi, được Công an thành phố Phan Rang-Tháp Chàm phát hiện ngất xỉu trong nhà tạm giữ vào chiều ngày 8 tháng 9 và được đưa đến bệnh viện cấp cứu, nhưng bệnh nhân đã tử vong trong chiều cùng ngày.
Mẹ của nạn nhân Võ Tấn Minh là bà Phạm Thị Thu Huyền nói với Báo Tuổi Trẻ Online rằng con trai của bà bị bắt giữ vào ngày 28 tháng 4, do bị phát hiện có mang trong mình vài tép heroin. Sau khi nhận được thông báo từ Công an tỉnh Ninh Thuận về cái chết của con trai, vào chiều ngày 8 tháng 9, bà Huyền cùng gia đình đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận để làm thủ tục nhận xác của người nhà. Và gia đình nghi ngờ thân nhân của họ bị đánh vì thi thể có nhiều vết bầm và một vết bầm ở sau gáy dài khoảng 6cm.
Em gái của nạn nhân Võ Tấn Minh là cô Võ Thị Thu Thủy qua trang Facebook cá nhân kêu gọi sự giúp đỡ lấy lại “công đạo” cho anh trai. Cô Thu Thủy viết rằng gia đình hồ nghi nạn nhân Võ Tấn Minh bị bức cung đến chết vì bác sĩ pháp y thông báo kết quả khám nghiệm tử thi là nạn nhân bị đánh bể hộp sọ và nát phổi mà chết.
Cả hai trường hợp mới nhất liên quan đến người dân thiệt mạng trong thời gian bị tạm giữ ở đồn công an như vừa nêu, Công an tỉnh An Giang nói với Báo Thanhnien.vn rằng sẽ cung cấp thông tin khi có báo cáo cụ thể và Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho Báo Tuổi Trẻ Online biết vụ án đang được các cơ quan chức năng phối hợp điều tra.
Vụ việc có thêm hai thường dân chết trong đồn công an chỉ cách nhau vài ngày lại làm làm dấy lên sự phẫn nộ trong dư luận. Thắc mắc của họ là vì sao tình trạng người dân chết trong đồn công an ngày càng xảy ra thường xuyên hơn cũng như bao giờ thì những cái chết khuất tất như thế được cơ quan công quyền làm rõ nguyên nhân.
Cũng trong năm 2017, một số trường hợp tương tự khiến dư luận đặc biệt quan tâm có thể nêu ra gồm trường hợp ông Nguyễn Hữu Tấn, một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy, 38 tuổi bị chết trong trại tạm giam Công an tỉnh Vĩnh Long vào đầu tháng 5 với thông báo là nạn nhân này đã dùng dao rọc giấy cắt cổ tự sát. Trường hợp khác là thanh niên Nguyễn Hồng Đê, 26 tuổi, trong thời gian bị tạm giữ tại đồn Công an thành phố Phan Rang-Tháp Chàm hồi đầu tháng 7 vừa qua, được nói cởi áo tự thắt cổ đến chết.
Kiên trì tìm công lý
Đài RFA được biết hai gia đình vừa nêu không chấp nhận giải thích của cơ quan chức năng về nguyên nhân gây ra tử vong cho thân nhân và họ yêu cầu chính quyền địa phương phải điều tra vụ việc. Tuy vậy, cho đến nay, hai gia đình này vẫn chưa nhận được kết quả điều tra như thế nào.
Tôi dù có chết hay còn một hơi thở cuối cùng thì tôi cũng đi làm cho rõ cái chết của con tôi.
-Bà Nguyễn Thị Ái
Riêng trường hợp của nạn nhân Phạm Ngọc Nhung, 26 tuổi, bị thiệt mạng trong thời gian Công an phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh tạm giữ, do bị tình nghi đánh nhau với người khác hồi trung tuần tháng Giêng năm 2017, mẹ của người thanh niên xấu số này, bà Nguyễn Thị Ái cho biết sau 3 tháng gia đình đến nhận xác với điều kiện phải ký cam kết không được mang quan tài hay hũ cốt diễu phố làm mất vệ sinh môi trường và an ninh trật tự.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng hồ sơ tố cáo vụ việc con trai Phạm Ngọc Nhung gửi đến Cục Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tiến triển ra sao, bà mẹ Nguyễn Thị Ái cho biết cả luật sư và bản thân bà không cách nào liên lạc được với bên chính quyền. Bà Ái nói đã nhiều lần gọi điện thoại đến ông Đội phó tên Việt của Phòng Cảnh sát Điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh (PC44), nhưng ông này không bắt máy:
“Ông biết số máy của tôi và ông không bắt máy. Sau tôi buồn quá và nhắn tin vào máy của ông, bảo là ‘Anh cho tôi hỏi vụ án của con tôi như thế nào? Có định xử hay không? Nếu không xử thì anh cũng cho tôi biết. Nếu các anh không xử thì trả lại hồ sơ để tôi đi ra ngoài Bộ (Bộ Công An). Tôi dù có chết hay còn một hơi thở cuối cùng thì tôi cũng đi làm cho rõ cái chết của con tôi’. Thế thì ông nhắn lại rằng ‘Chị yên tâm đi. Khi nào tòa xử thì sẽ gửi giấy báo cho chị’.”
Để trả lời cho thắc mắc của các gia đình có người thân chết trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam tại đồn công an rằng các hồ sơ vụ việc không được chính quyền địa phương giải quyết thì những gia đình này phải cầu cứu với cơ quan nào cho đúng trình tự pháp luật, Luật sư Võ An Đôn giải thích:
“Theo quy định pháp luật thì trường hợp những gia đình nạn nhân mà cảm thấy người thân của mình chết mà không rõ nguyên nhân, làm đơn tố cáo yêu cầu các cơ quan từ địa phương đến trung ương xử lý. Những trường hợp này thì Cơ quan Điều tra của Viện Kiểm Sát phải vào cuộc ngay sau khi có đơn tố cáo của công dân hoặc phản ánh của dư luận. Khi cơ quan tiếp nhận đơn thư thì trong vòng một tháng phải giải quyết đơn thư đó và trả lời kết quả cho công dân. Nếu người ta không xử lý, cố tình làm cho vụ án chìm xuồng thì việc đó không đúng quy định pháp luật. Và không còn cách nào khác vì công dân đã làm đúng theo các điều quy định trong pháp luật, nhưng các cơ quan chức năng không giải quyết thì cũng bó tay thôi.”
Đài RFA cũng đã liên lạc với Phòng Cảnh sát Điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh (PC44) vào sáng ngày 15 tháng 9 để hỏi thăm thông tin liên quan hồ sơ vụ án của nạn nhân Phạm Ngọc Nhung, nhưng qua các số điện thoại trên danh bạ mà chúng tôi tìm được và gọi đến cơ quan này đều không ai bắt máy.
Nếu người ta không xử lý, cố tình làm cho vụ án chìm xuồng thì việc đó không đúng quy định pháp luật. Và không còn cách nào khác vì công dân đã làm đúng theo các điều quy định trong pháp luật, nhưng các cơ quan chức năng không giải quyết thì cũng bó tay thôi.
-Luật sư Võ An Đôn
Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam, hồi trung tuần tháng 3 năm 2015, từng tổ chức họp đoàn giám sát “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”. Tại buổi họp đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội, ông Đỗ Mạnh Hùng đề nghị Bộ Công An cần làm rõ “điều kiện giam giữ như thế nào để dẫn đến số người bị tạm giam, tạm giữ chết nhiều như vậy”, qua số liệu báo cáo trong vòng 3 năm, tính từ tháng 10 năm 2011 đến tháng 9 năm 2014 có đến 226 người chết khi bị tạm giam, tạm giữ do bệnh lý và tự sát.
Dư luận không ai rõ Bộ Công An đã có giải trình theo đề nghị của Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội, ông Đỗ Mạnh Hùng hay chưa vì không có một thông tin liên quan nào được phổ biến rộng rãi đến công chúng. Trong khi đó gia đình của các nạn nhân chết trong đồn công an cho biết họ vẫn kiên trì tìm kiếm một lời giải đáp cho cái chết khuất tất của người thân.
B.O.T đặt sai chỗ làm ảnh hưởng đến dân
Gần đây, các trạm BOT bị “soi” khá kỹ, lần này là BOT thuộc huyện Trảng Bom, Đồng Nai. Người dân cho rằng BOT này đặt sai vị trí và mức phí trên trời. Hệ quả là ảnh hưởng đến người tham gia giao thông lẫn người dân xung quanh.
Vị trí “trời ơi đất hỡi!”
Để hoàn vốn cho dự án tuyến tránh Biên Hòa, trạm thu phí đã được đặt tại xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Địa điểm đặt BOT chẳng liên quan gì đến tuyến đường tránh cách đó 10km.
Dự án tuyến tránh TP Biên Hòa (còn gọi đường Võ Nguyên Giáp) và nâng cấp cải tạo quốc lộ 1 do Công ty CP đầu tư Đồng Thuận làm chủ đầu tư và đưa vào sử dụng vào từ năm 2014.
Rất nhiều lần người dân xung quanh phản ứng, các tài xế chạy qua đoạn đường này cũng vô cùng bức xúc vì mức phí lẫn vị trí “trời ơi đất hỡi!”của trạm thu phí này:
Nói chung thực tế trạm thu phí quá cao, trạm thu phí đặt không đúng vị trí. Tại vì đúng ra trạm thu phí đó đặt ở đường tránh Võ Nguyên Giáp.
-Người dân
“Nói chung thực tế trạm thu phí quá cao, trạm thu phí đặt không đúng vị trí. Tại vì đúng ra trạm thu phí đó đặt ở đường tránh Võ Nguyên Giáp. Nhưng mà họ đặt cao quá, cách xa lên đó cả 6-7 km gì đó. Em cũng ít đi đường đó, cái trạm đó mắc quá. Ăn gì đâu mà em đi qua đi lại tự nhiên mất 7 chục ngàn. Mắc quá! Nhiều khi nhà người ta ở đó chạy qua chạy lại cũng vẫn thu phí.”
Một chuyến taxi vài km nhưng đi qua đi về trạm BOT coi như mất 70 ngàn nộp phí, tài xế chạy thế nào để khỏi lỗ được đây?
Ngay cả những người dân ở xã Trung Hòa cũng hiểu rõ tại sao các xe ô tô thường xuyên chạy ngang qua đường nhà mình bấy lâu nay. Họ cho biết:
“Ví dụ ai có xe người ta trốn trạm được người ta cũng mừng. Tại trạm thu phí này mắc quá đâu ai chịu nổi. Họ nói nhiều lắm, nghe nói lấy thuế nhiều quá, ví dụ ngày họ đi 3,4 bận là hết bao nhiêu tiền của người ta rồi. Đi lên đi xuống chiếc lớn thì 7 chục ngàn. Mà đi 2 bận hết tram tư rồi, ba bận hết 2 trăm mốt của người ta. Đi 4 bận thì nhiều nữa. Người ta kêu né tránh đường này khúc nào đỡ khúc nấy mà.”
Bà chủ quán bán bún riêu, dù chẳng khi nào đi ô tô qua trạm cũng tường tận sự việc. Như vậy chẳng trách sao cánh tài xế tìm đường tránh trạm BOT. Nhất là những chủ phương tiện sống tại địa phương, qua lại trạm để chở hàng mỗi ngày, họ phải mất nhiều tiền cho trạm thu phí, dù không hề đi trên con đường tránh.
Không đi vẫn phải trả phí?
Để rõ hơn, thường thì khi ô tô đi vào TP Biên Hòa thì sẽ rẽ phía bên phải. Và ngược lại, từ TP Biên Hòa đến các khu công nghiệp của huyện Trảng Bom thì cũng không đi qua đường tránh chính là tuyến đường có bảng chỉ dẫn đi về hướng Ngã ba Vũng Tàu như quý vị đang nhìn thấy. Thế mà lâu nay đều phải mua vé qua trạm thu phí này dù không hề đi trên tuyến đường tránh một km nào.
Đã vậy, tuyến đường này hư hại vài nơi, khói bụi mù mịt ở một số đoạn đường. Như vậy thu phí bỏ túi thì nhanh nhẹn nhưng trách nhiệm thì chậm chạp. Vì trước kia, người dân phản ánh rất nhiều lần mới được công ty Đồng Thuận sửa chữa.
Chính vì những lý do đó, các tài xế đã tranh thủ đi vào trong khu dân cư để tránh qua trạm BOT này. Vì con đường khá chật hẹp, các xe trọng tải lớn qua lại, chạy nhanh có thể làm ảnh hưởng đến an toàn của trẻ nhỏ và người dân. Đã có lúc người dân lăn đá ra đường để chặn các xe tải trọng lớn qua đây:
Xe kẹt cứng luôn, đường kia giờ nó chặn đá đâu cho đi được, cứ ép ép nhau đi, đường này còn rộng được chút. Chứ kia đi 1 xe chứ 2 xe là không lánh được. Đá nó chơi chất xích ra tới ngoài luôn.
-Người dân
“Xe 7 chỗ 4 chỗ đi thoải mái, xe lớn quá đi phước tạp. Có bữa mới có, bữa xe nó quẹo đường khúc đó bà già gãy chân không biết về chưa? Xe kẹt cứng luôn, đường kia giờ nó chặn đá đâu cho đi được, cứ ép ép nhau đi, đường này còn rộng được chút. Chứ kia đi 1 xe chứ 2 xe là không lánh được. Đá nó chơi chất xích ra tới ngoài luôn.”
Nhưng việc ngăn cấm các phương tiện lưu thông như vậy thì cần xem xét lại về trạm thu phí trước tiên, chứ không phải đưa ra lệnh cấm lưu thông một cách bừa bãi.
Đặt trạm thu phí sai chỗ, đã làm tình hình giao thông khu vực này rối loạn hơn 3 năm nay nhưng không hề được cơ quan nào chịu trách nhiệm giải quyết cho người dân. Bằng chứng là nó vẫn tồn tại đến tận bây giờ và thu mức phí quá cao.
Mức thu phí thấp nhất qua trạm 35.000 đồng/xe/lượt. Dự kiến thời gian thu hoàn phí 10 năm.
Tuyến đường tránh TP Biên Hòa được đưa vào sử dụng với mục đích giải quyết tình trạng ách tắc, tai nạn trên tuyến QL1A đoạn qua nội ô TP Biên Hòa, rút ngắn thời gian lưu thông phương tiện đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai nhưng không làm người dân hài lòng.
http://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/bot-trang-bom-dong-nai-09152017135143.html
Luật sư Thuận: BOT điều tra kỹ cũng là ‘đại án’
Những sai phạm liên quan các dự án thu phí BOT giao thông vừa qua ở Việt Nam không chỉ gây thiệt hại ‘hàng ngàn mà hàng vạn tỉ’ đồng và nếu ‘điều tra kỹ’ thì đó chính là một ‘Đại án’, một quan chức từng tham gia lãnh đạo Văn phòng Quốc hội Việt Nam nói với BBC tuần này.
Trao đổi với Bàn tròn thứ Năm của BBC Việt ngữ hôm 14/9/2017, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nói:
“Việc giám sát BOT là một chủ trương dưới nhiều ý kiến phản đối và cuối cùng Quốc hội đã thành lập một đoàn giám sát BOT và theo tôi nhận thức, giám sát BOT chính là giám sát chất lượng và đầu tư vào công tác BOT.
Tất cả những cái đó là thiệt hại vừa qua không phải là hàng ngàn, mà hàng vạn tỉ [đồng], cái đó là cái lớn mà nếu làm cho kỹ ra thì đó cũng là một loại Đại ánLuật sư Trần Quốc Thuận
Bàn tròn thứ Năm: Câu chuyện BOT ở VN
‘Phát hiện nhiều vi phạm trong các dự án BOT’
Vụ các trạm BOT ‘nhắm vào ông Đinh La Thăng’?
“Bởi vì đó là vốn, vốn vay nước ngoài là chính, rồi đem làm, nhưng chỉ định thầu không qua đấu thầu, rồi chất lượng đường, sau đó là các giá và các trạm [thu phí], tiền mà mất ngay tức khắc, chính là chất lượng của những công trình đó và không qua đấu thầu…
“Tôi cho rằng câu chuyện đó cũng là đại sự, mà chính chuyện đó mới dẫn đến tiêu cực, cho nên những đường như Pháp Vân – Cầu Giẽ ở ngoài Hà Nội và đường này kia, chưa đi mà đã tróc, thì rõ ràng có nhiều chuyện lắm.
“Và người ta nói còn liên quan đến phu nhân của một ông cựu lãnh đạo thật to với Đảng, nhà nước này dính líu đến những đầu tư đó mà nhờ… đó giải các khoản nợ ngân hàng tới mấy trăm, cả ngàn tỉ… Do đó cho nên, người ta tính ngược lại thì giá đầu tư mà không qua đấu thầu mà chỉ định thì rõ ràng câu chuyện rất lớn và tiêu cực rất lớn.
“Ở đây, tôi nghĩ nếu điều tra kỹ, thẩm tra kỹ, mà kể cả thẩm tra chất lượng yêu cầu mời quốc tế vào thẩm tra, chứ không phải giám sát rồi đi cưỡi ngựa xem hoa thì cũng không nắm được gì, thì chính cái đó mới thấy thất thoát như thế nào.”
Sau khi lên tiếng tiếp về cách thức đặt các trạm thu phí giao thông trong các ‘dự án đầu tư’ theo phương thức xây dựng, vận hành, chuyển giao (BOT) ‘không đúng chỗ’ và ‘không đúng theo quy định’ theo đó, khoảng cách là 70 km mới được đặt một trạm, kể cả vấn đề triển khai thu phí tự động đến nay ‘vẫn chưa thực hiện được’, Luật sư Trần Quốc Thuận nói:
“Tất cả những cái đó là thiệt hại vừa qua không phải là hàng ngàn, mà hàng vạn tỉ [đồng], cái đó là cái lớn mà nếu làm cho kỹ ra thì đó cũng là một loại Đại án”.
Phát biểu của ông Kiên, các phát biểu của các vị vừa qua [khách mời khác tại Bàn tròn thứ Năm], tôi rất đồng tình. Phát biểu rất ngớ ngẩn và thấy vấn đề không ra tầm trình độ của mình, rất tiếc cho ông KiênLuật sư Trần Quốc Thuận
Người nghèo không bị ảnh hưởng?
Việt Nam: Nhiều dự án BOT ‘có vấn đề’
Mới đây, truyền thông chính thức Việt Nam và cộng đồng mạng xã hội ‘xôn xao’ về phát biểu được cho là của một đương kim quan chức Quốc hội Việt Nam, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, khi ông được trích dẫn nói “BOT không ảnh hưởng đến người nghèo” tham gia giao thông.
Bình luận về phát biểu này của ông Kiên, Luật sư Trần Quốc Thuận nói:
“Còn phát biểu của ông Kiên, các phát biểu của các vị vừa qua [khách mời khác tại Bàn tròn thứ Năm], tôi rất đồng tình. Phát biểu rất ngớ ngẩn và thấy vấn đề không ra tầm trình độ của mình, rất tiếc cho ông Kiên”.
Trước đó, ngay tại cuộc Tọa đàm hôm 14/9, nhà báo Mạc Việt Hồng, Chủ biên báo Đàn Chim Việt online từ Ba Lan, nêu quan điểm:
“Về câu nói của ông Nguyễn Đức Kiên, tôi cho rằng đó là một câu nói có thể liệt vào loại ngớ ngẩn nhất trong năm 2017, tôi nghĩ rằng khi ông Kiên nói câu này, thì ông nghĩ một cách đơn giản là những cái xe ô tô qua lại các trạm phí đó thì phải trả tiền.
“Còn người nghèo có thể đi xe máy, xe đạp hoặc đi bộ, thì người ta không phải trả tiền này, thế nhưng đấy là một cách nhìn có thể nói là rất thiển cận, rất là không chính xác, bởi vì khi phí đó đường bộ từ Bắc đến Nam, theo như tôi kiểm tra ngày hôm qua, thì có khoảng mấy chục trạm thu phí gì đó, và trên toàn Việt Nam hiện nay có khoảng trên một trăm trạm thu phí.
Có thể ý của ông… muốn nói rằng là những doanh nghiệp, hay những người sử dụng những phương tiện giao thông và lưu thông rất nhiều ở những tuyến đường đó thì bị ảnh hưởng nhiều hơnTiến sỹ Khuất Thu Hồng
“Theo tôi biết, mỗi chuyến xe như vậy, vận chuyển hàng hóa từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc, người ta phải trả rất nhiều tiền phí, như vậy thì cái tiền đó sẽ cộng vào chi phí khi bán sản phẩm ra, thì các sản phẩm sẽ [có giá thành] cao hơn, người tiêu dùng tất nhiên phải chịu ảnh hưởng và phải bị cõng phí này rồi, cho nên nói như vậy, theo tôi là không chính xác.”
Còn từ Hà Nội, Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) cũng đưa ra bình luận về điểm này:
“Tôi nghĩ rằng ông Nguyễn Đức Kiên khi mà nói như vậy, thì có thể ý của ông… muốn nói rằng là những doanh nghiệp, hay những người sử dụng những phương tiện giao thông và lưu thông rất nhiều ở những tuyến đường đó thì bị ảnh hưởng nhiều hơn.
“Nhưng nếu mà nói là không… hoàn toàn ảnh hưởng đến người dân, không ảnh hưởng đến người nghèo, thì tôi nghĩ là điều đó chưa chính xác,” nhà nghiên cứu xã hội học và phát triển nói với BBC từ Hà Nội.
Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi nội dung phần trao đổi về câu chuyện BOT ở Bàn tròn thứ Năm của BBC Việt ngữ hôm 14/6/2017.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41292603
Nhân quyền là trọng tâm trong đàm phán thương mại VN-EU
Nhân quyền là vấn đề trọng tâm trong đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Liên Minh Châu Âu- EU. Ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu nói với các nhà báo vào ngày15 tháng Chín, tại Hà Nội.
Thỏa thuận mậu dịch tự do Việt Nam và EU được ký vào năm 2015, và có thể được phê chuẩn vào năm tới.
Tuy nhiên trong thời gian gần đây Việt Nam gây nên nhiều quan ngại cho các tổ chức nhân quyền, về thành tích nhân quyền của mình trong việc bắt bớ những blogger và nhà báo tự do.
Ông Bernd Lang nói tiếp rằng nếu Việt Nam không giải quyết đầy đủ các quan ngại về nhân quyền thì e rằng chuyện thương thảo giữa đôi bên sẽ gặp rắc rối.
Ngoài ra còn một vấn đề nữa đã gây ra rạn nứt trong quan hệ Việt Nam và EU là việc Hà Nội đã bị nước Đức cáo buộc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức ngành dầu khí đang xin qui chế tị nạn tại Đức. Ông Thanh bị cáo buộc dinh líu tới những vụ bê bối tham nhũng tại Tập Đoàn Dầu Khí Quốc Gia.
Ông Bernd Lang còn cho biết trong chuyến đi Việt Nam ông đã gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các viên chức thương mại Việt Nam , và cả những nhóm xã hội dân sự.
Báo chí Việt Nam không đề cập gì đến quan ngại về nhân quyền mà người đại diện của EU nêu ra tại Hà Nội, nhưng lại đưa tin về chuyến thăm Thụy sĩ của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.
Theo thông tin từ trang web của chính phủ Việt Nam, các quan chức Việt Nam và Thụy sĩ đồng ý với nhau rằng sẽ phải nổ lực nhiều hơn để hoàn tất việc ký kết thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam và khối bốn quốc gia châu Âu bao gồm Thụy sĩ, Na Uy, Băng Đảo, và Lichteinsten.
Hiện nay EU là một đối tác thương mại rất quan trọng của Việt Nam, việc đạt được thỏa thuận thương mại tự do rất cần thiết cho hàng hóa Việt Nam vào được thị trường EU, nhất là trong hoàn cảnh Thỏa thuận thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương đã bị Mỹ rút ra, không thực hiện được.
Tâm tình của hai phụ nữ Việt bán hàng tại Thái
Chân Như, phóng viên RFA
Hy vọng có thể gửi tiền về thân nhân
Hình ảnh những người Việt bỏ xứ ra đi để tìm cho mình một công việc nuôi thân và hy vọng có thể gửi tiền về thân nhân ở quê nhà đã không còn là những hình ảnh xa lạ nơi xứ người.
Chúng tôi bắt gặp rất nhiều người Việt mưu sinh trên con đường nhộn nhịp Khao San – Bangkok – Thái Lan. Họ đa số là những người con của dãi đất miền Trung đầy nắng gió, vì cuộc mưu sinh mà rời xa quê nhà. Xe hàng rong là người bạn duy nhất cùng dầm sương dãi nắng với họ trong hàng chục năm qua.
Chị Trúc, 43 tuổi, quê Hà Tĩnh, qua Thái Lan hành nghề bán hàng rong đã được hơn 10 năm. Công việc hàng ngày của chị là bán trái sầu riêng ở khu phố Khao San. Chia sẻ về lý do chọn đất nước Thái Lan mà không phải đất nước nào khác cho công cuộc mưu sinh kiếm sống này. Chị cho biết:
Sang đây thì nhờ đất nước Thái, cũng làm việc bình thường. Công an thì có lúc họ hỏi nhưng họ không bắt, nếu gặp người tốt thì họ không lấy tiền, còn không thì họ phạt khoảng 1 đến 2 ngàn Bath
(khoảng 700 đến 1,5 triệu Việt Nam).
– Chị Trúc
“Nói chung sang đây thì nhờ đất nước Thái, cũng làm việc bình thường. Công an thì có lúc họ hỏi nhưng họ không bắt, nếu gặp người tốt thì họ không lấy tiền, còn không thì họ phạt khoảng 1 đến 2 ngàn Bath (khoảng 700 đến 1,5 triệu Việt Nam). Trước đây tôi đi làm thuê làm mướn ở trong Nam (tức Sài Gòn), khi làm việc ở đó thì tôi cũng có gặp vài người đã đi Thái bán hàng. Rồi thì đi theo họ sang đây. Lúc đầu chỉ là là đi rửa chén bát cho mấy nhà hàng, rồi sau đó thì theo người Thái hỏi họ, rồi đi buôn đi bán, để kiếm đồng tiền gửi về quê lo cho con cái học hành. Lúc đầu thì phải 2-3 năm mới về được một lần. Nhưng bây giờ đã có hộ chiếu nên việc đi lại dễ dàng hơn, chị về ‘suốt’, cứ có công việc là chị lại về, rồi lại sang.”
Trả lời cho câu hỏi: “có khi nào chị nghĩ sẽ về Việt Nam kinh doanh hay làm gì đó?” chị cho biết:
“Không, chị phải bỏ ở Việt Nam thôi, vì phải sang đây để kiếm đồng tiền về cho đất nước mình, gia đình mình, để xây nhà xây cửa và lo cho con cái ăn học. Chứ không nghĩ gì hết, chỉ có biết ở đây để kiếm đồng tiền thôi.”
Ngoài các khoản lợi nhuận thu được, người bán hàng rong ở khu phố này phải chung tiền cho giao thông, an ninh dọn dẹp trật tự, người quản lý người nước ngoài.
Cuộc sống cứ thế trôi qua với chị. Một ngày chị bán 100kg sầu riêng, tiền lời khoảng 500 ngàn tiền ta (khoảng 700 Bath Thái):
“Bình thường thì cũng không khó khăn lắm. Đất Thái thì cũng dễ sống lắm. Từ trước đến giờ thì chưa thấy gặp khó khăn gì nhiều. Nhưng sắp tới thì chưa biết, bởi chưa biết cái luật cư trú mới ra sao cả.”
Chia sẻ về việc những người cùng hoàn cảnh bán hàng rong như chị ở Việt Nam:
Chị Thương, quê Nghệ An, tuy mới 22 tuổi nhưng chị đã có thâm niên 4 năm bán hàng rong ở khu phố Khao San này, món hàng mà chị bán là xôi xoài và kèm dừa. RFA PHOTO
“Chính quyền Thái họ đối xử tương đối tốt. Chị có coi trên mạng cảnh nhiều người bán hàng rong ở Việt Nam, thấy phức tạp hơn so với bên đây nhiều, bên này họ nói vậy thôi chứ họ bắt vào thôi rồi họ phạt ít trăm Bath thôi, chứ họ không thu giữ gì cả. Chứ không phải như bên mình đâu, chị coi trên mạng cảm thấy thương người bán hàng rong như chị lắm. Bên này cảm thấy thích hơn, tốt hơn.”
Nói về mong muốn của mình, chị Trúc thổ lộ:
“Mong muốn là ở đây kiếm đồng tiền thôi. Để sau này về già để ăn tiêu, cho con cái học hành chứ không nghĩ ở bên này đến già đâu.”
“Ở Thái họ sống tốt lắm. Họ sống thoại mái vô tư lắm, không phân biệt giàu nghèo. Không như bên mình, ở đây chị cảm thấy họ sống rất tốt. Nói thật là từ tiền xây nhà, xe cộ cho con cái ăn học chị đều kiếm được từ bên này hết.”
Gặp khó khăn về giấy tờ
Bởi thế cùng hoàn cảnh như chị Trúc, – chị Thương, quê Nghệ An, tuy mới 22 tuổi nhưng chị đã có thâm niên 4 năm bán hàng rong ở khu phố Khao San này, món hàng mà chị bán là xôi xoài và kèm dừa.
Công việc hàng ngày của chị Thương bắt đầu từ 15h chiều đến 1h sáng khuya hôm sau mới về lại nhà. Nói về đất nước Thái, chị Thương chia sẻ:
“Đất nước Thái Lan là một đất nước dễ làm ăn, với lại đi lại nó cũng tiện, từ đây mình về Việt Nam chỉ trong vòng 1 ngày thôi. Chi phí đi lại cũng rẻ, sang đây thì người Thái cũng tạo điều kiện cho mình làm ăn.”
Nói về việc cư trú, chị Thương cho biết:
Người Việt lao động bên này rất đông, cũng chính vì đồng tiền để nuôi gia đình ở quê nhà, họ mới phải sang đây để làm ăn bất hợp pháp, nên rất mong chính phủ Việt Nam mình phải nói chuyện với chính phủ Thái, để cho người Việt Nam minh làm việc một cách hợp pháp ở đây.
– Chị Thương
“Tôi dùng hộ chiếu, hàng tháng thì phải qua biên giới chổ Campuchia để đóng dấu (vì luật Thái chỉ cho phép người VN nhập cư không quá 30 ngày mà không cần Visa). Chỉ có một tí khó khăn là việc chính trị của người Thái, lúc người này lên chức người kia lên chức, thì chính sách của họ cũng khác. Năm vừa rồi thì có đợt truy quét người lao động nước ngoài, nhưng bây giờ họ cho phép gia hạn thêm 6 tháng để người lao động có thể trở về nước để làm thủ tục giấy tờ hợp pháp. Nhiều người nước ngoài như Indonesia, Campuchia, Malaysia đã làm được giấy tờ. Còn người Việt Nam mình thì còn phải chờ chính phủ Việt Nam nói chuyện với chính phủ Thái xem thế nào. Có nhiều người có uy tin ở bên các hội người Việt, họ cũng có đệ trình lên, tuy nhiên đến bây giờ vẫn chưa được giải quyết.”
Khó khăn là vậy, nhưng họ vẫn không nãn chí, vẫn cố gắng công cuộc mưu sinh trên đất khách quê người, họ đều phải gánh trên vai những nhọc nhằn, những lo toan, có cả những giọt mồ hôi nước mắt và buồn tủi.
Nói về mong muốn của mình, chị Thương cho biết:
“Người Việt lao động bên này rất đông, cũng chính vì đồng tiền để nuôi gia đình ở quê nhà, họ mới phải sang đây để làm ăn bất hợp pháp, nên rất mong chính phủ Việt Nam mình phải nói chuyện với chính phủ Thái, để cho người Việt Nam minh làm việc một cách hợp pháp ở đây.”
Thành phố đã lên đèn, con đường nhộn nhịp đông khách du lịch qua lại. Những người phụ nữ Việt Nam vẫn miệt mài đứng sau xe hàng rong tiếp tục công việc, tiếng rao chào đón khách qua lại.
Theo quan sát của chung tôi tại khu phố này, thì phần lớn những mặt hàng mà người Việt ở đây bán, như xôi xoài, kem dừa, nước trái cây, thì hầu như người Thái họ không bán. Bởi thế người Việt Nam cũng dễ dàng bán những mặt hàng này mà không sợ người Thái báo cảnh sát. Và đó cũng là cách mà họ nuôi thân và nuôi gia đình cho dụ cực nhóc nhưng vẫn còn kiếm được miến ăn nơi đất khách, và có thể có được chút tiền dành dụm gửi về nhà để nuôi người thân.
http://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/hang-rong-thai-09082017132617.html
30 tháng 9 là hạn chót báo cáo
về 12 đại dự án nhà nước thua lỗ
Chính phủ Việt Nam vừa ra quyết định Bộ Công thương phải báo cáo kết quả điều tra 12 đại dự án vốn nhà nước bị thua lỗ trước ngày 30 tháng Chín.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tương Vương Đình Huệ, Bộ công thương và các ban ngành liên quan cũng phải báo cáo cho Thủ tướng biết việc xử lý chuyện vay nợ của các dự án này đã đến đâu.
Các dự án này bao gồm 4 nhà máy phân đạm, Nhà máy Đóng tàu Dung Quất, Công ty Thép Việt – Trung, Nhà máy Ethanol Phú Thọ, Nhà máy Bột giấy Phương Nam, Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên (giai đoạn 2), nhà máy Nhiên liệu Sinh học Bình Phước, Nhiên liệu Sinh học Dung Quất và Xơ sợi Đình Vũ.
Trong các dự án này có những nhà máy ngừng hoạt động hoàn toàn, có những nhà máy hoạt động chỉ có vài ngày, và tất cả đều thua lỗ.
Trong các dự án này Tập đoàn Dầu khí Quốc gia có nhiều dự án với số tiền đầu tư nhiều nhất.
Bộ Công Thương cũng công bố kết luận của Ủy ban kiểm tra trung ương đảng cộng sản Việt Nam là các lãnh đạo của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã thiếu trách nhiệm trong việc lãnh đạo gây hậu quả rất nghiêm trọng trong việc quản lý vốn của nhà nước.
Ủy ban trung ương kết luận rằng các vị lãnh đạo này phải bị kỷ luật, nhưng chưa cho biết hình thức kỷ luật như thế nào.
Các vị lãnh đạo của Tập đoàn hóa chất sẽ bị kỷ luật là ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thành Viên, và ba người khác từng là lãnh đạo của tập đoàn này.
Tập đoàn hóa chất đã đầu tư các nhà máy phân đạm mà tính cho đến nay số tiền lỗ đã lên đến 4200m tỉ đồng.
Việt Nam tiến dần đến nền kinh tế không tiền mặt
Các giao dịch ngân hàng ở Việt Nam giờ đang diễn ra trên xe máy.
Đối với những người Việt Nam sống xa những chi nhánh ngân hàng thương mại, ngân hàng VietinBank huy động xe máy để nhân viên của họ có thể gặp khách hàng tại nơi họ sinh sống, cầm theo máy tính bảng.
Đó cũng là chiến lược của Ngân hàng Đông Á. Ngân hàng này điều một xe chở bốn máy rút tiền tự động tới đậu gần các nhà máy để người lao động dễ tiếp cận.
Khắp Việt Nam, mọi người đang chú ý tới lời kêu gọi “tài chính toàn diện” của chính phủ, một thuật ngữ phổ biến khắp toàn cầu để đưa các ngân hàng đến với quần chúng, và còn tốt hơn nữa nếu các giao dịch đều là kỹ thuật số. Hà Nội đã đề ra một số mục tiêu quốc gia cho năm 2020, bao gồm một mục tiêu đầy tham vọng là giảm tỉ lệ giao dịch dựa trên tiền mặt, xuống còn khoảng 10 phần trăm.
Mục tiêu này đi liền với những mục tiêu khác, như tăng số lượng thiết bị POS (điểm bán hàng) lên tới 300.000 và 70 phần trăm các khoản thanh toán điện nước được thực hiện bằng điện tử.
Nhưng hầu hết mọi người dường như nghĩ rằng đó sẽ là một mục tiêu khó đạt được và tiền mặt, đồng Việt Nam, vẫn sẽ thống trị.
“Tiền mặt sẽ không sớm biến mất ở Việt Nam,” Lê Anh Dũng, giám đốc Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thừa nhận, ngay cả khi ông đang cổ súy một xã hội không dùng tiền mặt.
Dẫu vậy, Việt Nam đang nhìn thấy rất ít sự thay đổi rất rõ rệt trong việc số hóa nền kinh tế.
Ví dụ, để thanh toán hóa đơn điện nước, người Việt Nam từng chỉ có một lựa chọn là trả tiền mặt. Điều này có nghĩa là ghé qua bưu điện hoặc chờ nhân viên thu tiền tới bấm chuông. Nhưng giờ các cửa hàng tiện lợi từ 7-Eleven cho tới Circle K đã nở rộ khắp thành phố và đi kèm là sự bùng nổ các thiết bị POS chấp nhận thanh toán điện nước.
Nhược điểm của ngân hàng không chi nhánh
Nhưng nỗ lực hướng tới tài chính phức tạp hơn không hẳn là diễn ra suôn sẻ. Khách hàng lo lắng về tài khoản ngân hàng của họ có thể bị xâm nhập, giống như cách mà bọn trộm có thể moi tiền giấu trong những tấm nệm. Các chương trình cho phép nhân viên vay tiền trừ vào tiền lương của họ để mua điện thoại hoặc tủ lạnh có nguy cơ nuôi dưỡng một nền văn hóa mượn nợ và chủ nghĩa tiêu thụ. Và người dân vẫn chậm sử dụng các công cụ ngân hàng không chi nhánh như các loại ví điện tử Moca, MoMo, và Payoo, là những dịch vụ thanh toán của Việt Nam tương tự như PayPal.
“Vào thời điểm này, ví di động thực sự đã cất cánh – về mặt định chế,” nhưng vẫn chưa phổ biến lắm với người tiêu dùng, theo lời ông Kalidas Ghose, Giám đốc Điều hành của công ty tài chính tiêu dùng FE Credit, phát biểu tại hội thảo thương mại điện tử Seamless tại thành phố Hồ Chí Minh vào tuần trước.
Tại hội thảo, ông Dũng đã ca ngợi những cải tiến của các thương hiệu toàn cầu như việc sử dụng mã QR của Alibaba, lựa chọn thanh toán kích chuột một lần của Amazon, và các giao dịch “vô hình” của Uber, nghĩa là người dùng không phải động ngón tay, ứng dụng tự tính phí ngay sau mỗi cuốc xe. Điểm chung của cả ba cải tiến này là chúng biến việc thanh toán của khách hàng trở nên gần như chẳng mất công sức.
Dù vậy, Uber là một phản ví dụ cho thấy một doanh nghiệp nước ngoài thích ứng với sự lệ thuộc của người dân địa phương vào tiền mặt ở Việt Nam. Việt Nam là một trong số ít nước mà công ty có trụ sở tại San Francisco này cho phép người đi nhờ xe thanh toán bằng tiền mặt.
Tương tự như vậy, Google cho phép người sử dụng ở một số nơi, kể cả Việt Nam, mua hàng trong Google Play qua tín dụng điện thoại của họ.
Đây là những cách đi đường vòng để giữ chân những khách hàng không có thẻ ghi nợ, và chúng cho thấy sự chuyển tiếp mà các xã hội trải qua trên con tiến tới nền kinh tế không tiền mặt.
Đối với Việt Nam, sự chuyển tiếp diễn ra trên nhiều phương diện.
Sự phát triển tài chính của Việt Nam
Khoảng một thập niên trước, hầu hết các doanh nghiệp trả lương cho nhân viên bằng tiền mặt. Sau đó, các nhà hoạch định chính sách và các ngân hàng vận động để biến quy trình đó thành tiền gửi trực tiếp.
“Chúng tôi gặp phải những thách thức to lớn bởi vì mọi người đều muốn nhận lương bằng tiền mặt và nghĩ rằng xài thẻ thì phiền phức,” phó giám đốc điều hành Ngân hàng Đông Á Nguyễn An cho biết. Nhưng ngân hàng đã hợp tác với các chủ lao động và các nhà lãnh đạo công đoàn để thay đổi suy nghĩ của người dân.
Rồi bán lẻ trực tuyến nở rộ. Thị trường thương mại điện tử của Việt Nam có giá trị 400.000 đôla vào năm 2015 nhưng sẽ tăng lên 7.5 tỉ đôla vào năm 2025, theo một báo cáo từ Google và Temasek, quỹ đầu tư quốc gia ở Singapore.
Các quan chức vui mừng khi thấy ngày càng nhiều người làm quen với Internet, nhưng những giao dịch không hoàn toàn có tính kỹ thuật số như mong đợi: 89 phần trăm người mua sắm trực tuyến ở Việt Nam sử dụng tiền mặt lúc giao hàng, theo lời ông Dũng. Ông muốn thêm nhiều người mua sắm thanh toán bằng thẻ hoặc bằng việc chuyển khoản.
Bước tiếp theo trong sự phát triển tài chính của Việt Nam là kế hoạch số hóa các dịch vụ công cộng, để người Việt Nam có thể thanh toán bằng điện tử phí bệnh viện, phí đường bộ, học phí và các khoản phí khác.
Sau đó, dự đoán người dân địa phương sẽ sử dụng nhiều hơn công nghệ blockchain, một hệ thống sổ sách ảo đứng đằng sau bitcoin. Nicole Nguyen, giám đốc tiếp thị tại Infinity Blockchain Labs, hy vọng Việt Nam sẽ tìm thấy những ứng dụng cho nông nghiệp, internet của mọi thứ, và công nghệ tài chính.
“Chúng tôi nghĩ rằng đây là ba lĩnh vực mà công nghệ blockchain có thể phát triển mạnh trong vài năm tới,” cô nói.
Hiện tại, các ngân hàng lưu động sẽ tiếp tục rong ruổi khắp các thành phố của Việt Nam, tìm kiếm khách hàng.
https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-tien-dan-den-nen-kinh-te-khong-tien-mat/4031178.html