Tin khắp nơi – 24/08/2017
Tillerson: Có thể đối thoại với Bắc Triều Tiên
trong ‘tương lai gần’
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson ngày 22/8 dường như đổi giọng hòa dịu với Bắc Triều Tiên khi hoan nghênh việc Bình Nhưỡng mới đây đã tỏ ra tự chế trong chương trình vũ khí hạt nhân và ông hy vọng con đường đối thoại có thể mở ra “một lúc nào đó trong tương lai gần.”
“Chúng ta không có thêm vụ phóng phi đạn hay những hành vi khiêu khích nào nữa về phần Bắc Triều Tiên kể từ khi nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc được đồng thanh chấp nhận,” ông Tillerson nói với các phóng viên, nhắc đến những chế tài đối với Bắc Triều Tiên được Hội đồng chấp thuận vào ngày 5/8 vừa qua.
“Chúng ta hy vọng đây là khởi đầu của dấu hiệu chúng ta đang tìm kiếm—rằng họ sẵn sàng hạn chế những hành vi khiêu khích, và có lẽ chúng ta đang thấy con đường của chúng ta một lúc nào đó sẽ có đối thoại trong tương lai gần,” ông Tillerson nói thêm.
Ngoại trưởng Tillerson nói ông hài lòng vì Bình Nhưỡng đã chứng tỏ “một mức độ tự chế mà chúng ta không thấy trong quá khứ.”
“Chúng ta cần thấy nhiều hơn về phần Bắc Triều Tiên, nhưng tôi muốn công nhận những bước họ đã thực hiện cho tới nay,” ông nói.
Lời lẽ của ông Tillerson dường như nhằm khuyến khích đối thoại, dù rằng Bộ Ngoại giao Mỹ trong tháng này tuyên bố Bắc Triều Tiên còn một con đường dài để vượt qua trước khi Washington có thể cứu xét việc thương thuyết.
Bắc Triều Tiên đã hai lần thử nghiệm hạt nhân và hơn một chục lần thử nghiệm phi đạn kể từ đầu năm ngoái và Washington nói mục đích của những cuộc thương thuyết trong tương lai phải là phi hạt nhân hóa, điều mà Bình Nhưỡng đã bác bỏ chừng nào Hoa Kỳ vẫn giữ “chính sách thù nghịch” đối với Bắc Triều Tiên.
Trước đây trong tháng này, Tổng thống Donald Trump cảnh báo Bắc Triều Tiên sẽ phải đối mặt với “hỏa thịnh nộ” nếu đe dọa Hoa Kỳ.
Bình Nhưỡng đáp trả bằng cách dọa phóng phi đạn đến dảo Guam, lãnh thổ của Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, nhưng sau đó cho biết đã hoãn lại để chờ xem hành động của Hoa Kỳ.
Tuần trước, ông Trump ca ngợi nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un vì quyết định ‘khôn ngoan’ của ông này, trong khi Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres cho biết ông đã thông báo với Nga, Nhật, Mỹ, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc rằng ông sẵn sàng giúp làm trung gian các cuộc đàm phán.
Cuộc đàm phán 6 bên nhằm thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân đổ vỡ vào năm 2008.
Nam Phi: Lần đầu tiên tổ chức mua bán sừng tê hợp pháp
Buôn bán sừng tê giác bị cấm toàn cầu theo một công ước của Liên Hiệp Quốc nhưng một cuộc bán đấu giá trên mạng hợp pháp đầu tiên vừa được bắt đầu tại Nam Phi.
Ông John Hume, một người chuyên nuôi tê giác ở Nam Phi, nói việc mua bán tê giác công khai là cách thức duy nhất để gây quỹ tối quan trọng cho việc bảo vệ loài động vật này và ngăn chặn việc săn bắn tế giác bất hợp pháp.
Ông Hume hiện nuôi hơn 1.500 con tê giác và có khoảng 6 tấn sừng tê giác được bán đấu giá trong ba ngày 23-25 tháng Tám 2017.
http://www.bbc.com/vietnamese/media-41036591
Tòa Thái Lan ra kết luận vụ xử bà Yingluck ngày 25/08
Nữ cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra vào ngày 25/08 sẽ ra hầu phiên tòa cuối cùng về cáo buộc ‘sao nhãng bổn phận’ trong chương trình trợ giá gạo gây tranh cãi năm 2014.
Nếu bị phán quyết là có tội bà Yingluck có thể lãnh án tù tới 10 năm.
Đa số các nhà đầu tư Nhật Bản nhìn nhận xấu về dự án trợ giá gạo của chính phủ Yingluck nhưng họ cũng nhìn nhận cách tòa án Thái Lan xử vụ việc này với bà như một biểu hiện của tiêu chuẩn nước đôi trong hệ thống tư pháp nước nàyGS Asami từ ĐH Tokyo
Bản thân bà luôn bác bỏ các cáo buộc và nói vụ xử mang động cơ chính trị.
Theo Reuters, phán quyết buộc tội bà Yingluck Shinawatra có thể đẩy căng thẳng leo thang và có thể để lại hậu quả sâu sắc cho vương quốc vốn bị chia rẽ về mặt chính trị.
Giới đầu tư từ Nhật Bản, nước bỏ nhiều tiền vào các dự án xe hơi, cơ sở hạ tầng và thương mại tại Thái Lan cũng quan sát kỹ vụ xử.
Quân đội Thái Lan: Tiền bạc và Đảo chính
Cựu thủ tướng Thái Yingluck ra tòa
Bà Yingluck bác bỏ cáo buộc tại Quốc hội
Vua Bhumibol gây dựng Thái Lan thế nào
Quân đội Thái Lan hiện nắm chính quyền cho biết hơn 3.000 người ủng hộ Yingluck có thể xuất hiện tại tòa vào hôm 25/8 trong phiên xử chính trị lớn nhất kể từ khi chính quyền của bà Yingluck bị lật đổ sau đảo chính năm 2014.
Bà Yingluck đã bị cáo buộc là do sơ suất trong việc xử lý chương trình trợ cấp gạo trị giá hàng tỷ đô la, theo đó chính phủ đã mua gạo từ nông dân với giá cao.
Hoạt động trợ giá này dẫn tới việc tích trữ hạt thóc làm ảnh hưởng giá trên thị trường thế giới và làm Thái Lan mất vị trí nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Chính phủ hiện nay cho biết thiệt hại cho ngân sách lên đến 8 tỷ đôla.
Giới chỉ trích cho biết anh trai bà Yingluck, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra mới là người lên kế hoạch trợ giá gạo để giúp dân nông thôn vốn là nhóm cử tri đã giúp đem lại chiến thắng cho đảng của ông trong các cuộc bầu cử từ năm 2001.
Hôm 23/08, bà Yingluck đang ở nhà riêng tại Bangkok, nơi bà đã quyên góp bố thí cho các nhà sư và đang chuẩn bị cho quyết định của tòa án, luật sư của bà nói.
“Các luật sư và cựu Thủ tướng Yingluck sẵn sàng nghe bản án”, luật sư của bà, Norrawit Larlaeng nói với Reuters.
Trakool Meechai, cựu giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn, Bangkok, nói với Reuters rằng “Cho dù trường hợp này ra sao, nó sẽ ảnh hưởng đến chính trị Thái Lan.
“Nếu tòa bác cáo buộc, điều này sẽ làm tăng sức mạnh của Yingluck và đảng Puea Thai Party của bà và điều này sẽ thể hiện trong cuộc bầu cử sắp tới, ” ông Trakool nói.
Nhưng một phán quyết có tội sẽ đánh dấu kết thúc sự nghiệp chính trị của Yingluck và sẽ gây ra một cú sốc lớn cho Shinawatras và những người ủng hộ trung thành và làm sâu sắc thêm các sự phân rẽ chính trị mà quân đội đã hứa sẽ hàn gắn.
Trả lời BBC Tiếng Thái, Giáo sư Yasuhito Asami từ Đại học Tokyo nói:
“Đa số các nhà đầu tư Nhật Bản nhìn nhận xấu về dự án trợ giá gạo của chính phủ Yingluck nhưng họ cũng nhìn nhận cách tòa án Thái Lan xử vụ việc này với bà như một biểu hiện của tiêu chuẩn nước đôi trong hệ thống tư pháp nước này.
Họ cũng biết rằng nhiều dự án của các chính phủ kế tiếp nhau tại Thái Lan, gồm cả các chính phủ do phái chống Thaksin lập ra, cũng có đầy các vấn đề khuất tất.
Vì thế, giới đầu tư Nhật Bản lo ngại một bản án buộc tội bà Yingluck sẽ chỉ khiến những người ủng hộ bà thêm phẫn nộ và việc hòa giải dân tộc chỉ thêm khó khăn.”
Sự nghiệp chính trị của YingluckShinawatra
Tháng 7/2011: Giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử để trở thành Thủ tướng thứ 28 và nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan
Tháng 8/2011: Đợt lũ lụt tồi tệ nhất ở Thái Lan trong 50 năm xảy ra và chính phủ của bà bị chỉ trích nặng nề vì không giải quyết vấn đề triệt để
Tháng 10/2011: Khởi động chương trình trợ giá gạo, mua đồng ruộng từ nông dân với giá cao hơn nhiều so với giá thị trường. Chính quyền quân sự khi đó đã cáo buộc dự án gây ra thiệt hại cho ngân sách nhà nước một nửa nghìn tỷ baht (15 tỷ đôla)
Tháng 11/2013: Giới thiệu một dự luật về ân xá cho tất cả các vụ án liên quan đến chính trị, khiến các cử tri trung lưu ở thành thị phẫn nộ và dẫn đến các cuộc biểu tình đường phố kéo dài
Tháng 12/2013: Giải tán quốc hội và kêu gọi một cuộc bầu cử nhanh khi bà vẫn giữ chức thủ tướng
Tháng 5/2014: Bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự
Tháng 1/2015: Các nghị sĩ phe đảo chính bỏ phiếu cách chức bà và cấm bà tham gia chính trị trong 5 năm.
Tháng 3/2015: Tòa án tối cao bắt đầu các phiên điều trần về hành vi sao nhãng bổn phận của bà trong khi hàng ngàn người ủng hộ đã đến Bangkok để ủng hộ bà tại tòa án
Tháng 10/2016: Bộ Tài chính đã ra lệnh cho bà bồi thường nhà nước khoản lỗ 35,7 tỷ Baht
Tháng 7/2017: 12 tài khoản ngân hàng của bà đã bị đóng băng
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41033730
Campuchia: Giới chỉ trích phải đóng thuế hoặc rời đi
Kevin PonniahBBC News
Tờ Cambodia Daily – một tờ báo tiếng Anh độc lập, từ lâu đã là một cái gai trong mắt chính phủ – đang đối mặt khả năng bị đóng cửa vì bị bắt nộp 6,3 triệu đôla tiền thuế bị truy thu trong 30 ngày.
Hôm 22/8 , Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói nếu khoản truy thu thuế này không được nộp, “hãy đóng gói đồ đạc và rời đi”, ông cũng gọi các phóng viên báo này là “kẻ trộm”.
Động thái chống lại tờ báo này – được nhiều người cho là có động cơ chính trị trước cuộc bầu cử năm tới , khiến các nhà báo Campuchia lo ngại.
Họ vốn có thời gian dài được tự do tác nghiệp hơn đồng nghiệp ở các nước láng giềng.
Quê nhà Chủ tịch Quốc hội Campuchia ở VN?
Truy lùng người tung tin ‘Hun Sen chết’
Cùng thời điểm, nhân viên Viện Dân chủ Quốc gia (NDI), được lệnh rời khỏi Campuchia theo một luật dành cho các tổ chức phi chính phủ được thông qua năm 2015.
NDI là tổ chức phi lợi nhuận do Hoa Kỳ tài trợ, đóng vai trò quan trọng trong việc điều tra những bất thường trong cuộc bầu cử quốc gia năm 2013,
NDI bị giới chức đảng cầm quyền cáo buộc trong quá khứ từng tham gia hoạt động được Hoa Kỳ hậu thuẫn nhằm thay đổi chế độ ở Campuchia, và không hoàn tất việc đăng ký cũng như nộp thuế. Viện này nói với AP rằng họ đã tuân thủ luật đăng ký và hoạt động minh bạch suốt 25 năm qua.
Ngoài tờ Cambodia Daily, các cơ quan truyền thông độc lập khác – gồm Đài Á Châu Tự do và Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ – cũng bị cáo buộc là không tuân thủ nghĩa vụ thuế.
Các cơ quan này và tờ Phnom Penh Post, tờ báo đến nay chưa bị cáo buộc tương tự, thường xuyên đưa tin về những vấn đề làm chính phủ Campuchia “xấu hổ”, từ việc khai thác gỗ trái phép đến tham nhũng và lạm dụng nhân quyền.
Lee Morgenbesser, chuyên gia về chế độ độc tài tại Đại học Griffith, Úc, nói rằng việc tận dụng cách truy thu thuế làm cái cớ để “buộc những kẻ phản đối phải im tiếng” là “chiêu thức” được sử dụng ở Hungary, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela.
Chính phủ Campuchia bác bỏ những vụ việc này có yếu tố chính trị và chỉ ra rằng các nhà báo vẫn còn nhiều tự do trong quốc gia mà chính phủ cho là dân chủ này.
Ông Ou Virak, một nhà phân tích Campuchia, người đứng đầu Tổ chức Tư vấn Tương lai, nói lời kêu gọi về nhân quyền và tự do dân chủ của Hoa Kỳ ngày càng yếu ớt dần cùng với sự phát triển và ảnh hưởng của Trung Quốc tại Campuchia khiến cho Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) bạo dạn hành động.
Ông nói, “Về cơ bản những gì bạn đang thấy là sự kết thúc của kỷ nguyên phương Tây ở Campuchia”, ông nói thêm, trước đó, nếu các nhà hoạt động “đánh tiếng đủ lớn để thu hút sự chú ý của quốc tế”, chính phủ phụ thuộc vào viện trợ sẽ phải nhượng bộ.
Deborah Krisher-Steele, phó giám đốc của tờ báo, nói cơ quan thuế không tuân theo các quy định và đã lờ đi yêu cầu về các cuộc họp làm việc chung.
Bà nói bà muốn có một cuộc kiểm toán đầy đủ nhưng nhấn mạnh rằng nếu có bất kỳ khoản thuế nào, “nó không thể nào gần” con số 6,3 triệu đô la yêu cầu.
Bà nói hành động này là để “hăm dọa và quấy rối tờ Campuchia Daily… và những người dám nói lên sự thật”.
Bài báo được thành lập năm 1993 bởi cha bà, ông Bernard Krisher, cựu phóng viên Newsweek tại Nhật Bản, người thân thiết với vua Norodom Sihanouk.
Nhân viên tờ báo gồm các phóng viên địa phương và nước ngoài – và một mạng lưới cựu phóng viên hiện đang làm việc cho các cơ quan truyền thông trên toàn thế giới.
Đó là một công việc mệt mỏi và thử thách, bà nói, nhưng nhiều năm sau chiến tranh, tờ báo, cùng với Phnom Penh Post, “đã cho người Campuchia cái nhìn thực tế đầu tiên về thế giới bên ngoài và báo chí tự do là như thế nào”.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41033688
Campuchia đáp trả Hoa Kỳ về chỉ trích hạn chế dân chủ
Campuchia phản bác chỉ trích của Hoa Kỳ về quyết định trục xuất một nhóm ủng hộ dân chủ do Mỹ tài trợ, cáo buộc Washington can thiệp vào chính trị của Xứ Chùa Tháp.
Hãng Reuters loan tin, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ trích quyết định của Campuchia về việc trục xuất Viện Dân chủ Quốc gia (NDI) hôm 23 tháng 8 thứ Tư. Sau đó, từ Phnom Penh, Đại sứ quán Hoa Kỳ ra thông cáo nêu câu hỏi liệu Campuchia có phải là quốc gia có nền dân chủ hay không.
Trong một thư ngỏ đưa ra vào ngày 24 tháng 8, chính phủ Campuchia chất vấn lại liệu Hoa Kỳ “đang có mặt ở Campuchia để giúp đỡ hay cản trở người Khmer” và phê phán Hoa Kỳ về việc góp phần cho sự nổi dậy của Khmer Đỏ trong những năm 1970.
Lá thư ngỏ viết “Người dân Campuchia ý thức rõ được quy trình dân chủ là gì, không cần Mỹ nói cho Campuchia biết”, đồng thời cho rằng nền dân chủ theo kiểu Mỹ là “đẫm máu và tàn nhẫn”.
Căng thẳng gia tăng trở lại ở Campuchia khi mà các tổ chức theo dõi nhân quyền và Liên Hiệp Quốc lên tiếng cảnh báo và phía đối lập cáo buộc thủ tướng Hun Sen tiến hành bách hại trước kỳ bầu cử vào năm tới.
Clinton ‘sởn gai ốc’ vì Trump
Cựu ứng cử viên Tổng thống Mỹ bên Đảng Dân chủ, Hillary Clinton, nói trong cuốn sách sắp phát hành của bà rằng Donald Trump khiến bà sởn gai ốc bằng việc đứng rình rập sau lưng bà trên sân khấu trong một cuộc tranh luận lúc hai người còn đang vận động tranh cử và bà băn khoăn liệu bà có nên bảo ông Trump lùi lại hay không.
Trong một trích đoạn âm thanh của cuốn sách có nhan đề “What Happened” (Chuyện đã xảy ra) được phát sóng hôm thứ Tư trên đài MSNBC, mà Clinton mô tả chiến dịch tranh cử năm 2016 của bà là “đầy niềm vui, gợi cảm giác khiêm nhường, gây tức giận và gây bối rối hết sức” và thừa nhận bà đã phụ lòng hàng triệu người ủng hộ bằng việc để thua ông Trump trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái.
Trong trích đoạn, bà Clinton mô tả cuộc tranh luận vào ngày 9 tháng 10 ở thành phố St. Louis, trong đó ông Trump theo sát bà trên sân khấu, lù lù đứng sau lưng bà trong khi bà trả lời câu hỏi của khán giả được truyền hình trực tiếp. Cuộc tranh luận diễn ra hai ngày sau khi xuất hiện một đoạn băng ghi âm mà trong đó ông Trump khoe khoang về chuyện sàm sỡ phụ nữ.
“Tôi đã nghĩ là chuyện này không ổn,” bà Clinton nói. “Đây là cuộc tranh luận Tổng thống thứ hai và Donald Trump lù lù đứng sau lưng tôi.
“Chúng tôi đứng trên một sân khấu nhỏ và dù tôi có bước đi đâu thì ông ta cũng đi theo rất sát, nhìn tôi chằm chằm, biểu lộ bằng nét mặt. Chuyện này thật hết sức khó chịu. Ông ta cứ đứng đó dò xét làm tôi sởn hết cả gai ốc,” bà Clinton nói.
“Đó là một trong những khoảnh khắc mà bạn muốn nhấn nút tạm dừng và hỏi những người đang chứng kiến: ‘Thế bạn sẽ làm gì đây?’ Bạn giữ bình tĩnh, cứ mỉm cười và tiếp tục như thể ông ta không liên tục xâm chiếm không gian của bạn, hoặc bạn quay lại, nhìn thẳng vào mắt ông ta và nói thật dõng dạc: ‘Lùi lại, đồ phải gió. Tránh ra. Tôi biết ông khoái dọa nạt phụ nữ nhưng đừng hòng dọa nạt tôi.”
Nhưng bà Clinton băn khoăn liệu bà có nên chọn cách thứ hai hay không.
“Cách thứ hai chắc chắn là đầy kịch tính trên truyền hình,” bà nói. “Có lẽ tôi đã quá nằm lòng bài học phải giữ bình tĩnh, cắn lưỡi, thu móng tay vào nắm đấm, cứ mỉm cười trong lúc vẫn quyết tâm thể hiện bộ dạng điềm tĩnh cho cả thế giới thấy.”
Bà Clinton nói việc bà viết cuốn sách này, sẽ được phát hành trong vài tuần nữa, là điều “không dễ dàng.”
“Mỗi một ngày tôi làm ứng cử viên Tổng thống, tôi biết rằng hàng triệu người đang trông cậy vào tôi và tôi không thể chịu đựng được cái ý nghĩ làm họ thất vọng, nhưng tôi đã làm như vậy,” bà nói. “Tôi đã không thể làm tròn nhiệm vụ.”
https://www.voatiengviet.com/a/clinton-son-gai-oc-vi-trump/3998094.html
Trump dọa bỏ NAFTA: Mexico, Canada không nao núng
Đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump đòi bỏ Hiệp ước Tự do Thương mại NAFTA chẳng qua là một chiến thuật thương thuyết, không khiến Mexico quan ngại hay sửng sốt, Ngoại trưởng Mexico tuyên bố ngày 23/8 trong lúc đồng peso đang suy yếu.
Trong bài diễn văn đọc tại Phoenix tối ngày 22/8, ông Trump nhắc lại lời đe dọa hủy bỏ Hiệp ước Tự do Thương mại Bắc Mỹ, nói rằng tương lai của hiệp ước này mờ nhạt. Ông Trump từ lâu gọi hiệp ước 1994 này là một thỏa thuận xấu làm thiệt hại cho công nhân Mỹ và nói rằng hiệp ước này nên được thương thuyết trở lại hoặc chấm dứt.
Những cuộc thảo luận sơ khởi để tái thương thuyết NAFTA giữa Mexico, và Canada kết thúc tuần này tại Washington, nhưng không có dấu hiệu đột phá nào, và những cuộc thảo luận thêm nữa sẽ được tổ chức tại Mexico vào tháng 9 tới.
Tiếp sau phát biểu của ông Trump ngày 22/8, đồng peso của Mexico sụt giảm hơn 1% trong phiên giao dịch sáng ngày 23/8.
Bộ trưởng Ngoại giao Mexico, Videgaray, nói phát biểu của ông Trump đơn giản chỉ là một chiến thuật thương thuyết và Mexico vẫn sẽ tiếp tục thương lượng. Nhận xét này không có gì đáng ngạc nhiên cũng không làm Mexico lo ngại, ông Videgaray nói thêm.
“Ông ấy thương thuyết theo lối đặc thù của ông ấy,” ông Videgaray nói.
Ông nói thêm là bức tường ông Trump đề nghị xây dọc theo biên giới Mỹ-Mexico không nằm trong nghị trình thương thảo song phương giữa hai nước.
Đồng tiền Mexico sụt giảm đến mức kỷ lục sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống vào tháng 11 năm ngoái vì các nhà đầu tư lo ngại ông Trump có thể gây thiệt hại cho xuất khẩu Mexico và gây nên suy thoái tại biên giới phía nam.
Tuy nhiên đồng peso phục hồi trở lại kể từ đó vì những lo ngại của các nhà đầu tư dường như được khống chế.
Bài diễn văn của ông Trump tối ngày 22/8 cho thấy các nhà đầu tư vẫn còn lo lắng về tương lai của NAFTA, và nhấn mạnh đến sự phức tạp của những cuộc thảo luận để tái thương thuyết NAFTA với ảnh hưởng của ông Trump trong tiến trình thương thuyết.
Đồng peso giảm 0,58% vào sáng ngày 23/8 với hối suất 1 đô la bằng 17,7690 peso.
Trong khi đó, Canada cho biết sẽ không nản lòng vì những đe dọa của ông Trump hủy bỏ NAFTA và đã dự trù có những thời điểm bi đát trong những cuộc thảo luận nhằm tái thương thuyết hiệp ước, một giới chức chính phủ tuyên bố hôm 23/8.
“Đây là một lá bài chúng tôi biết Tổng thống Mỹ sẽ đưa ra… lá bài này sẽ không làm lập trường của chúng tôi giao động,” viên chức này nói với điều kiện ẩn danh vì sự nhạy cảm của tình hình.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-doa-bo-nafta-mexico-canada-khong-nao-nung/3998092.html
Trump dọa đóng cửa chính phủ
nếu không có tiền xây tường biên giới
Đe dọa của Tổng thống Donald Trump đòi đóng cửa chính phủ nếu Quốc hội không thông qua ngân quỹ xây dựng tường biên giới với Mexico khiến thị trường chứng khoán ‘chao đảo’ hôm 23/8 và tác động đến các nỗ lực của Quốc hội muốn nâng mức nợ trần và thông qua các dự luật chi tiêu.
Từ đây đến ngày 5/9 khi trở lại làm việc sau kỳ nghỉ hè, Quốc hội phải chấp thuận các biện pháp chi tiêu để chính phủ khỏi phải đóng cửa và thời hạn chót để nâng mức nợ tối đa mà chính phủ liên bang có thể vay mượn cũng đang cận kề.
Trong khi mốc thời hạn cuối tháng chín đầu tháng mười đó đang tới gần thì Tổng thống Trump, trong bài phát biểu tối 22/8, đề cập tới khả năng đóng chính phủ nếu Quốc hội không nhất trí tài trợ cho tường biên giới.
Chỉ số S&P 500 sụt 0.35% trong phiên giao dịch chiều ngày 23/8. Chỉ số Dow Jones giảm 0.33% và chỉ số Nasdaq trượt 0.38%. Đồng Mỹ kim yếu hơn so với đồng euro của Châu Âu và đồng yên của Nhật.
Trong chiến dịch tranh cử năm ngoái, ông Trump đặt trọng tâm vào việc xây dựng tường biên giới để ngăn di dân bất hợp pháp nhưng Quốc hội chưa đồng ý về ngân quỹ dành cho dự án này.
“Người Mỹ bỏ phiếu cho vấn đề kiểm soát di dân. Chúng ta sẽ xây bức tường đó,” ông Trump tuyên bố.
Lãnh tụ phe Dân chủ tại Hạ viện, bà Nancy Pelosi, nói “Chớ nhầm lẫn: Tổng thống nói sẽ cố ý gây tổn thương cho các cộng đồng Mỹ để buộc người thọ thuế Mỹ phải bị tài trợ cho bức tường biên giới đắt đỏ, không hiệu quả và vô đạo đức này.”
Tòa Bạch Ốc ngày 23/8 nhấn mạnh rằng ông Trump tính làm việc với Quốc hội để có được tài trợ xây tường biên giới.
Cuối tháng trước, Hạ viện thông qua dự luật chi tiêu kể cả ngân quỹ cho bức tường.
Ở Thượng viện với số nghị sĩ Cộng hòa nhiều hơn chút đỉnh so với nghị sĩ Dân chủ, cần có những lá phiếu của phe Dân chủ để thông qua đại đa số dự luật và họ đã phản đối việc tài trợ cho bức tường trong bất kỳ dự luật chi tiêu nào cho năm tài khóa 2018.
Lần chính phủ Mỹ đóng cửa gần đây nhất là từ ngày 1 đến ngày 16/10/2013 vì tranh cãi xung quanh ngân quỹ tài trợ cho luật chăm sóc sức khỏe Obamacare.
Trung Quốc ‘nhỏ giọt’ xăng dầu sang Bắc Triều Tiên
Trong tháng 7, Trung Quốc xuất khẩu ‘nhỏ giọt’ xăng dầu sang Bắc Triều Tiên, theo dữ liệu hải quan, một dấu hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy việc bán xăng dầu của công ty dầu quốc doanh CNPC cho nước láng giềng cô lập này đã giảm đáng kể.
Tổng cục Hải quan Bắc Kinh ngày 23/8 cho biết những chuyến tàu chở dầu của Trung Quốc giảm 97% so với cách đây 1 năm, chỉ có 120 tấn, trị giá chưa đến 100.000 đô la. Con số này giảm sút so với 8.262 tấn trong tháng 6.
Dữ liệu giao động hàng tháng không phải là chuyện bất thường nhưng đây là con số thấp hàng thứ tư, theo dữ liệu hải quan Reuters ghi nhận được từ tháng 1/2010.
Dữ liệu hải quan cũng cho thấy thương mại của Trung Quốc với Bắc Triều Tiên giảm sút trong tháng qua. Lệnh cấm mua than đá của nước láng giềng cô lập này làm sụt giảm nhập khẩu của Trung Quốc giữa lúc áp lực của Hoa Kỳ đối với Bắc Kinh ngày càng tăng trong việc kìm chế chương trình phi đạn của Bình Nhưỡng.
Cắt giảm lâu dài sẽ đe dọa nguồn cung xăng dầu cần thiết cho Bắc Triều Tiên và có thể buộc nước này tìm nguồn cung cấp thay thế.
Vào cuối tháng 6, Reuters cho biết Công ty CNPC của Trung Quốc ngưng bán xăng dầu cho Bắc Triều Tiên vì những lo ngại là CNPC sẽ không được trả tiền.
Giá xăng dầu tại Bắc Triều Tiên lên cao sau khi Trung Quốc ngưng xuất khẩu sang Bắc Triều Tiên và biện pháp này vẫn còn áp dụng, những người quen thuộc với vấn đề này cho biết.
Xăng thường chiếm một lượng lớn trong các mặt hàng xăng dầu xuất sang Bắc Triều Tiên, nhưng số liệu của tháng 7 cho thấy xăng sinh học, ethanol, chiếm hàng đầu với 4.137 mét khối, trị giá 1,9 triệu đô la.
Trong khi đó, quặng sắt của Bắc Triều Tiên nhập vào Trung Quốc cũng giảm mạnh trong tháng 7, trước khi Liên hiệp quốc thông qua cuộc bỏ phiếu áp đặt những chế tài mạnh mẽ hơn nữa đối với Bình Nhưỡng.
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhất trí áp đặt những chế tài mới đối với Bình Nhưỡng nhắm vào việc xuất khẩu than đá, sắt chì và hải sản Bắc Triều Tiên. Những chế tài này có hiệu lực vào đầu tháng 9.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-nho-giot-xang-dau-sang-bac-trieu-tien/3998075.html
TQ: Sẽ xảy ra chiến tranh thương mại với Mỹ
Gần đây Tổng thống Donald Trump ra quyết định bắt đầu điều tra liên quan đến những lo ngại về các thức tiếp cận thị trường của Trung Quốc và việc đánh cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ, thông qua việc đánh cắp dữ liệu trên mạng điện toán, hay ra luật định buộc các công ty phải giao nộp bí mật thương mại. Quyết định này của ông Trump đã bị Bắc Kinh cảnh báo rằng có khả năng xảy ra cuộc chiến thương mại.
Trong nhiều năm, hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ và ban hành các chính sách liên quan đến việc tiếp cận thị trường ở Trung Quốc đã trở thành mối quan ngại, không chỉ đối với Hoa Kỳ, mà còn cho các công ty nước ngoài đầu tư ở Trung Quốc.
Ông Robert Atkinson, Chủ tịch của Qũy Sáng tạo và Công nghệ Thông tin có trụ sở ở Washington nói: “Rõ ràng là ở nhiều nơi, chính sách của Trung Quốc đang vi phạm tinh thần, nếu không nói là, qui chế của WTO … và chính phủ Trung Quốc đã không cho thấy bất kỳ dấu hiệu từ bỏ hoặc thay đổi hành vi
của họ.”
Các quan chức chính quyền Trump ước tính hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ có thể gây tổn thất cho Mỹ đến 600 tỷ đôla. Nhưng khi tính luôn cả Châu Âu và các nước khác, thì tổn thất thậm chí còn lớn hơn, ông Atkinson cho biết thêm.
Và mặc dù vẫn còn quá sớm để cho biết cuộc điều tra sẽ diễn ra như thế nào, nhưng công bố của ông Trump đã làm Bắc Kinh nổi giận. Các cơ quan truyền thông Trung Quốc cảnh báo về một cuộc chiến tranh thương mại do cuộc điều tra này khơi mào. Chính quyền Trung Quốc đã cam kết thực hiện tất cả các biện pháp thích hợp để bảo vệ các quyền và lợi ích của họ nếu cần.
Hôm 22/8, một tuyên bố từ Bộ Thương mại Trung Quốc đã gọi động thái khởi động cuộc điều tra theo điều khoản 301 là “vô trách nhiệm”, cho rằng quyết định này gửi đi một tín hiệu sai lệch cho thế giới.
Một tuyên bố của một phát ngôn viên không nêu tên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trên mạng nói: “Việc Hoa Kỳ không tuân thủ các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới – TWO và việc sử dụng luật trong nước để khởi đầu một cuộc điều tra thương mại chống lại Trung Quốc là vô trách nhiệm và những lời chỉ trích của Mỹ đối với Trung Quốc là không khách quan.”
Các nhà phân tích nói rằng cuộc điều tra cũng có thể được sử dụng làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán hoặc Hoa Kỳ có thể tham gia cùng với các nước có cùng tư tưởng khác trong việc cố gắng giải quyết những hạn chế về thị trường của Trung Quốc.
Ông Liao Qun, Kinh tế gia trưởng của CITIC Bank International cho biết, trong khi phải mất một thời gian để xem kết quả của cuộc điều tra và tác động của nó đối với hàng xuất khẩu Trung Quốc vào thị trường Hoa Kỳ, ông nghĩ rằng động thái này có thể sẽ thất bại.
Ông Liao nói: “Điều này (việc sử dụng Mục 301) là điều gây tranh cãi, thậm chí ở Hoa Kỳ, và chính quyền của ông Trump đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Nhiều chính sách của ông đã bị chặn hoặc đảo lộn.”
Bắc Kinh dường như đã áp dụng một số bước để hạn chế tác động tiềm tàng của bất kỳ hành động nào mà Hoa Kỳ có thể thực hiện.
Gần đây, Trung Quốc ra tuyên bố cắt giảm danh sách các khu vực cấm đầu tư. Danh sách đó rút ngắn bớt, nhưng nhiều rào cản vẫn còn.
https://www.voatiengviet.com/a/tq-se-xay-ra-chien-tranh-thuong-mai-voi-my/3997783.html
LHQ cảnh báo Mỹ về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc
Uỷ ban LHQ về Xóa bỏ Phân biệt Chủng tộc lên tiếng báo động Hoa Kỳ về sự gia tăng của các nhóm cực hữu và chủ nghĩa hận thù.
Một ủy ban của LHQ đặc trách chống phân biệt chủng tộc đã đưa ra “cảnh báo sớm” về tình hình ở Hoa Kỳ và kêu gọi chính quyền Trump phải “dứt khoát” loại bỏ “không điều kiện” việc phân biệt đối xử.
Cảnh báo đặc biệt đề cập đến các sự việc xảy ra tuần trước ở thành phố Charlottesville, bang Virginia, nơi nhà hoạt động dân quyền Heather Heyer đã bị thiệt mạng khi một chiếc xe lao vào nhóm người biểu tình phản đổi chủ nghĩa dân tộc da trắng.
Những tuyên bố tương tự thường do Ủy ban LHQ về Xoá bỏ Phân biệt Chủng tộc (CERD) nêu khi có những lo ngại xung đột sắc tộc hoặc tôn giáo. Trong thập kỷ qua, chỉ có một số quốc gia bị cảnh báo sớm là Burundi, Iraq, Bờ Biển Ngà, Kyrgyzstan và Nigeria.
Bà Anastasia Crickley, Chủ tịch Ủy ban CERD nói: “Chúng tôi báo động vì các cuộc biểu tình phân biệt chủng tộc, trong đó có những khẩu hiệu kỳ thị chủng tộc, những bài hát và lời nói của những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng, tân phát xít, và Ku Klux Klan, ca ngợi quyền tối cao của trắng và kích động phân biệt chủng tộc và sự hận thù.”
Bà Crickley cũng kêu gọi chính quyền Hoa Kỳ “giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của sự bùng phát các biểu hiện phân biệt chủng tộc đó.”
Cảnh báo đã được đưa ra vào ngày 18/8 nhưng cho tới ngày 23/8 mới công bố, một ngày sau khi các cuộc biểu tình diễn ra bên ngoài cuộc mít -tinh của tổng thống Trump ở thành phố Phoenix, bang Arizona.
Trong tuyên bố của mình, CERD cũng kêu gọi Hoa Kỳ đảm bảo rằng các quyền tự do biểu đạt, hội họp và lập hội một cách hòa bình; không nên thực hiện các quyền này nhằm mục đích huỷ hoại hoặc phủ nhận các quyền và tự do của người khác, đảm bảo rằng “các quyền đó không được lạm dụng để khuấy động lòng phát ngôn thù hằn chủng tộc và tội phạm phân biệt chủng tộc.”
https://www.voatiengviet.com/a/lhq-canh-bao-my-ve-chu-nghia-phan-biet-chung-toc/3997747.html
Ông Trump gọi truyền thông là “kẻ gian”
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói rằng ông sẵn sàng chấp nhận khủng hoảng ngân sách để thực hiện cam kết xây tường thành dọc theo biên giới Mexico.
Ông Trump nói vào tối thứ ba tại cuộc gặp gỡ cử tri ở Trung tâm Hội nghị Phoenix: “Chúng ta phải xây dựng bức tường đó cho dù có phải đóng cửa chính phủ.” Ông nói thêm rằng khi bầu ông vào Tháng 11 năm ngoái, người Mỹ đã “bỏ phiếu vì muốn kiểm soát nhập cư.”
Ngân sách xây bức tường này cần phải được Quốc hội Hoa Kỳ chấp thuận. Nhưng việc phê duyệt ngân sách năm tài chính 2018 bắt đầu từ ngày 1/10/2017 cho chính phủ Hoa Kỳ đến nay vẫn chưa hoàn tất. Các thành viên Dân chủ trong Quốc hội phản đối ý tưởng xây bức tường. Ông ông Trump vào tối thứ Ba 23/3 gọi họ là “những người cản trở.”
Tổng thống cũng sử dụng bài phát biểu với cử tri để chống lại truyền thông, đánh đồng các phóng viên với kẻ phản bội, gọi họ là “những kẻ gian,” không có cảm tình với đất nước của chúng ta.”
Trump cũng cáo buộc truyền thông đã không đưa tin về các bình luận của ông.
Ông hỏi: “Họ có đưa tin khi tôi nói rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc là xấu xa? “
“Không!” Đám đông lớn tiếng trả lời.
“Tôi là người muốn nói sự thật,” ông Trump tuyên bố. “Tôi là một người trung thực.”
Hai thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa của bang Arizona, John McCain và Jeff Flake không đến sự kiện này. Tổng thống Trump chỉ trích cả hai ông này dù không nêu tên của họ.
https://www.voatiengviet.com/a/ong-trump-goi-truyen-thong-la-ke-gian/3997711.html
Thụy sĩ truy tố một phụ nữ theo Nhà nước Hồi giáo
Văn phòng Tổng Chưởng lý Thụy Sĩ hôm thứ Năm 24/8 cho biết đã truy tố một phụ nữ 30 tuổi vì đã tìm cách sang Syria để gia nhập nhóm Nhà nước Hồi giáo – IS.
Một thông báo nói rằng tổng chưởng lý có bằng chứng cho thấy người phụ nữ này, một công dân Thụy Sĩ, hai năm trước đây cùng với con trai bốn tuổi đi từ Ai Cập tới Hy Lạp để tìm đường tới Thổ Nhĩ Kỳ rồi sang Syria.
Người phụ nữ bị giới chức Hy Lạp chặn lại, và sau đó bị bắt ở Zurich khi bà ta quay trở lại Thụy Sĩ vào tháng 1/2016.
Tên của người phụ nữ này không được tiết lộ.
Văn phòng Tổng Chưởng lý nói trong tuyên bố rằng cơ quan này có một chính sách nghiêm ngặt truy tố những gì được gọi là “du khách thánh chiến Jihad.”
https://www.voatiengviet.com/a/3999101.html
Lãnh tụ Kim Jong Un không màng tới ngoại giao
Các nhà phân tích nói rằng lãnh tụ Kim Jong Un không ngừng tham vọng đưa Bắc Triều Tiên lên thành cường quốc hạt nhân.
Triển vọng thông qua ngoại giao để giải quyết mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên vẫn rất mong manh vì lãnh tụ Kim Jong Un dường như không màng tới thỏa hiệp với các đối thủ ở Washington hoặc thậm chí với đồng minh ở Bắc Kinh.
Nhà phân tích chính trị Choi Kang thuộc Viện Asan Institute cho biết: “Ông ấy là người tin tưởng vào chính sách cứng rắn, bởi vì việc hoàn thành chương trình hạt nhân, tên lửa là một trong những yếu tố mạnh nhất để hợp pháp hóa quyền lực, kiểm soát chế độ của ông.”
Vào cuối năm 2011, ông Kim Jong Un lên nắm quyền, sau khi cha ông là Kim Jong Il qua đời. Khi ấy xuất hiện những nghi vấn liệu lãnh tụ Bắc Triều Tiên, người được tiếp nhận nền giáo dục phương tây, có thể tự do hóa chế độ chuyên quyền kéo dài ở Bắc Hàn và liệu ông có thể củng cố quyền lực được hay không.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng ông Kim Jong Un đã nâng cao hình ảnh của mình lên như là một lãnh tụ mạnh mẽ bằng cách nối bước cha ông là Kim Jong Il và ông nội của ông là Kim Il Sung, nhà sáng lập chế độ Bắc Triều Tiên và là người chủ xướng chính sách “byongjin,” được giải thích là chính sách quân sự và kinh tế tĩnh hành tiến triển để tăng cường chương trình hạt nhân nhằm chống lại Mỹ, đồng thời cải thiện nền kinh tế.
Giáo sư nghiên cứu Suh Bo-hyuk thuộc Viện nghiên cứu Hoà bình và Thống nhất của Đại học Quốc gia Seoul nói: “Tôi nghĩ rằng chế độ của ông Kim vẫn ổn định, và ông ấy tuyên bố sẽ theo đuổi một chính sách song hành về kinh tế và hạt nhân, và đồng thời thúc đẩy phát triển tên lửa đạn đạo. Mặc dù kinh tế vẫn chưa cải thiện đủ, tôi nghĩ ông Kim được người dân Bắc Hàn ủng hộ.”
Chính quyền của ông Trump đang tìm cách tăng áp lực lên Trung Quốc đòi Bắc Kinh kiểm soát Bắc Triều Tiên, nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết ảnh hưởng của họ có giới hạn.
Vị lãnh đạo thế hệ thứ ba của Bắc Triều Tiên không có quan hệ thân thiết với Trung Quốc và đã nhiều lần phớt lờ các yêu cầu liên tiếp của Bắc Kinh gửi đến Bình Nhưỡng đòi Bắc Hàn ngưng nghiệm tên lửa đạn đạo và hạt nhân và quay trở lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân quốc tế.
Mặc dù về mặc ngoại giao và 90% hoạt động kinh tế, Bắc Triều Tiên phải dựa vào Trung Quốc, nhưng ông Kim Jong Un vẫn không gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trái ngược với cha ông, người đã nhiều lần thăm Bắc Kinh.
Ông Kim Jong Un, vào năm 2013, đã ra lệnh hành quyết người chú của mình, ông Jang Song Thaek, vì đã bị nhiều người cho rằng ông Jang ủng hộ cải cách và có quan điểm thân Trung Quốc. Năm nay chính phủ của ông bị cáo buộc là đã tổ chức ám sát người anh trai cùng cha khác mẹ của ông là ông Kim Jong Nam ở Malaysia. Có tin nói rằng ông Kim Jong Nam được Trung Quốc bảo hộ.
Giáo sư Andrei Lankov, một nhà phân tích về Bắc Triều Tiên thuộc Đại học Kookmin ở Seoul cho biết: “Ông ấy không xem Trung Quốc là một đồng minh. Đối với ông ấy, Trung Quốc là một mối đe dọa, là quốc gia duy nhất có thể can thiệp có hiệu quả vào các vấn đề nội bộ của Bắc Triều Tiên và thậm chí có thể bí mật sắp đặt người thay thế cho ông Kim Jong Un.”
Lãnh tụ Bắc Triều Tiên dường như cũng toan tính rằng Bắc Kinh đánh giá cao sự ổn định của vấn đề phi hạt nhân hoá và sẽ không áp đặt các điều kiện quá khắc nghiệt vì sợ gây ra một dòng người tị nạn ở biên giới hoặc sự sụp đổ của chế độ Kim Jong Un sẽ dẫn tới việc Mỹ và Hàn Quốc sẽ chiếm toàn bộ bán đảo Triều Tiên.
Diễn đàn Facebook
https://www.voatiengviet.com/a/lanh-tu-kim-jong-un-khong-man-toi-ngoai-giao/3999069.html
Cuộc chiến âm thầm chống Bắc Triều Tiên
Một số nhà hoạt động Hàn Quốc thả truyền đơn bằng plastic kêu gọi dân chủ, tranh hí họa chế nhạo nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên, một vài đồng đô la, hoặc gửi các USB chứa nội dung phim ảnh kịch nghệ của Hàn Quốc hay những bộ phim tài liệu ngắn phơi bày sự giàu có của các công ty Hàn Quốc sang miền Bắc để dân Bắc Triều Tiên có thể thấy được đời sống tốt đẹp tại miền Nam.
Những người này tự nhận là chiến sĩ trong cuộc chiến thầm lặng với Bắc Triều Tiên. Họ là tập họp của những nhà hoạt động đa dạng chiến đấu chống lại quốc gia cô lập nhất trên thế giới. Phương tiện chủ yếu của họ đa phần là những khinh khí cầu tự chế.
Có người cho rằng đây là những chiến dịch viễn vông, vô nghĩa. Có người miệt thị họ là lập dị gây chú ý bằng cách bỏ thời gian phỉ báng những người khác.
Tuy nhiên, những nhà hoạt động này, từ bên kia biên giới, nhìn thấy một quốc gia mà họ tin là đang thay đổi.
“Cách hay nhất lật đổ một chế độ là thay đổi nhận thức của con người,” theo lời ông Park Sang Hak, một người đào tị từ Bắc Triều Tiên hiện điều hành tổ chức Chiến binh cho một Bắc Triều Tiên Tự do. Tổ chức này có một văn phòng nhỏ tại Seoul. Mỗi năm họ gởi hàng ngàn truyền đơn plastic qua biên giới. Sợ bị Bình Nhưỡng trả thù, đi đâu ông cũng có một cận vệ cảnh sát.
“Mọi người ở đó bắt đầu tự vấn về cuộc sống của mình,” ông nói, với sự lan truyền thông tin từ bên ngoài để mở mắt cho họ rằng đời sống ở Trung Quốc và Hàn Quốc dễ thở hơn.
Những cái họ gửi sang miền Bắc chẳng hạn như tranh hí họa hay kịch nghệ xem ra chẳng có gì đáng ngại. Tuy nhiên, nhiều học giả và những người tị nạn Bắc Triều Tiên nói thông tin từ bên ngoài giúp thay đổi nhiều, từ những tiếng lóng hội thoại cho đến gu thời trang và nhu cầu ngày càng tăng về hàng tiêu dùng trong một nền kinh tế thị trường đang mở.
Dù các nhà hoạt động thường bất đồng về nội dung các phẩm vật gửi sang miền Bắc, nhưng tất cả họ đều xem mình là những chiến binh tạo nên những thay đổi.
“Bắc Triều Tiên tiếp tục kiểm soát bằng cách ngăn chặn thông tin bên ngoài,” ông Lee Min Bok, một người Bắc Triều Tiên đào thoát sau khi nhặt được những truyền đơn cách đây 30 năm. Trong gần 15 năm qua, ông đã gởi các truyền đơn sang miền Bắc. Ông nói “Để hủy diệt Bắc Triều Tiên một cách hòa bình, cần đổ vào nước này làn sóng thông tin.”
Bình Nhưỡng dù lên án hành động này nhưng chính họ cũng gửi hàng ngàn truyền đơn ngược lại sang miền Nam mỗi năm.
https://www.voatiengviet.com/a/cuoc-chien-am-tham-chong-bac-trieu-tien/3998063.html
Châu Âu không kiểm soát được nguồn tài chính của khủng bố
Hai vụ tấn công bằng xe ở Barcelona và Cambrils, Tây Ban Nha, cho thấy những kẻ khủng bố hành động bằng những phương tiện phổ thông hơn, ít tốn kém hơn bằng nguồn tài chính cá nhân. Một số chuyên gia khẳng định cuộc chiến chống nguồn tài trợ cho khủng bố bị thất bại.
Dù các biện pháp quốc tế nhằm siết chặt nguồn tài chính của khủng bố, được thông qua sau vụ tấn công tòa tháp đôi tại New York ngày 11/09/2001, đã có tác động và vẫn còn cần thiết, song vẫn không thể đủ để ngăn chặn hoạt động của Al Qaida, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo hoặc các thành phần thánh chiến nghe theo tuyên truyền đáng gờm của những tổ chức khủng bố này.
Nhà nghiên cứu Peter Neumann, giám đốc Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu về Cực đoan hóa (ICSR) thuộc trường King’s College London, khẳng định : “Hơn 15 năm sau khi bắt đầu “chiến tranh chống khủng bố” do Hoa Kỳ khởi xướng, cuộc chiến chống các nguồn tài chính của khủng bố đã thất bại”.
Trong một bài viết mang tên “Đừng chạy theo tiền”, ông nhận xét : “Phần lớn các vụ tấn công chỉ cần rất ít tiền. Những kẻ khủng bố sử dụng nhiều nguồn tiền khác nhau và chuyển tiền mà không cần phải qua hệ thống tài chính ngân hàng. Cuộc chiến chống nguồn vốn của khủng bố được tiến hành từ năm 2001 thường xuyên tốn kém và không mang lợi”.
Vậy đâu là những nguồn tiền của khủng bố thánh chiến ?
“Tự cung tự cấp” để khủng bố
Một ví dụ cụ thể được AFP nhắc đến là kết quả nghiên cứu được công bố vào tháng 01/2015 của nhà nghiên cứu Emilie Oftedal, làm việc cho Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Na Uy (Norwegian Defense Research Establishment, FFI). Theo kết quả nghiên cứu thu được từ 40 ổ thánh chiến, từng tổ chức hoặc âm mưu tổ chức tấn công khủng bố tại châu Âu từ năm 1994 đến 2013, có đến 3/4 trường hợp sử dụng không quá 10.000 đô la để chuẩn bị các vụ tấn công.
Bà Emilie Oftedal nhấn mạnh trong bản báo cáo : “Những kẻ khủng bố quyên góp, chuyển tiền và chi tiền theo cách rất bình thường. Nguồn tài chính phổ biến nhất chính là tiền lương và tiền tiết kiệm của các thành viên, tiếp theo là tiền từ các vụ phạm pháp nhỏ”.
Chỉ 1/4 còn lại là đã nhận tiền từ một tổ chức khủng bố quốc tế. Tuy nhiên, không một mạng lưới nào phụ thuộc hoàn toàn vào trợ giúp từ bên ngoài. 70% các ổ thánh chiến được bà Emilie Oftedal nghiên cứu tự túc về tài chính một cách hợp pháp và thường xuyên thông qua lương bổng của các thành viên, nhưng cũng có nguồn gốc từ buôn bán ma tuý, vũ khí hay các tài sản khác và ăn cắp.
Vay tiền để tổ chức khủng bố
Một nguồn tài chính khác, ngày càng phổ biến, là vay tiêu dùng ở các định chế tài chính chuyên biệt. Đây chính là cách tổ chức các vụ tấn công ở Pháp năm 2015. Những kẻ thánh chiến cung cấp giấy tờ giả để vay tiền và họ không có ý định hoàn trả vì hai lý do : hoặc sẽ tấn công tự sát, hoặc sẽ đến các vùng do quân thánh chiến kiểm soát nên không về nước.
Bằng cách này Amedy Coulibaly, thủ phạm vụ tấn công Hypercacher tại Paris vào tháng 01/2015, đã vay 6.000 euro ở quỹ tín dụng Cofidis để mua vũ khí, thậm chí còn đưa “vài nghìn euro” cho một trong hai anh em nhà Kouachi, thủ phạm vụ tấn công tòa soạn báo trào phúng Charlie Hebdo, “để họ làm xong việc phải làm”.
Điều đáng quan ngại là Amedy Coulibaly đã dùng giấy tờ giả để vay tiền. Vì vậy, theo ông Jean-Charles Brisard, chủ tịch Trung tâm Phân tích Khủng bố, chuyên gia về nguồn tài chính của các mạng lưới thánh chiến, các tổ chức tín dụng này “phải hết sức cẩn trọng, đặc biệt là về vấn đề giấy tờ giả. Họ sử dụng cách này để vay tiền tiêu dùng, ví dụ như sử dụng bảng lương giả”.
Ông khẳng định : “Tại châu Âu, các chiến dịch khủng bố từ nay trở đi gần như là hoàn toàn tự túc về tài chính. Từ vay tín dụng tiêu dùng, đến buôn hàng giả, buôn lậu quy mô nhỏ hoặc đơn giản là tiền tiết kiệm của chính họ. Chỉ cần họ rút hết tiền trong tài khoản là đã đủ”.
Hiện tại và trong tương lai, nguồn tài chính chỉ khoảng vài nghìn euro vẫn nằm ngoài vòng kiểm soát của các cơ quan chuyên trách về chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố, như Tracfin của Pháp.
Các thành phố lớn châu Âu đối mặt với khủng bố bằng “xe điên”
Thuê một chiếc xe tải nhỏ để tông vào đám đông ngày càng phổ biến ở châu Âu, mà chỉ mất có vài trăm euro, kể cả tiền đặt cọc. Cách tấn công này không hề mới, từng xảy ra ở Nice (Pháp), Berlin (Đức), Luân Đôn (Anh), Stockholm (Thụy Điển).
Một ngày sau vụ khủng bố bằng xe tải ở Barcelona và Cambrils, Tây Ban Nha, cảnh sát Đức đã cho đặt hàng rào bê tông trước nhà thờ lớn Köln, một địa điểm du lịch nổi tiếng thế giới. Tương tự, rất nhiều thành phố ở Đức và châu Âu đã siết chặt lực lượng an để giảm thiểu nguy cơ xảy ra một vụ tấn công tương tự.
Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều thành phố do dự trong việc áp dụng các biện pháp mạnh (bê tông, bao cát…), vì không thể ngăn chặn tuyệt đối rủi ro, trong khi thủ phạm các vụ tấn công thánh chiến lại chứng tỏ khả năng thích nghi với cách đối phó của chính quyền. Ngoài ra, các biện pháp mạnh này cũng đè nặng lên cuộc sống hàng ngày của người dân và nền kinh tế địa phương, đồng thời lại rất tốn kém.
Tại Berlin, ngoài hàng rào được dựng lên gần nhà thờ Memory Church từ sau vụ khủng bố bằng xe điên Noel 2016, rất ít biện pháp an ninh được thấy rõ mồn một vì, theo thượng nghị sĩ vùng Berlin, phụ trách nội vụ, khi trả lời nhật báo Bild : “Chúng tôi không muốn đặt thành phố đằng sau những bức tường. Điều này đi ngược với những gì chúng tôi muốn, đó là gửi đi một hình ảnh yên bình và thanh thản”.
Bà Els Ampe, trợ lý thị trưởng Bruxelles nơi xảy ra ba vụ tấn công tự sát ngày 22/03/2016, có cùng ý kiến : “Chúng tôi không muốn trở thành Hébron (thành phố ở Cisjordanie nơi người định cư Do Thái phải sống đằng sau hàng rào bê tông và thép). Chúng ta không thể chặn mỗi con phố. Phải sống bình thường, phải giao hàng cho các cửa hiệu. Chúng ta phải dung hoà được an ninh và cuộc sống yên bình trong thành phố”.
Thị trưởng Nice (Pháp), ông Christian Estrosi, lại có ý kiến ngược lại. Lắp đặt hàng rào mới, thay đổi bản đồ giao thông, Nice đã đầu tư ồ ạt vào an ninh từ vụ tấn công 14/07/2016. Ngay sau vụ tấn công tại Barcelona và Cambrils, thị trưởng Nice đã mời các đồng nhiệm của những thành phố lớn ở châu Âu đến thảo luận về vấn đề này vào ngày 28 và 29/09/2017 với ủy viên châu Âu về An ninh, ông Julian King.
Tuy nhiên, theo nhận định của bà Elizabeth Johnston, giám đốc Diễn đàn châu Âu về An ninh Đô thị, “đa số các thành phố không thể đầu tư ồ ạt vào việc thiết kế lại giao thông hay không gian công cộng. Vì vậy, họ làm với những gì mình có”. Ngoài ra, hiệu quả của những biện pháp này không phải là tuyệt đối : “Mỗi người đều hiểu rằng nếu tăng cường an ninh cho một mục tiêu (một góc phố, một đại lộ), thì cuộc tấn công có thể nhắm vào một mục tiêu khác. Vấn đề ngân sách là rất lớn”. Hiện không có bất kỳ số liệu nào liên quan đến khoản tiền đầu tư của các thành phố châu Âu về việc đảm bảo an ninh khu vực công cộng.
Theo Cơ sở Dữ liệu Khủng bố Thế giới của trường đại học Maryland, số vụ tấn công khủng bố năm 2016 trên toàn thế giới mà tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đứng ra nhận trách nhiệm đã tăng 20% so với năm 2015 : Hơn 1.400 vụ tấn công làm 7.000 người chết. Thêm vào đó là khoảng 950 vụ tấn công do các tổ chức cực đoan tuyên thệ trung thành với Daech thực hiện, khiến gần 3.000 người thiệt mạng.
Theo một quan chức của bộ Ngoại Giao Mỹ, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đã giật dây, chi phối được những nhóm cực đoan này, cũng như những cá nhân được khuyến khích trở thành những “con sói đơn độc” như các vụ tấn công ở Nice (Pháp), Manchester (Anh) hay San Bernardino và Orlando (Mỹ).
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170824-chau-au-khong-kiem-soat-duoc-nguon-tai-chinh-cua-khung-bo
Giới xuất bản quốc tế
chịu tự kiểm duyệt để vào được Trung Quốc
Vấn đề Trung Quốc kiểm duyệt ấn phẩm đã nổi cộm trong dòng thời sự quốc tế với vụ nhà xuất bản khoa học nổi tiếng thế giới là Cambridge University Press, dưới áp lực của Bắc Kinh, đã kiểm duyệt các công trình học thuật giới thiệu cho công chúng Trung Quốc, nhưng sau đó đã phải lùi bước khi bị cộng đồng các nhà nghiên cứu thế giới cực lực phản đối. Tuy nhiên, đối với giới xuất bản đến từ khoảng 90 nước có mặt tại Chợ Sách Quốc Tế Bắc Kinh mở ra từ ngày 23/08/2017, viêc họ tự kiểm duyệt để có thể vào được thị trường Trung Quốc là điều không phải là hiếm hoi.
Trả lời hãng tin Pháp AFP, Terry Phillips, giám đốc phát triển kinh doanh của nhà xuất bản Anh Innova Press, không ngần ngại thừa nhận rằng cơ sở của ông đã thường xuyên « tự kiểm duyệt » để « thích ứng với các thị trường khác nhau », vì mỗi nước đều có những yêu cầu khác nhau về những gì thích hợp hay không thích hợp cho nước họ.
Tuy nhiên, nhân vật này cũng đồng ý rằng giới xuất bản « cũng có trách nhiệm giáo dục tinh thần công dân và nhân quyền thông qua các ấn phẩm ».
Ông John Lowe, giám đốc điều hành của nhà xuất bản giáo dục Mosaic8, trụ sở tại Tokyo, giải thích thêm là khó khăn chính của các nhà xuất bản quốc tế là làm sao có được phép xuất bản ở Trung Quốc, do đó các nhà xuất bản ngắm nghía thị trường Trung Quốc đã tránh công bố các nội dung có thể làm phật lòng chính quyền Bắc Kinh.
Vụ nhà xuất bản Cambridge University Press toan tính tự kiểm duyệt là một ví dụ cụ thể cho thấy những gì mà Bắc Kinh muốn kiểm duyệt : từ các vấn đề Thiên An Môn, Tây Tạng, cho đến các phong trào ủng hộ dân chủ tại Trung Quốc hay hồ sơ Đài Loan.
Vấn đề đặt ra là dù chấp nhận tự kiểm duyệt, nhưng giới xuất bản nước ngoài không thể đoán trước được là chế độ Bắc Kinh sẽ đòi kiểm duyệt những gì khác nữa.
Một đại diện cho nhà xuất bản Wiley chuyên về các nội dung giáo dục, có trụ sở tại Hoa Kỳ, thú nhận : « Hiện tại, chúng tôi không bị vấn đề gì. Nhưng tương lai ra sao thì chúng tôi không biết ».
Một đại diện cho một nhà xuất bản lớn của Mỹ, xin giấu tên, thừa nhận là bà rất lo ngại trước khả năng « các cơ quan Trung Quốc gia tăng các đòi hỏi kiểm duyệt ».
Đối với một số nhà xuất bản, nhân tố kinh tế quan trọng hơn cả. Đại diện của một nhà xuất bản hàng đầu tại Hoa Kỳ, cũng xin giấu tên, đã cho rằng « tội gì mà phải xuất bản những quyển sách có khả năng bị cấm ở Trung Quốc ».
Đối với ông, « quả là phiền phức khi bỏ công dịch một cuốn sách từ tiếng Anh ra tiếng Hoa để rồi sau đó lại không thể xuất bản ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170824-gioi-xuat-ban-quoc-te-chiu-tu-kiem-duyet-de-vao-duoc-trung-quoc
Chống ma túy: Thượng Viện Philippines
điều tra cái chết của một thiếu niên
Tuần lễ vừa qua được coi là đẫm máu nhất trong cuộc chiến chống ma túy của tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, với ít nhất 80 người bị sát hại, trong đó có một học sinh 17 tuổi là Kian Delos Santos, bị các cảnh sát mặc thường phục bắn chết. Thượng Viện Philippines đã quyết định mở điều tra về vụ này, và ba nhân chứng được Giáo hội Công giáo bảo vệ bắt đầu khai báo từ sáng 24/08/2017.
Từ Manila, thông tín viên RFI Marianne Dardard cho biết thêm chi tiết :
Liệu vụ Kian Delos Santos sẽ giúp mở lại điều tra về các vụ giết người ngoài pháp luật ? Ít nhất đây là điều mà thượng nghị sĩ đối lập Risa Hontiveros hy vọng. Bà nói : « Tôi chờ đợi chủ tịch ủy ban điều tra rốt cuộc sẽ tìm ra bằng chứng cho thấy đây là một vụ giết người tùy tiện. Tôi tin rằng vẫn có thể điều tra tới nơi tới chốn để mang lại công lý ».
Nữ nghị sĩ Hontiveros phát biểu bên cạnh Giáo hội Công giáo, để tố cáo chiến dịch chống ma túy của chính phủ ngày càng đẫm máu. Giáo hội Philippines do đức giám mục giáo phận Caloocan Pablo Virgilio David, phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Philippines, đại diện.
Ngài tuyên bố : « Nếu đây là những người bị giết chết trong các chiến dịch của cảnh sát, làm thế nào mà lại có các dấu hiệu cho thấy họ bị giam cầm ? Liệu việc cảnh sát giả dạng để bắt cóc và sát hại người dân có hợp pháp ? »
Đối với giám mục David, không thể nói rằng cảnh sát không phải là đồng phạm, nếu không phải là thủ phạm trong các vụ giết người tùy tiện.
Dù vậy cho đến nay, không hề có cuộc điều tra nào giúp xác định các mối liên hệ chính thức hoặc trực tiếp giữa tổng thống Rodrigo Duterte và những kẻ giết mướn phụ trách việc sát hại tất cả những ai bị nghi ngờ buôn bán ma túy. Đây là lần đầu tiên các thượng nghị sĩ thuộc đa số cầm quyền cũng lên tiếng tố cáo các « vụ giết người vô căn cứ ».
Cựu chưởng lý Venezuela
tố cáo tổng thống Maduro tham nhũng
Hôm qua, 23/08/2017, tại Brasilia, cựu chưởng lý Venezuela, bà Luisa Ortega khẳng định nắm giữ « rất nhiều bằng chứng » tham nhũng của tổng thống Nicolas Maduro, và tỏ ra lo ngại cho sinh mạng của mình.
Từ Colombia sang, nhân hội nghị các chưởng lý khối Mercosur (thị trường chung châu Mỹ), bà Ortega đã lên diễn đàn đả kích chính quyền Venezuela. Bà khẳng định : « Luật pháp đã chết tại Venezuela, sự ổn định khu vực đang lâm nguy. Venezuela đang gặp khủng hoảng nghiêm trọng, người dân thiếu thốn thực phẩm và thuốc men thiết yếu ».
Cựu chưởng lý Venezuela cho biết bà đang nắm trong tay « rất nhiều bằng chứng, cụ thể là vụ Odebrecht mà nhiều quan chức Venezuela có liên can, trước hết là tổng thống Nicolas Maduro ». Bà Ortega nói : « Chúng tôi phát hiện rằng tập đoàn xây dựng Odebrecht đã chuyển 100 triệu đô la cho Diosdado Cabello (cựu chủ tịch Quốc Hội, nhân vật số 2 trong chính phủ) thông qua một công ty Tây Ban Nha của những người họ hàng ông này. Nhà nước Venezuela đã dùng tiền công quỹ trả 300 tỉ đô la cho các công trường hiện đang bị tê liệt ».
Bà cho biết sẽ chuyển các thông tin hiện có cho chính quyền nhiều nước như Hoa Kỳ, Colombia, Tây Ban Nha, Brazil để tiến hành điều tra riêng. Bên cạnh đó, bà Luisa Ortega cho biết : « Tôi nhận được nhiều đe dọa đến tính mạng, và chính quyền Caracas phải chịu trách nhiệm nếu có chuyện gì xảy ra với tôi ».
Cựu chưởng lý bị ông Maduro cách chức đã bỏ trốn khỏi Venezuela thứ Sáu 18/08. Đến thứ Ba 22/8, tổng thống Maduro loan báo ra lệnh truy nã quốc tế Interpol đối với và Ortega và chồng là dân biểu German Ferrer.
Tại Caracas, người kế nhiệm bà Ortega là Tarek William Saab tuyên bố các tố cáo của bà « không có giá trị gì », còn ông Diossado Cabello cho rằng đó là những lời « dối trá ».
Về phía Hoa Kỳ, ngày 23/08, phó tổng thống Mike Pence tiếp tục bày tỏ sự quan ngại của Mỹ về cuộc khủng hoảng, và tái khẳng định sẽ không để Venezuela sụp đổ.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170824-cuu-chuong-ly-venezuela-to-cao-maduro-tham-nhung
Lao động biệt phái châu Âu :
Macron được Áo, Slovakia và CH Séc ủng hộ
Ngày 23/08/2017 tại Salzburg, điểm đến đầu tiên trong vòng công du Trung Âu, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã dễ dàng nhận được sự ủng hộ của Áo trong cuộc chiến nhằm cải cách hệ thống lao động biệt phái của Liên Hiệp Châu Âu. Đặc biệt, ông còn đạt được thỏa thuận nguyên tắc với Cộng hòa Séc và Slovakia trên vấn đề này.
Từ Salzburg, đặc phái viên RFI Dominique Baillard tường trình :
« Thỏa thuận chính trị này khá hấp dẫn. Ngược với các dự đoán, Slovakia và Cộng hòa Séc đã quyết định hợp tác trong việc chống nạn gian lận đang hoành hành trong lãnh vực lao động biệt phái, và ủng hộ các nguyên tắc chủ yếu khác của tổng thống Macron, nhằm tăng cường củng cố theo hướng này.
Thủ tướng Slovakia, ông Robert Fitso còn hứa hẹn sẽ làm mọi cách để thuyết phục Ba Lan và Hungary, hai nước chống đối cải cách này của nhóm Visegrad. Thủ tướng Fitso tuyên bố : « Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để toàn bộ các nước trong nhóm Visegrad ủng hộ quan điểm của chúng tôi ».
Còn tổng thống Bohuslav Sobotka của Cộng hòa Séc cũng rất tích cực, nhưng nhắc nhở rằng đối với ông còn có những ưu tiên khẩn cấp hơn. Ông nói : « Thực ra vấn đề lao động biệt phái chỉ liên quan đến một phần rất nhỏ thị trường lao động. Điều quan trọng là tiếp tục làm cho lương bổng và mức sống tại châu Âu ngày càng ít cách biệt hơn ».
Giờ đây chỉ còn việc cụ thể hóa lời hứa ở Salzbourg, qua việc thảo ra một văn bản có thể được đa số các thành viên Liên Hiệp Châu Âu thông qua vào tháng 10 tới ».
http://vi.rfi.fr/phap/20170824-lao-dong-biet-phai-chau-au-macron-duoc-ao-slovakia-va-ch-sec-ung-ho
Khủng bố Barcelona: Lần ngược hành trình các thủ phạm
Một tuần lễ sau hai vụ khủng bố ở Catalunya, giới điều tra tiếp tục làm rõ hành trình trước đó của các thủ phạm, không chỉ ở Tây Ban Nha mà cả ở nước ngoài, từ Pháp đến Bỉ, Hà Lan, qua đến tận Maroc, quê quán của hầu hết các nghi phạm khủng bố. Chính nhờ thông tin từ cảnh sát Tây Ban Nha mà chính quyền Hà Lan đã có những biện pháp ngăn chặn khủng bố trong hai ngày 23-24/08/2017.
Nhân vật trung tâm của tổ khủng bố tại Barcelona, giáo sĩ Hồi Giáo imam Abdelbaki Es Satty, bị chết khi ngôi nhà chứa bình ga của tổ khủng bố tại Alcanar bị nổ hôm 16/08, đã từng cư ngụ ở vùng ngoại ô thủ đô Bruxelles của nước Bỉ trong thời gian từ tháng Giêng đến tháng Ba năm 2016.
Theo phát biểu ngày 23/08 của thị trưởng thị xã Diegem, gần Bruxelles, đền thờ Hồi Giáo ở Diegem vào năm 2016 đã từ chối không nhận giáo sĩ Es Satty vì nhân vật này luôn có những bài giảng sắt máu.
Manh mối tại Pháp
Tại Pháp, giới điều tra đã xác định được là chiếc xe Audi A3, dùng trong vụ đâm xe vào đám đông ở Cambrils, đã có mặt trên lãnh thổ Pháp trong hai ngày 11 và 12/08, tức là gần một tuần lễ trước vụ khủng bố tối 17/08.
Chiếc xe mang biển số Tây Ban Nha, đã bị phát hiện tại tỉnh Essonne, vùng ngoại ô Paris, trên xe có hai nghi phạm can dự vào các vụ khủng bố ở Tây Ban Nha, trong đó có Younès Abouyaaqoub, tài xế lái chiếc xe đâm vào đám đông ở Barcelona, đã bị cảnh sát Tây Ban Nha bắn hạ hôm 21/08.
Về người thứ hai trong xe, chính chủ nhân chiếc xe Mohamed Aallaa, người Maroc định cư tại Tây Ban Nha đã khai rằng đó là do người em của ông ta tên là Saïd sử dụng. Saïd Aallaa nằm trong số những nghi can khủng bố bị cảnh sát Tây Ban Nha hạ sát hôm 17/08.
Cho dù cả hai người này đều đã chết, giới điều tra vẫn tiếp tục tìm hiểu xem cụ thể họ đã làm gì khi ở Pháp.
Câu hỏi đầu tiên là có phải đúng là Said Aallaa đã đi cùng với Younès Abouyaaqoub đến Paris hay không, hay là đó là người anh em thứ ba trong gia đình Aallaa tên là Youssef, bị chết trong vụ nổ nhà chứa bình ga của ổ khủng bố ở Alcanar.
Giới điều tra đã phác họa được lộ trình chiếc Audi A3. Sau khi ở Essonne, hai người trên xe đã ghé mua hàng trong một siêu thị rồi qua đêm tại một khách sạn ở ngoại ô phía nam Paris. Ngay hôm sau, chiếc xe đã được thấy tại miền trung nước Pháp, đi về phía Tây Ban Nha.
Các câu hỏi mà giới điều tra cần đáp án là hai người đó đã phải cấp tốc đến Pháp trong một thời gian ngắn ngủi để làm gì ? Họ đã tiếp xúc với những ai ở Pháp ?
Còn tại Maroc, báo chí Tây Ban Nha cho biết là đã có rất nhiều người bị câu lưu trong khuôn khổ cuộc điều tra về các vụ khủng bố ở Barcelona. Tuy nhiên, chính quyền Maroc đã từ chối trả lời câu hỏi của AFP.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170824-khung-bo-barcelona-cuoc-dieu-tra-lan-nguoc-hanh-trinh-cac-thu-pham
Quân đội Mỹ sẽ đặt radar ở Palau, Thái Bình Dương
AFP ngày 24/08/2017 đưa tin Hoa Kỳ sẽ lắp đặt hệ thống radar tại quần đảo Palau thuộc liên bang Micronesia, nhằm tăng cường khả năng giám sát ở Tây Thái Bình Dương, trong bối cảnh căng thẳng với Bắc Triều Tiên.
Thông cáo chung của bộ Quốc Phòng Mỹ và chính quyền Palau cho biết sắp chọn xong địa điểm đặt radar. Cũng theo thông cáo: « Hệ thống radar sẽ tăng cường khả năng bảo vệ quyền hàng hải của Palau, đồng thời giúp Hoa Kỳ có thể giám sát rộng rãi hơn nhằm bảo đảm an ninh hàng không ».
Hệ thống radar mới này giúp Palau kiểm soát được vùng bảo tồn biển rộng đến 500.000 km vuông, tương đương diện tích Tây Ban Nha, được thành lập năm 2015.
Quần đảo Palau độc lập từ năm 1994, nhưng vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với Hoa Kỳ, và có các định chế tương tự như Mỹ. Hoa Kỳ bảo đảm quốc phòng cho đảo quốc 22.000 dân này qua một hiệp ước cho phép quân đội Mỹ đóng quân tại đây, nhưng cho đến nay Washington chưa hề đưa đến một người lính nào.
Palau nằm cách đảo Guam của Mỹ tại Thái Bình Dương khoảng 1.300 km. Bình Nhưỡng mới đây đã đe dọa bắn một loạt hỏa tiễn về phía đảo Guam, còn tổng thống Mỹ Donald Trump cũng dọa sẽ trút « hỏa lực và phẫn nộ » vào Bắc Triều Tiên. Tuy vậy, đôi bên khẳng định Washington đã đưa ra đề nghị đặt radar tại Palau từ hôm 18/07, tức trước cuộc khủng hoảng với Bình Nhưỡng.
Nhật Bản tập trận gần núi Phú Sĩ
Cũng liên quan đến mối đe dọa Bắc Triều Tiên, quân đội Nhật ngày 24/08/2017 khởi đầu cuộc tập trận thường niên kéo dài ba ngày gần núi Phú Sĩ, nằm cách Tokyo 80 km. Khoảng 2.400 quân nhân cùng với trực thăng, xe tăng và nhiều loại vũ khí được triển khai tại đây.
Tổng tham mưu trưởng Koji Yamazaki tuyên bố: « Hiện có nhiều nhân tố đáng quan ngại, như mưu toan thay đổi hiện trạng Biển Đông và Biển Hoa Đông của Trung Quốc, hay việc Bắc Triều Tiên triển khai hỏa tiễn đạn đạo và vũ khí nguyên tử ».
Trong một diễn biến khác, quân đội Nhật và Mỹ hiện đang tập trận chung tại đảo Hokkaido, miền bắc nước Nhật.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170824-quan-doi-my-se-dat-radar-o-palau-tai-thai-binh-duong
Trung Quốc:
Các công ty châu Âu lo ngại về sự can thiệp của Đảng
Theo hãng tin Reuters ngày 24/08/2017, các công ty lớn của châu Âu tại Trung Quốc đang lo ngại về vai trò ngày càng lớn của đảng Cộng sản trong các hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài tại nước này. Vào cuối tháng Bẩy, lãnh đạo của khoảng một chục công ty này đã nêu lên mối quan ngại đó nhân một cuộc họp do Phòng Thương mại Liên Hiệp Châu Âu tổ chức ở Bắc Kinh.
Các doanh nghiệp ở Trung Quốc, kể cả doanh nghiệp nước ngoài, trên nguyên tắc phải lập một chi bộ đảng trong xí nghiệp. Trong một thời gian dài, nhiều chủ doanh nghiệp vẫn nghĩ rằng quy định có từ lâu này chỉ mang tính hình thức.
Thế nhưng, một lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu nói với hãng tin Reuters rằng một số công ty đã bị áp lực buộc phải sửa đổi nội dung thỏa thuận liên doanh với các đối tác Trung Quốc có vốn là của Nhà nước. Mục đích là để cho đảng có tiếng nói trong các dự án phát triển của công ty.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp nói trên, các công ty ngoại quốc được yêu cầu bổ nhiệm các đại diện của đảng vào các cơ cấu lãnh đạo công ty, thậm chí để cho bí thư chi bộ kiêm luôn chức chủ tịch hội đồng quản trị, đồng thời tính vào ngân sách của công ty những chi phí hoạt động của chi bộ đảng.
Trong số 13 lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài được Reuters hỏi, có 8 người bày tỏ mối quan ngại về vai trò ngày càng lớn của các chi bộ đảng, nhưng tất cả đều xin giấu tên và yêu cầu không nêu tên công ty của họ, do đây là vấn đề nhạy cảm.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố gởi cho hãng tin Reuters, SCIO, phòng Thông tin của Quốc vụ viện, cơ quan hành pháp cao nhất của Trung Quốc, khẳng định là không hề có chuyện các chi bộ đảng can thiệp vào hoạt động của các công ty liên doanh hoặc công ty có vốn nước ngoài.
Cũng theo Reuters, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài khác khẳng định vai trò các chi bộ trong công ty của họ là không đáng kể, không ảnh hưởng đến hoạt động công ty.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170824-trung-quoc-cac-cong-ty-chau-au-lo-ngai-ve-su-can-thiep-cua-dang