Tin Việt Nam – 24/07/2017
Nhân quyền quốc tế lên tiếng
về trường hợp bà Trần Thị Nga
Việt Nam cần lập tức phóng thích cho bà Trần Thị Nga và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với nữ hoạt động vì nhân quyền này.
Tổ chức theo dõi nhân quyền-Human Rights Watch vừa phổ biến thông cáo báo chí với lời kêu gọi vừa nêu vào ngày 24 tháng Bảy, một ngày trước khi nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga, còn được gọi là Thúy Nga, bị đưa ra tòa xét xử tại Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Nam.
Bà Trần thị Nga bị cơ quan chức năng tiến hành bắt giữ vào ngày 21 tháng Giêng năm 2017 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 của Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Trong thông cáo báo chí của Human Rights Watch, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á Châu tuyên bố rằng Chính phủ Việt Nam thường áp dụng biện pháp cực đoan hòng dập tắt tiếng nói phản biện, nhắm vào các nhà hoạt động như bà Trần Thị Nga với các cáo buộc ngụy tạo cùng mức án tù nhiều năm, sách nhiễu và ngược đãi gia đình họ.
Ông Phil Robertson còn kêu gọi các nhà tài trợ nước ngoài cần gây sức yêu cầu Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho bà Trần Thị Nga và tuyên bố rõ ràng rằng các mối quan hệ được mật thiết hơn sẽ phụ thuộc vào việc Chính phủ Hà Nội chấp nhận tiếng nói phản biện, thay vì tống họ vào tù.
Cũng trong ngày 24 tháng 7, trước khi phiên tòa xét xử nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga diễn ra tại Hà Nam, Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho bà Nga.
Trong thông cáo phát đi ngày 24 tháng Bảy, RSF cho biết rất lo ngại về biện pháp nhà cầm quyền bắt giữ bà Trần Thị Nga. RSF nhấn mạnh rằng Hà Nội phải trả tự do cho bà Trần Thị Nga vì bà Nga vô tội và sức khỏe của bà Nga đáng lo ngại do ăn uống không đầy đủ cũng như không được chăm sóc đúng mức.
Human Rights Watch và Amnesty International cùng lên án việc nhà cầm quyền Việt Nam bắt giữ bà Trần Thị Nga trong quá trình đàn áp các nhà hoạt động và blogger đang tiếp diễn. Những người này bị cáo buộc với các điều khoản như “xâm hại an ninh quốc gia” được diễn giải mơ hồ.
Theo nhận định hiện Việt Nam có hơn 100 nhà hoạt động đang bị tù vì đã thực thi các quyền cơ bản của họ như tự do về ngôn luận, nhóm họp, lập hội và tôn giáo.
Human Rights Watch còn kêu gọi Việt Nam cần phóng thích các tù nhân lương tâm vô điều kiện và sửa đổi tất cả các điều luật có nội dung hình sự hóa hành vi bày tỏ chính kiến ôn hòa.
Nhà tranh đấu Trần Thị Nga sẵn sàng cho phiên xử
Thanh Trúc, phóng viên RFA
Thứ Ba 25 tháng Bảy, Việt Nam mở phiên xét xử nhà tranh đấu dân chủ, nhân quyền và lao động Trần Thị Nga, bị bắt ngày 21 tháng Giêng năm 2017 vì tội tuyên truyền chống nhà nước, vi phạm Điều 88 Bộ Luật Hình Sự.
Bị bắt những ngày giáp Tết
Chị Trần Thị Nga, còn được biết đến qua tên Thúy Nga, là khuôn mặt quen thuộc trong giới đấu tranh dân chủ nhân quyền cho Việt Nam. Ngày 21 tháng Giêng 2017, nhằm ngày 24 Tết Đinh Dậu, chị Trần Thị Nga bị bắt từ nhà riêng ở Phủ Lý, Nam Hà, bỏ lại 2 con thơ trong những ngày cận Tết truyền thống.
Thứ Ba ngày 25 tháng Bảy này, chị Trần Thị Nga sẽ bị đưa ra tòa xét xử tội tuyên truyền chống phá nhà nước, vi phạm điều 88 Bộ Luật Hình Sự.
Được biết vài tiếng đồng hồ trước khi bị bắt, chị Trần Thị Nga từng kêu cứu trên mạng xã hội là chị bị cô lập, bị cấm không cho ra khỏi nhà để mua sắm Tết. Mặc dù có 2 con nhỏ, nhưng chị đã phải liên tục thay đổi chỗ ở vì cứ bị công an sách nhiễu, bị côn đồ ném những thứ dơ bẩn vào nhà, thậm chí có lúc công an còn khóa trái cửa bên ngoài khiến chị không thể ra khỏi nhà, chưa kể những lúc chị còn bị đe dọa, bị chửi bới và bị đánh, 3 mẹ con chị cũng từng bị kẻ lạ mặt hắt cả mắm tôm vào người. Khi đó, kể lại với đài Á Châu Tự Do, chị Trần Thúy Nga nói:
Tháng Mười hai 2015 họ cũng đã đổ mắm tôm vào mẹ con tôi, lúc đó là có công an phường Hai Bà Trưng thành phố Phủ Lý tỉnh Hà Nam.
Tối ngày 21 tháng Hai năm 2016 tôi cho con tôi là bé Phú 5 tuổi và bé Tài 3 tuổi ra siêu thị cho các cháu vui chơi. Đến hơn 9 giờ tối, khi vừa ra khỏi siêu thị khoảng 100 mét thì lực lượng công an tỉnh Hà Nam đi theo mẹ con tôi từ lúc rời nhà đấy, vì từ nhiều ngày nay mẹ con liên tục bị công an khống chế tại gia cũng như rình rập theo dõi, họ đi theo và họ đã đổ mắm tôm lên người mẹ con tôi. Đến ngày hôm sau là ngày 22 thì công an của tỉnh Hà Nam tiếp tục bao vây và khống chế quyền tự do đi lại của mẹ con tôi ngày tại nhà. Cho tới thời điểm này thì họ vẫn ngồi quanh quẩn nơi khu vực nhà tôi.
Ông Phan Văn Phong, bố của 2 đứa con chị Nga, bảo ông không biết nói gì hơn là:
Họ nhắm đúng ngày trước Tết mà bắt cô ấy đi, bắt trước Tết như vậy là một cái đòn quá thâm hiểm, quá dã man, tàn ác và bẩn thỉu mà có lẽ chỉ cộng sản mới nghĩ ra.
Tôi thấy chính quyền cộng sản luôn làm điều bất minh, tôi thấy họ vô nhân tính, cực kỳ dã man.
– Bạn thân của chị Nga
Một người bạn thân của chị Nga lên tiếng:
Bạn tôi chỉ nói lên tiếng nói của lương tâm, nói lên trách nhiệm của một con người, một công dân trong xã hội, nó chỉ muốn một xã hội tốt đẹp hơn. Tôi thấy chính quyền cộng sản luôn làm điều bất minh, tôi thấy họ vô nhân tính, cực kỳ dã man.
Chị Trần Thị Nga bị đối xử như vậy chỉ vì thường góp mặt và lên tiếng tại những cuộc biểu tình của nông dân đòi đất, những lần tập hợp phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam, những cuộc tuần hành chống ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra.
Trong bài viết tựa đề “ Cho Một Người Phụ Nữ, Tháng Chạp”, blogger Tuấn Khanh nói về chị Trần Thúy Nga sau khi hay tin chị bị bắt đi, rằng “Có những người phụ nữ Việt Nam đã nguyện thắp lên những ngọn đuốc soi sáng trong xã hội, cho tôi và cho các bạn. Ánh sáng đó, đôi khi họ phải trả giá bằng đời người, bằng tù đày và cô đơn. Hôm nay, nếu các bạn và tôi phản bội lại ánh sáng đó, chúng ta không xứng đáng làm người, cũng không xứng đáng để tồn tại trong giống nòi Việt Nam.”
Tất cả việc làm của chị Trần Thị Nga bắt nguồn từ chuyến xuất khẩu lao động sang Đài Loan trước đây. Chứng kiến hoàn cảnh khó khăn thấp cổ bé miệng của công nhân Việt bên xứ Đài, khi trở về chị tiếp tục tranh đấu bằng cách công khai tố cáo những hành vi sai trái vô trách nhiệm của các công ty môi giới chuyên đưa lao động sang Đài Loan như kiểu mang con bỏ chợ.
Theo cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên, bản thân chị Trần Thị Nga từng bị tai nạn trong thời gian đi xuất khẩu lao động bên Đài Loan:
Khi chị bị như vậy, thì một số người dân bản xứ ở đó, cũng như người Việt lao động tại Đài Loan, đã liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Đài Loan (văn phòng đại diện chứ không phải cơ quan ngoại giao) tuy nhiên họ im lặng và không giúp đỡ chị Nga. Sau đó chị được Cha Hùng và một số người Việt tại Đài Loan giúp đỡ. Sau đó chị Nga có tâm sự với tôi rằng từ đó chị biết nhiều hơn về hiện tình đất nước. Chị quan niệm rằng khi chị gặp nạn thì được người ta giúp thì chị phải giúp đỡ những người khác. Đó là lý do chị Nga trở thành một người hoạt động xã hội về sau này.
Trong mắt tôi chị Nga là một người phụ nữ có tính cách thẳng thắn, bộc trực và rất là can trường. Có thể chị Nga không phải là một người có những kiến giải hay là đưa ra những quan điểm chính trị mang tầm vóc vĩ mô. Nhưng quả thật là trong cuộc đấu tranh để đổi thay đất nước này, những người như chị Nga rất là đáng quí. Đặc biệt cái hình ảnh khi chị Nga bị bắt, chị đối đáp lại với những kẻ bắt chị, tôi cho rằng đó là một hình ảnh vô cùng đẹp, của một người tranh đấu, mà cụ thể ở đây là của Trần Thị Nga.
Về hoàn cảnh bị bị sách nhiễu, bị hành hung bởi những kẻ gọi là côn đồ mà chị Trần Thị Nga phải gánh chịu, nhà hoạt động Dũng Mai ở Hà Nội cho biết:
Đặc biệt là ngày 20 tháng Năm 2014 thì bốn năm thanh niên xúm vào dùng 2 cây sắt đánh cô ấy rất dã man, đánh cô ấy vỡ cả xương bánh chè ra mà hôm ấy là tôi có mặt. Tôi không hiểu cái nhà nước này, cái chính quyền này sao lại có thể cư xử với một người phụ nữ đến như vậy.
Những điều luật mơ hồ
Không chỉ cộng đồng mạng, các bloggers hay các nhóm xã hội dân sự trong nước mà các tổ chức nhân quyền bên ngoài cũng kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do ngay tức khắc cho người tù lương tâm Trần Thị Nga.
Ngày 27 tháng Giêng 2017, một tuần sau khi chị Nga bị bắt, Human Rights Watch Giám Sát Nhân Quyền, trụ sở tại New York, Hoa Kỳ, yêu cầu Việt Nam trả tự do cũng như xóa bỏ mọi cáo buộc rằng những thông tin trên mạng và những hoạt động ngoài đời của chị Trần Thị Nga có động cơ chính trị.
Ông Brad Adams, giám đốc phân ban Á Châu trong Human Rights Watch, cho rằng thật là sai trái và khôi hài khi Việt Nam luôn coi chuyện truy cập Internet và đăng tải những quan điểm có ý phê phán nhà nước là tội hình sự cần bị trừng phạt.
Đối với phiên tòa sắp tới thì tinh thần chị Nga cũng thoải mái và sẵn sàng.
-Luật sư Hà Huy Sơn
Đến ngày 8 tháng Ba 2017, Ngày Quốc Tế Phụ Nữ, tù nhân lương tâm Trần Thị Nga được đưa vào danh sách 6 người nữ hoạt động nhân quyền được Amnesty International – Ân Xá Quốc Tế vinh danh. Trong thông cáo báo chí trước đó một ngày, bà Champa Patel, giám đốc khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Ân Xá Quốc Tế chỉ trích tội danh chống phá nhà nước, vi phạm Điều 88 Bộ Luật Hình Sự mà nhà cầm quyền Việt Nam thường viện ra để kết tội chị Trần Thị Nga và một số những nhà đấu tranh khác là một điều luật mơ hồ và vô lý.
Vẫn theo lời bà Champa Patel thì Đông Nam Á chỉ một vài chính phủ có thể tự hào về thành tích nhân quyền nhưng lại có vô số phụ nữ trong khu vực dám đứng lên chống lại những bất công xã hội.
Mới đây nhất, hôm 21 tháng Bảy 2017, Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Con Người trụ sở tại Paris, Pháp, ra thông cáo báo chí về trường hợp tù tội của chị Trần Thị Nga, kêu gọi Hà Nội trả tự do tức khắc cho nhà hoạt động vì quyền lao động và đất đai can cường này, đồng thời chấm dứt mọi hành động có tính cách đàn áp, bắt giữ và bịt miệng những người bất đồng chính kiến trong nước.
Giờ thì mọi người đang chờ đợi xem chị Trần Thị Nga có bị kêu án những 10 năm tù giam như trường hợp blogger kiêm nhà bảo vệ môi trường Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hay không.
Đài Á Châu Tự Do đã liên lạc với luật sư Hà Huy Sơn là người bào chữa pháp lý cho chị Trần Thị Nga:
Tôi mới gặp bà Nga hôm 20 tháng Bảy, về sức khỏe thì trước chị bị rách niêm mạc họng nhưng giờ đỡ rồi. Chị hiện còn bị ù tai và đau họng. Đối với phiên tòa sắp tới thì tinh thần chị Nga cũng thoải mái và sẵn sàng.
Phiên xử được Tòa Án Nhân Dân tỉnh Hà Nam loan báo sẽ kéo dài 2 ngày 25 và 26, tuy nhiên theo luật sư Hà Huy Sơn thì có thể chỉ diễn ra trong ngày 25 mà thôi.
Blogger Mẹ Nấm kháng cáo
Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đệ đơn kháng cáo toàn bộ nội dung bản án lên Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Khánh Hòa.
Thông báo kháng cáo vừa nêu do Thẩm phán Trần Hữu Viên ký vào ngày 20 tháng Bảy và đã được gửi đến cho bốn luật sư đại diện của bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Luật sư Võ An Đôn, một người tham gia bào chữa trong phiên sơ thẩm cho blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cho biết việc nhận được thông báo và tiến trình phúc thẩm như sau:
“Tôi vừa nhận được thông báo của Tòa án tỉnh Khánh Hòa về việc Như Quỳnh kháng cáo yêu cầu xử lại toàn bộ vụ án.
Sau khi tòa tuyên án 10 năm tù, tôi có nhắn với Quỳnh phải kháng cáo vì bản án khá nặng; Quỳnh đồng ý và sau đó một vài ngày có kháng cáo liền nhưng không biết sao đến nay Tòa mới thông báo.
Khi nhận được đơn kháng cáo thì Tòa án tỉnh Khánh Hòa, xử sơ thẩm, sẽ báo cho Tòa án Nhân dân Tối cao rồi chuyển toàn bộ hồ sơ cho Tòa án Nhân dân Tối cao. Sau khi nhận được thì trong vòng hai tháng sẽ mở phiên tòa phúc thẩm.”
Trong thông cáo báo chí kêu gọi Hà Nội trả tự do cho nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga, Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch nhắc đến trường hợp Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, cho rằng bản án tù nhiều năm của Blogger Mẹ Nấm làm dấy lên quan ngại sâu sắc các nhà hoạt động khác tại Việt Nam phải đối mặt với các cáo buộc “xâm hại an ninh quốc gia” sẽ bị trừng phạt nặng nề chỉ vì thực thi các quyền của họ.
Tàu cá Việt Nam bị Hải quân Indonesia bắn
Một tàu cá Việt Nam bị Hải quân Indonesia bắn khiến hai người bị thương nặng đang được chữa trị tại Côn Đảo, giới chức ở tỉnh Bình Định xác nhận với BBC.
Hôm 24/7, một cán bộ trực ban của Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai – Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Bình Định nói với BBC: “Tàu cá BĐ 31153 TS có sáu thuyền viên, do bà Phù Thị Tuyết Nga làm chủ, ông Nguyễn Thanh Ngọc làm thuyền trưởng, bị Hải quân Indonesia bắn làm bốn ngư dân bị thương vào 21:00 ngày 22/7.”
“Đến 0:15 ngày 24/7, tàu bị nạn được tàu Kiểm ngư 0234 dẫn về cập cảng Bến Đồn, huyện Côn Đảo.”
“Hiện hai người bị thương nặng là Nguyễn Văn Dũng và Nguyễn Văn Cường, một bị thương ở hông trái và bàn chân phải, một bị thương ở ngực và đùi trái, đang được chữa trị tại Trung tâm y tế huyện Côn Đảo.”
Bộ Ngoại giao VN nói về vụ 700 ngư dân
Tàu ngư dân VN bị ‘tàu lạ’ đưa đi
Tàu đánh cá TQ vào sâu biển VN được thả
“Hai người bị thương còn lại không phải nằm viện.”
Hầu hết thuyền viên trên tàu là người Bình Định.
Trước đó, truyền thông Việt Nam cho hay, sự việc xảy ra trong thời điểm tàu cá BĐ 31153 TS đang khai thác hải sản tại vùng biển cách Côn Đảo khoảng 132 hải lý về hướng đông nam, thuộc vùng biển Việt Nam.
Các cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân vụ việc, theo báo Thanh Niên hôm 24/7.
‘Bảo hộ công dân’
Tháng trước, trong thư trả lời BBC về vụ Indonesia trao trả 695 ngư dân Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói chính phủ “có các biện pháp bảo hộ công dân phù hợp” và “không ủng hộ ngư dân xâm phạm vùng biển của quốc gia khác”.
Trưa 11/6, hai tàu của Vùng Cảnh sát biển 3 đã đưa các ngư dân này về đến cảng PTSC, thành phố Vũng Tàu, báo Việt Nam cho hay.
Trước đó, truyền thông Indonesia tường thuật đây là vụ trao trả ngư dân lớn nhất được được tiến hành dựa trên một thỏa thuận giữa Indonesia và Việt Nam.
Hồi tháng 4/2017, Bộ trưởng Hàng hải và Nghề cá của Indonesia, Susi Pudjiastuti được Reuters trích lời nói bà hy vọng việc đánh chìm các tàu sẽ khiến ngư dân nước ngoài chùn tay trong việc vào đánh bắt cá bất hợp pháp.
Bộ này cho biết các tàu cá được đánh chìm tại 12 điểm khác nhau vào hôm thứ Bảy.
Chính sách của Jakarta trong việc ngăn chặn đánh bắt cá bất hợp pháp đã có những lúc gây căng thẳng trong quan hệ giữa Indonesia với các nước láng giềng.
Hồi năm ngoái, một tàu tuần duyên của Trung Quốc đã can thiệp khi phía Indonesia tìm cách chặn một tàu cá vào đánh bắt bất hợp pháp gần vùng biển có tranh chấp.
Việc tàu nước ngoài vào đánh bắt cá bất hợp pháp cũng xảy ra tại vùng biển thuộc chủ quyền nước khác, như của Việt Nam.
Hồi đầu tháng Ba, lực lượng biên phòng hải quân Quảng Bình đã phóng thích hai tàu cá cùng chín ngư dân Trung Quốc ra hải phận quốc tế, sau khi bị truy đuổi và vây bắt do vào đánh bắt sâu trong vùng biển Việt Nam.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40701921
Thủ tướng VN kiểm tra xả thải nhà máy Formosa
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 24 tháng 7 đến kiểm tra công tác xả thải và bảo vệ môi trường của nhà máy thép Formosa tại Vũng Áng, Hà Tĩnh.
Sau khi kiểm tra, ông lên tiếng bày tỏ tin tưởng chính phủ Hà Nội sẽ không phải đóng cửa Formosa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Formosa phải tiếp tục coi vấn đề môi trường là vấn đề sống còn.
Ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc Formosa nhận lỗi trước người dân Việt Nam, khắc phục hồ sinh học, hoàn thành 52/53 hạng mục môi trường, chuyển từ công nghệ dập cốc ướt sang dập cốc khô là điều đáng đề cao.
Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ thị cho Bộ Y Tế công bố chỉ tiêu chất lượng hải sản tầng đáy tại thôn Hải Thanh, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh huyện Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là nơi được cho chất lượng biển tầng đáy chưa được bảo đảm.
Dự thảo Nghị định
về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tôn giáo gây lo ngại
Thanh Trúc, RFA
Nhà nước Việt Nam công bố Dự thảo Nghị Định về việc xử phạt hành chính trong lãnh vực tín ngưỡng và tôn giáo để lấy ý kiến dân. Nếu được thông qua thì Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành từ đầu tháng Sáu 2018. Theo dự thảo nghị định, mức phạt cao nhất cho những vi phạm trong lĩnh vực tôn giáo là 60 triệu đồng. Hiện dự thảo vẫn đang chờ lấy ý kiến người dân.
Theo bản Dự thảo Nghị định phổ biến rộng rãi trên báo chí trong nước hôm thứ Năm 20 tháng Bảy, những qui định xử phạt hành chính về tín ngưỡng và tôn giáo mà nhà nước đang nhắm tới bao gồm nhiều hình thức khác nhau, từ mức độ xử phạt cho đến biện pháp khắc phục hậu quả đối với những hành vi bị cho là vi phạm hành chính liên quan đến tôn giáo.
Những cá nhân có hoạt động tôn giáo mà vi phạm hành chính phải chịu mức phạt tối đa 30 triệu đồng, trong lúc tổ chức có hành động vi phạm tương tự thì bị phạt 60 triệu đồng.
Bên cạnh đó, những hành vi gọi là lợi dụng tự do tín ngưỡng và tôn giáo để xâm phạm quyền lợi nhà nước, sử dụng tôn giáo nhằm lôi kéo, khích động, gây chia rẻ, bịa đặt xuyên tạc với âm mưu chống lại Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đều bị xử phạt hành chính. Ngoài ra, hình phạt bổ sung của qui định này là buộc đối tương bị xử lý phải cải chính thông tin sai sự thật và phải khắc phục hậu quả.
Với người trong nước thì xử phạt vi phạm hành chính về tôn giáo là như vậy, còn với người nước ngoài thì biện pháp trục xuất khỏi Việt Nam sẽ được thực hiện.
Xử phạt để răn đe hay bảo vệ tôn giáo?
Ông Bùi Hữu Dược, Vụ Phật Giáo thuộc Ban Tôn Giáo Chính Phủ, giải thích:
Qui định về việc xử phạt và mức xử phạt cao nhất đối với người vi phạm hành chính có liên quan tới tôn giáo là 60 triệu chứ không phải tất cả mọi hành vi vi phạm đều phạt 60 triệu. Cũng có rất nhiều hành vi vi phạm nhưng không phải phạt tiền mà chỉ phê bình, góp ý hoặc cảnh cáo. Không phải nhất nhất mọi vi phạm đều phạt tiền vì tiền đối với sinh hoạt tôn giáo để mà phạt họ thì chỉ là một khía cạnh để giáo dục để răn đe thôi.
Được hỏi liệu qui định xử phạt hành chính đối với hành vi gọi là lợi dụng tín ngưỡng hay tôn giáo để tuyên truyền chống phá Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, có dẫn tới suy nghĩ là nhà nước đang tìm cách kiểm soát đạo giáo trong nước chặc chẽ hơn, ông Bùi Hữu Dược trả lời:
Rất cám ơn đã hỏi câu hỏi đó, tôi cũng chia sẻ với bà con là qui định phần xử phạt hành chính về vi phạm quyền tự do tôn giáo có nghĩa là bảo vệ cho cái hoạt động tôn giáo được đúng pháp luật và được đúng niềm tin tôn giáo của họ. Phạt là phạt những người vi phạm chứ không phạt những người sinh hoạt tôn giáo. Ai vi phạm pháp luật làm cản trở tự do tôn giáo, ai vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng tới niềm tin tôn đều bị pháp luật cấm. Tự do tôn giáo là quyền của con người được pháp luật Việt Nam bảo hộ và tôi biết nhiều nước trên thế giới cũng bảo họ quyền này. Nhưng mà trên thế giới cũng như ở Việt Nam có rất nhiều người vi phạm, lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để làm việc chống phá nhà nước, lợi dụng lôi kéo những người có niềm tin mà họ chưa hiểu hết và họ đi trái với qui định của Giáo lý, Giáo luật tôn giáo. Nếu có gì chưa rõ thì sẽ có cuộc trao đổi sau, còn hôm nay tôi xin phép vì tôi có việc.
Ngăn cản tự do tông giáo
Dự thảo Nghị định mới đưa ra cũng qui định mức phạt từ 20 đến 30 triệu hoặc nhiều hơn đối với tổ chức tôn giáo ở trong nước mà gia nhập tổ chức tôn giáo ở bên ngoài khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước Việt Nam.
Mục sư Lê Quang Du, quản nhiệm một hội thánh Tin Lành ở Sài Gòn, nói rằng đây là đề xuất gây lo lắng cho nhiều người, đặc biệt những người theo đạo Tin Lành thuộc các nhóm Tin Lành không được nhà nước công nhận:
Đã là tôn giáo thì được quyền theo bất cứ giáo phái nào hoặc bất cứ nhà thờ nào. Nhà nước ra quyết định tự do tôn giáo mà chính họ ngăn trở tôn giáo, luật nào cũng làm cho người ta bị phạt hoặc bị bắt thôi. Năm 2005 thủ tướng Phan Văn Khải quyết định là tự do tôn giáo,và giáo phái Tin Lành nào được công nhận hay không được công nhận. Được công nhận là phải ký kết phải làm theo những gì chính quyền quyết định. Không được công nhận là những giáo phái không chịu ký. Họ không hiểu hay cố ý không biết Tin Lành là của Đức Chúa Trời chứ không phải của Mỹ, của Pháp hay của Canada. Họ cố ý không hiểu như vậy nên tôi thấy càng ngày Tin Lành càng bị bó vô chứ không được tự do đâu. Chỉ những giáo phái nào gọi nôm na là quốc doanh thì còn được quyền tự do.
Tại sao Dự thảo Nghị định về xử phạt hành chính đối với những hoạt động tôn giáo bị cho là vi phạm lại được đưa ra lúc này, là ý kiến của nhà báo tự do Phạm Chí Dũng:
Về xử lý pháp luật và xử lý vi phạm hành chính thì đó là qui phạm chung ở Việt Nam đối với nhiều lãnh vực. Nhưng mà xử lý bằng tiền đối với tôn giáo vi phạm hành chính thì đây là lần đầu tiên.
Chính vì lần đầu tiên này cho thấy Việt Nam càng không cởi mở đối với hoạt động tôn giáo. Điểm thứ ba là khi nhà nước bắt buộc phải đưa ra các qui phạm xử lý hành chính tôn giáo bằng tiền thì có nghĩa là nhà nước đã xuống thang về tôn giáo. Việc này xảy ra sau phong trào biểu tình phản kháng Formosa và những bất công từ một số cơ quan quản lý của chính quyền liên quan đến vụ ô nhiễm Formosa, đồng thời với một số hoạt động khác liên quan tới một số tôn giáo khác chẳng hạn Công Giáo, Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy hay Phật Giáo Thông Nhất và gần đây nhất là vụ Đan Viện Thiên An ở Huế.
Điều đó cho thấy nhà nước đã bất lực trong việc xử lý hình sự đối với những người bị coi là vi phạm tôn giáo. Nhà nước không dám bắt bớ tràn lan như trước đây mà chuyển qua xử lý vi phạm hành chính bằng tiền. Mặc dù qui định này có thể được thông qua nhưng trong thực tế tôi không cho rằng có tính khả thi. Đa số những hoạt động tôn giáo ở Việt Nam là biểu hiện cái nhu cầu thực tế của người dân chứ không phải cái gì đó mà vi phạm pháp luật nhà nước. Thành thủ tôi nghĩ nếu được thông qua thì vô hình chung là làm giảm tính hiệu lực từ lòng dân đối với bản qui định này.
Theo Ban Tôn Giáo Chính Phủ, nếu được thông qua thì Dự thảo Nghị định về xử phạt hành chính liên quan đến tôn giáo sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng Sáu năm 2018.