Nợ công CSVN tăng nhanh gấp 3 lần GDP: liệu có nguy hiểm?
Nợ công của Việt Nam đã tăng lên tới 116 tỷ đô la vào cuối năm 2015, tương đương với hơn 62% GDP.
Theo báo cáo của Ủy Ban Tài Chính Ngân Sách quốc gia, các chỉ số nợ công đang có nguy cơ tiệm cận hoặc vượt qua ngưỡng an toàn. Và mặc dù vẫn trong giới hạn cho phép song tốc độ tăng bình quân hơn 18%/năm là khá cao và gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Trước đây trong năm, chính phủ báo cáo lên quốc hội rằng nợ công có thể vượt trần vào cuối năm nay. Hiện mức trần nợ công cho phép là 65% và nợ công/GDP đang áp sát ngưỡng kiểm soát. Trong khi đó, nợ Chính Phủ thực tế đã vượt trần 0,3%. Mức cho phép của nợ chính phủ là 50% GDP.
Bộ trưởng Tài Chính Đinh Tiến Dũng trong cuộc họp Quốc Hội hôm 1/11 đã đề cập tới mức tăng nhanh chóng trong nợ công của Việt Nam. Trang mạng Dân Trí trích lời bộ trưởng Dũng nói nợ công tăng gấp 2 lần trong 15 năm qua. Theo ông, vào năm 2001, nợ công chỉ chiếm 36,5% GDP.
Điều này đang tăng quan ngại trong giới chuyên gia kinh tế và khiến công chúng lo lắng liệu Việt Nam có sắp vỡ nợ?
Một chuyên gia kinh tế của đại học Texas (không muốn được nêu tên) nhận xét với VOA Việt Ngữ:
“Nợ công Việt Nam không phải là vấn đề quá lớn. Không có gì là quá lo lắng. Vượt trần hay không thì chẳng qua cái trần đó là do quốc hội đưa ra. Thí dụ so với các nước phát triển như Nhật như Mỹ thì nợ (công) lớn hơn rất rất nhiều so với 65% (của Việt Nam) thành ra chuyện nới trần thì theo tôi không phải là vấn đề quá lớn.”
Các nhà lập pháp của Việt Nam đã từ chối tăng mức nợ trần và cho rằng chính phủ Việt Nam phải hạn chế chi tiêu. Chủ nhiệm Ủy Ban Tài Chính Ngân Sách của Quốc Hội Nguyễn Đức Hải được truyền thông trong nước trích lời nói hôm 31/10 rằng “Chúng ta phải giữ mức nợ công dưới ngưỡng an toàn như chúng ta đã làm trong giai đoạn 2011-2015.”
Tuy nhiên, nếu so với tỷ lệ nợ công trên GDP của Mỹ, thì mức trần nợ công của Việt Nam còn kém rất xa.
Chuyên gia kinh tế của trường đại học Texas cho rằng có 2 luồng ý kiến trái chiều về vấn đề này. Trong khi có chuyên gia kinh tế cho rằng đây là một mức rất nguy hiểm thì những người làm sát với thị trường lại có quan điểm khác:
“Có 2 lập trường rất khác nhau. Những người, mà thường là những người trẻ hơn mà đang làm trực tiếp trong một số lĩnh vực nhất định nhất là liên quan đến đầu tư và khu vực nước ngoài, thường là họ rất tự tin. Họ cho là chuyện rất bình thường. Còn những nhà kinh tế tóc bạc thì cho đấy là chuyện nghiêm trọng.”
Theo đánh giá của Ủy Ban Tài Chính Ngân Sách, lý do khiến cho nợ công tăng nhanh trong thời gian qua là do tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, chính sách tài khóa chưa tích cực cùng với sự mất cân đối trong thu chi ngân sách Nhà Nước dẫn đến bội chi tăng cao trong nhiều năm.
Quốc hội Việt Nam đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay là 6,7%, nhưng đã điều chỉnh lại khi GDP trong nửa đầu năm chỉ tăng ở mức hơn 5,5%.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng việc sử dụng không hiệu quả vốn vay đầu tư trực tiếp nước ngoài ODA là một phần nguyên nhân đưa đến nợ công tăng cao. Theo đánh giá của các quốc gia tài trợ ODA, nhiều dự án không phù hợp với nhu cầu kinh tế và xã hội của Việt Nam. Tình trạng quá tải trong việc quản trị các dự án cũng như tệ nạn tham nhũng và sự phân phối không đồng đều của vốn ODA đã góp phần làm giảm hiệu quả của việc sử dụng vốn vay. Các cuộc thảo luận tại quốc hội Việt Nam đang diễn ra tại Hà Nội cũng đang nóng với vấn nạn tham nhũng. Nhưng chuyên gia kinh tế của đại học Texas cho rằng, ngừng chi tiêu vào cơ sở hạ tầng không phải là giải pháp.
“Cái câu chuyện nó nguy hiểm hay không là anh dùng cái tiền đó như thế nào. Tại vì bây giờ một đất nước mà cái gì cũng phải tiêu, tưởng tượng xem đường xá đường bộ, đường không, đường thủy – tất cả các loại hạ tầng – đều trong trạng thái đi sau so với tốc độ phát triển của kinh tế. Có rất nhiều sức ép về đầu tư công. Vấn đề là đầu tư có hiệu quả không. Còn bây giờ mà không chi, không thâm hụt thì cũng không phải là cái hay. Bây giờ nếu thắt lưng buộc bụng tiết kiệm để cân bằng ngân sách và chẳng xây được cái gì cả thì sau này nó lại giới hạn sự phát triển trong những năm tới.”
Trong khi đó Ngân Hàng Thế Giới (WB) cũng dự đoán nợ công của Việt Nam sẽ lên tới gần 64% của GDP vào cuối năm nay và gần 65% vào năm 2018. Theo tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh, tổng số nợ công của Việt Nam cao hơn rất nhiều so với con số của WB công bố. – VOA