TPP có thể ám ảnh Clinton trong cuộc Tổng tuyển cử

Cac Bai Khac

No sub-categories

TPP có thể ám ảnh Clinton trong cuộc Tổng tuyển cử
Ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton nói chuyện tại Hội nghị các Thị trưởng Hoa Kỳ ở Indianapolis (tiểu bang Indiana) vào ngày 26 tháng 6. Clinton thảo luận tầm nhìn của mình đối với các thành phố của Mỹ. (Aaron Bernstein P. / Getty Images)

Đại Kỷ Nguyên

Tác giả: Steven Klett, Epoch Times | Dịch giả: Ngọc Yến

8 Tháng Bảy , 2016

Phân tích Tin tức

Trong khoảng thời gian hiện tại và đến giữa tháng mười một, Hillary Clinton có nhiệm vụ cam go phải kiên định với vị trí của mình trong Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong khi đó vẫn phải thống nhất Đảng Dân chủ và bảo vệ bản thân trước các cuộc tấn công của Donald Trump.

Việc thống nhất toàn Đảng Dân chủ có nghĩa là đi đến hòa bình với đối thủ Bernie Sanders. Trong vòng bầu cử sơ cấp, Sanders đã thắng ở các tiểu bang như Michigan và West Virginia một phần vì ông lên án các thỏa thuận giao dịch thương mại bị các cử tri giai cấp công nhân da trắng phản đối.

Sanders và chiến dịch của ông đang thúc bách việc đưa những quan điểm này vào cương lĩnh của Đảng Dân chủ. Nhưng bất chấp sự lên án công khai của bà Clinton về thỏa thuận thương mại, Ủy ban Cương lĩnh Đảng Dân chủ vẫn bỏ phiếu không phản đối nó.

Thỏa thuận Thương mại có chữ ký của ông Obama

TPP là một trong những giao dịch thương mại có chữ ký của Tổng thống Barack Obama, và là một vấn đề gây tranh cãi ở cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa.

Cả ông Trump và Bernie Sanders đều đã chỉ ra khả năng mất việc làm và tăng sự bất bình đẳng trong thị trường việc làm ở Mỹ.

Thỏa thuận này được ký kết ngày 04 tháng 2 bởi ông Obama, bao gồm Hoa Kỳ và 11 quốc gia giáp Thái Bình Dương khác, trong đó có các biện pháp giảm thuế, giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào thương mại Trung Quốc, và cũng tương tự như đối với quan hệ đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), một hiệp định thương mại với Liên minh châu Âu.

Thượng viện vẫn cần phải phê chuẩn và thông qua trước khi nó đi vào hiệu lực. Quá trình phê duyệt có thể mất đến 2 năm đàm phán, trong đó có ít nhất là sáu trong số 12 quốc gia cần phải tán thành văn bản này.

Vị thế của bà Clinton

Với tư cách Bộ trưởng Ngoại giao, bà Clinton đã nhiều lần bảo vệ kế hoạch thương mại này, gọi đó là “tiêu chuẩn vàng” của giao dịch thương mại. Tuy nhiên, với tư cách một ứng cử viên tổng thống, bà đã đảo ngược vị trí của mình, trong một cuộc tranh luận hồi tháng 10 năm 2015 rằng nó “không còn đáp ứng những tiêu chuẩn của bà nữa”.

Nhưng bất chấp sự công khai thay đổi về quan điểm của bà Clinton, những người chỉ trích thỏa thuận này vẫn còn hoài nghi liệu bà có làm đến cùng trong sự phản đối mình đối với thỏa thuận thương mại này, khi mà những năm qua bà vẫn ủng hộ nó.

Vòng đàm phán đầu tiên của Ủy ban Cương lĩnh Đảng Dân chủ ở St. Louis đã củng cố thêm cho những lo ngại của những người hoài nghi khi những người ủng hộ bà Clinton trong ủy ban đã phủ quyết một sửa đổi chống đối TPP.

“Tôi nghĩ rằng TPP là rất quan trọng, đặc biệt là kể từ khi bà [Clinton] đã đồng ý sẽ chống lại nó; Tôi không biết lý do tại sao nó không có trong cương lĩnh [của đảng Dân chủ]”, nhà môi trường học kiêm nhà văn Bill McKibben đã viết khi được hỏi điều gì sẽ khuyến khích thêm nhiều người ủng hộ ông Sanders đứng về phía bà Clinton, trong một email gửi cho Epoch Times.

Ông McKibben là một trong năm người được bổ nhiệm vào ủy ban cương lĩnh của Đảng Dân chủ mà chiến dịch tranh cử của Sanders đã lựa chọn ra. Chiến dịch tranh cử của bà Clinton đã lựa chọn ra sáu người bổ nhiệm, và bốn người đã được chọn bởi nữ chủ tịch Ủy ban Quốc gia Dân chủ Debbie Wasserman Schultz.

Sự chia rẽ trong vấn đề TPP trong đảng Dân chủ là một sự chia rẽ về lòng trung thành với Tổng thống Obama, người đã ký hiệp định này vào tháng Hai.

Một số thành viên ủy ban như đại diện Maryland Elijah E. Cummings đã không muốn hạ thấp tổng thống, trong khi Cornel West , người ủng hộ ông Sanders và được ông Sanders đưa vào ủy ban (và là bạn của Obama) cho biết rằng các vấn đề này đã vượt quá lòng trung thành đối với tổng thống, theo tờ Washington Post.

Chiến dịch Sanders đã giành chiến thắng ở một số sửa đổi quan trọng trong cương lĩnh – thêm $15 vào mức lương tối thiểu, cải cách phố Wall thông qua đạo luật hiện đại hóa Glass-Steagall, và bãi bỏ án tử hình.

Tuy nhiên, sự phủ quyết sửa đổi TPP chỉ ra một sự chia rẽ trong đảng Dân chủ còn lớn hơn chính bản thân vấn đề này. Nó ưu tiên sự trung thành đối với tổng thống hiện thời hơn vị trí của hai ứng cử viên đang chạy đua vào chiếc ghế tổng thống.

Sự ảnh hưởng mơ hồ của cương lĩnh này cũng là một yếu tố phải xem xét. Nếu Clinton được bầu làm tổng thống, bà có thể chọn vị trí của mình đối với TPP bất kể cương lĩnh của đảng này nói gì.

Chiến dịch Clinton đã không trả lời cho nhiều câu hỏi về vị trí của bà Clinton trong TPP.

Lập trường của Trump

Sự bất đồng của ủy ban cương lĩnh của Đảng Dân chủ với Clinton và Sanders dẫn đến thuận lợi cho người được chỉ định của đảng Cộng hòa là ông Donald Trump, người đã chống lại TPP và Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), vốn là tâm điểm trong chiến dịch của ông này.

Ông Trump đã vạch ra kế hoạch cải cách kinh tế và thương mại trong một bài phát biểu vào ngày 28 tháng Sáu ở Monessen, bang Pennsylvania, tại công ty vật liệu Alumisource, và kêu gọi sự đảo chiều trong hai giao dịch thương mại của thời Bill Clinton – NAFTA và Trung Quốc gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới.

Ông ta cũng cảnh báo rằng TPP lúc này đây là “mối nguy hiểm lớn nhất” và là một “cú đòn chí tử đối với nền sản xuất của Mỹ”.

Như vậy chiến tuyến cuộc tổng tuyển cử đang được vạch ra. Trump đang nhắm tới các cử tri tầng lớp công nhân da trắng, những người có thể bình chọn cho Sanders trong quá trình bầu cử sơ bộ nhưng không tin tưởng rằng Clinton sẽ từ chối các giao dịch thương mại.

Tuy nhiên, những đề xuất của Trump đụng chạm tới cả tính chính thống của đảng Cộng hòa về thương mại và tới cả Obama. Sau bài phát biểu của Trump, ông này đã bị cả hai bên chỉ trích.

Phòng Thương mại, thường là một đồng minh với Đảng Cộng hòa, đã lớn tiếng chỉ trích Trump, cho biết trên trang mạng Twitter của mình rằng “chúng ta sẽ thấy giá cả cao hơn, việc làm ít hơn, một nền kinh tế yếu hơn”.

Obama cũng chỉ trích Trump, mô tả sự đề nghị rút lui ra khỏi TPP là “sai thuốc” đối với những mối quan tâm về toàn cầu hóa, lương bổng, và bất bình đẳng kinh tế.

“Vấn đề đặt ra là, bạn sẽ làm gì về điều đó. Và phương án rút khỏi những giao dịch thương mại và chỉ tập trung vào thị trường địa phương là sai thuốc “, Obama nói.

Một vấn đề then chốt trong cuộc vận động tranh cử

Cho đến nay, vị trí của bà Clinton trong TPP là một trong những phạm vi gây tranh cãi trong cuộc tổng tuyển cử, và cách bà xử lý vấn đề này có lẽ sẽ dẫn dắt câu chuyện tổng tuyển cử.

Với việc Trump thúc đẩy đưa vấn đề này lên hàng đầu trong chiến sách của ông ta, bà Clinton phải đối mặt với căng thẳng trên ba mặt trận – Sanders, Trump, và Cương lĩnh của Đảng Dân chủ.

Một mặt cả Trump và Sanders đều nhìn thấy bà Clinton với tư cách chính là người tiên phong về thỏa thuận thương mại và là một hậu duệ kiên cường kế thừa ông Obama, cùng với Trump đang điều hành một chiến dịch chống lại các chính sách thương mại của cả Obama và cựu tổng thống Bill Clinton.

Ngược lại, bằng cách chống lại TPP, Hillary Clinton bây giờ lại đang bất đồng với cương lĩnh đảng Dân chủ và với Tổng thống về vấn đề này.

Không rõ chiến dịch tranh cử của bà Clinton sẽ xử lý vấn đề TPP tiến triển như thế nào. Đáp lại bài phát biểu của Trump về việc làm và thương mại, chiến dịch của bà đã không đề cập đến TPP, thay vào đó lại tập trung vào kinh doanh ở nước ngoài của Trump.