Dưới biển, trên trời còn nhiều ‘ẩn số’!
Các nhà lãnh đạo Formosa Hà Tĩnh xin lỗi về sự cố môi trường.
Chuyện dưới biển còn chưa ổn, lại thêm bao nhiêu câu hỏi mới, còn lâu mới ổn định được nhân tâm, niềm tin của nhân dân còn lâu mới phục hồi…
Thế là theo hy vọng của Bộ Chính trị Hà Nội, cuộc khủng hoảng cá chết miền Trung coi như kết thúc với cuộc họp báo ngày 30/6. Bộ Công an, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tính toán kỹ, chỉ ra chuyện “phập phù điện” quen thuộc để coi là thủ phạm duy nhất của thảm họa ven biển miền Trung. Chẳng lẽ lại mang “dòng điện phập phù” ra tòa để trị tội? Coi như hòa cả làng.
Để xoa dịu dư luận, chính quyền CS và Công ty Formosa ngã giá bồi thường nửa tỷ đô la, coi như một sự đền bù phải chăng, sòng phẳng. Theo đúng chính sách bá quyền kết hợp củ cà rốt và cái gậy, trước khi đưa ra ½ tỷ đô la, Bộ Công an họp đe dọa những kẻ “phản động lợi dụng lòng dân để kích động quần chúng chống đối và gây biểu tình”.
Thế nhưng vào thời điểm này, chẳng còn ai run sợ trước cường quyền thô bạo, phi lý và phạm pháp. Dư luận xã hội đã vượt quá đỉnh điểm của sự sợ hãi nhu nhược từ hàng chục năm rồi và ngày một cứng cỏi bảo vệ lẽ phải và chân lý cũng như pháp luật quốc tế văn minh và tôn trọng nhân quyền. Ngay trong và sau cuộc họp báo hàng loạt câu hỏi được công khai đưa ra rất kịp thời, sâu sắc và chính đáng:
– Lý do “mất điện” có chính đáng hay không? Một nhà máy lớn như thế mà không có máy điện dự phòng hay sao? Cần lý giải rõ trục trặc về điện dẫn đến thảm họa môi sinh ra sao?
– Các độc tố và các kim loại rất độc như Phenol, Cyanure phát sinh từ đâu, nồng độ ra sao, tác hại ra sao, được kiểm soát, sàng lọc ra sao trong hệ thống nhà máy?
– Trách nhiệm của nhà máy và trách nhiệm của cơ quan giám sát môi trường của chính quyền địa phương ra sao, đến mức nào, nề nếp kiểm tra định kỳ và thường xuyên ra sao?
– Nguyên nhân chủ yếu gây thảm họa to lớn này là gì? Do sơ xuất, yếu kém hay do cố tình gây tai họa do động cơ chính trị, kinh tế, xã hội? Có thể có mưu đồ mang tính chất diệt chủng để chinh phục, thống trị dân tộc ta không?
– Trách nhiệm chủ yếu được xác định là do công ty phụ do Trung Quốc lục địa điều hành, vậy Trung Cộng có trách nhiệm và ý đồ ra sao, cần làm rõ. Đây có phải là một mưu đồ thâm hiểm trong cả một hệ thống mưu đồ lớn nhỏ của Trung Cộng hay không? Chuyến sang Việt Nam của ông Dương Khiết Trì có liên quan gì đến vụ khủng hoảng môi trường này?
– Sự kiện cá chết ven biển và cá chết ở nhiều con sông lạch ở Thanh Hóa, Hà Nội, Sài Gòn, Bình Thuận, Cà Mau… có liên hệ gì với nhau, hay chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên?
– Có cần đưa vụ này ra xét xử theo luật pháp không? Và căn cứ nào để tiếp nhận đề nghị bồi thường ½ tỷ đôla? Con số này có hợp lý hay không?
– Trách nhiệm của các quan chức địa phương ra sao? Đặc biệt là Bí thư và Chủ tịch Tỉnh Hà Tĩnh, các viên chức trong Sở Đầu tư, Nông nghiệp, Tài nguyên Môi trường của tỉnh trong quan hệ với Công ty Formosa, có tư túi tham nhũng, nhận quà biếu để tạo mọi dễ dàng, cố tình làm sai quy định, sai quyền hạn, đến mức cần truy tố hay không?
– Trách nhiệm của các Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ ra sao? Do trình độ, quan liêu hay còn do tham nhũng quà cáp biếu xén gì không?
Chuyện dưới biển còn chưa ổn, lại thêm bao nhiêu câu hỏi mới, còn lâu mới ổn định được nhân tâm, niềm tin của nhân dân còn lâu mới phục hồi, để xem phiên họp đầu của Quốc hội mới các đại biểu có dám chất vấn Chính phủ và Đảng hay không. Hay lại như Quốc hội cũ, đến phiên bế mạc mới có đại biểu than phiền là Quốc hội không hề tỏ thái độ công khai của mình về tình hình Biển Đông.
Còn chuyện trên trời đang gây nhiều hoài nghi bực bội trong công luận là chuyện 2 chiếc máy bay rơi một cách khó hiểu và khó giải thích cho trôi chảy. Một máy bay huấn luyện trong một cuộc bay tập do 2 người lái giỏi nhất, có nhiều giờ bay nhất bị rơi, một người không kịp mở dù như bị trói chặt khi rơi. Một chiếc máy bay đi tìm kiếm lại bị rơi cách rất xa điểm rơi được xác định của chiếc máy bay thứ nhất, lạc sang vùng của Trung Quốc, làm thêm 9 người chết. Hai sự kiện bi thảm xảy ra khi Trung Quốc đang tổ chức diễn tập bắn đạn thật, đúng vào lúc Trung Cộng huênh hoang về “vùng phòng không tự do” bất khả xâm phạm và đang thí điểm về cuộc chiến tranh can nhiễu, chiến tranh điện tử gây hỗn loạn trong không gian truyền tin bằng mã số, một đỉnh cao mới mẻ đang thực nghiệm của chiến tranh hiện đại.
Bộ Quốc phòng không lý giải được rõ ràng các sự cố bi thảm này. Còn có những chuyện lên gân quá mức, rất là không bình thường, như để bưng bít điều gì là sự thật khó giải thích. Sao lại vội vã thăng cấp người bị nạn từ thượng tá lên đại tá, coi như anh hùng, vội nhận vợ nạn nhân vào dạy trường đặc biệt mà không rõ trình độ ra sao, rồi cấp thêm nhà ở trong khi gia đình đã có một biệt thự sang trọng và còn có nhà cho thuê.
Vướng mắc cuối cùng của quần chúng nhân dân đông đảo mà đại diện là các tổ chức Xã hội Dân sự là hướng chính trị của Bộ Chính trị, Bộ Công an, Ban Tuyên giáo Trung ương đã hoàn toàn sai lệch khi chú tâm răn đe, cảnh giác, đàn áp các công dân yêu nước, yêu dân chủ và yêu nhân quyền, trong khi đó lại hoàn toàn tê liệt cảnh giác với các mưu đồ bành trướng bá quyền và tay sai lộ liễu của chúng. Lẽ ra lực lượng công an phải kiểm soát kỹ các hoạt động của bất kể cấp nào có khả năng bán mình cho quỷ, dù là Phó Thủ tướng nay là Bí thư thành ủy Thủ đô, dù là Thượng tướng Thứ trưởng Quốc phòng từng hai lần bị ngăn không cho vào Trung ương để nay nghiễm nhiên là Ủy viên thường trực của Đảng ủy Quân sự Trung ương, kẻ mà từ năm 2004 Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Chu Huy Mân, Đại tướng Nguyễn Quyết và hơn 20 thượng tướng, trung tướng, thiếu tướng và sỹ quan cấp cao đã tố cáo là thủ phạm đầu sỏ của vụ án siêu nghiêm trọng phá hoại quân đội, phá hoại Đảng CS và đất nước. Kẻ này đã bị chính sỹ quan Tổng cục II tố cáo là có quan hệ chặt chẽ với Tình báo Hoa Nam, cơ quan tình báo Trung Quốc tỏa xuống Đông Nam Á.
Tướng công an Trần Đại Quang và tướng công an Tô Lâm, nay là Chủ tịch nước và Bộ trưởng Công an, có trách nhiệm lớn nhất trong việc đi đầu huy động các cán bộ giỏi nhất trong ngành tình báo giải mã các sự kiện trên trời dưới biển trên đây, xem có liên quan gì đến cơn điên của Tập Cận Bình khi tòa án quốc tế sắp công bố kết luận bất lợi cho Bắc Kinh, và việc Dương Khiết Trì vội sang Hà Nội ngay sau khi Trung Quốc bị tố cao là kẻ tội phạm chính trong vụ án môi trường trên đây. Đây mới là những ẩn số cần tìm ra và giải quyết.
B.T.
__________
* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Nguồn: http://www.voatiengviet.com/a/duoi-bien-tren-troi-con-nhieu-an-so/3404710.html