Tin Thế Giới – 6/10/2014
Phong trào dân chủ Hong Kong tồn tại qua tuần thứ hai nhưng có phần lắng xuống — Báo chí TQ tìm cách xoa dịu tình hình tại Hồng Kông
Người biểu tình Hong Kong làm ngơ trước tối hậu thư của chính quyền Hong Kong yêu cầu rời khỏi Khu Doanh thương Trung tâm mà họ đã chiếm đóng để bắt đầu ngày làm việc sáng thứ Hai, nhưng họ đã mở ra những lối đi để công nhân đến văn phòng. Sau khi đêm trôi qua và cảnh sát chống bạo động không dùng vũ lực buộc người biểu tình phải rời khỏi nơi này trước rạng sáng như mọi người lo ngại, con số người biểu tình lại giảm dần khi ngày mới bắt đầu.
Vào lúc mặt trời mọc sáng ngày hôm nay (6/10) tại Hong Kong, một tiếng reo hò không ngờ vang lên trong hàng trăm sinh viên đã ngủ qua đêm ngồi đường phố trong khu tài chánh.
Chỉ một tuần lễ sau khi cảnh sát bắn lựu đạn cay vào các nhà hoạt động dân chủ, nhiều người không chắc chắn là chiến dịch này tiến xa như vậy.
Cô Jane Chow, 26 tuổi vừa mới thức dậy là một trong những người này. Cô vẫn nghi ngờ về ý định của chính phủ, và chờ đợi cảnh sát chống bạo động dùng vũ lực để trục xuất những người biểu tình trong những ngày tới.
“Việc này rất có thể xảy ra. Tuy nhiên nếu khôn khéo, họ sẽ không làm việc này, cách sử dụng bạo động quá mức. Ngay cả khi chính quyền nỗ lực quét sạch những người biểu tình, tôi không nghĩ là ít nhất về phía những người biểu tình là sẽ có bạo động.”
Người biểu tình nói họ tin lý do trưởng quan Hành chánh Hong Kong không phái lực lượng để giải tán người biểu tình ra khỏi các đường phố là vì các sinh viên đáp ứng được một trong hai điều kiện của chính quyền để bắt đầu thương thuyết: Để cho các công nhân viên chức trở lại làm việc tại khu vực có văn phòng của chính quyền.
Đến 9 giờ sáng, hàng trăm công chức tủa ra từ một trạm xe điện ngần gần đó, đi đến các văn phòng của họ với các sinh viên chỉ lối để đảm bảo họ có con đường đi đến nơi làm việc. Người phụ nữ này từ chối không cho biết tên, không xúc động. Bà chỉ trích các nhà hoạt động vì đã không cho các nhân viên nhà nước trở lại làm việc sớm hơn.
Người phụ nữ phụ trách dọn dẹp vệ sinh cho các văn phòng chính quyền than phiền là các sinh viên không nhận thức được rằng đây là những thời điểm khó khăn và bà và các nhân viên chính quyền khác có việc phải làm và có cuộc sống phải bảo vệ.
Ông Lâm Minh phụ trách việc chỉ đường thừa nhận rằng có thể ngày càng khó khăn hơn cho phong trào vẫn giữ được sự ủng hộ của cộng đồng. Tuy nhiên ông cho rằng các nhà hoạt động chưa nhượng bộ nhiều đối với trưởng quan hành chánh Hong Kong Lương Chấn Anh, ông này không đưa ra những biện pháp gì để đáp ứng với nhượng bộ của sinh viên cả.
“Bạn có thể nói là chúng tôi đã nhượng bộ một cách đáng kể khi để cho công chức trở lại làm việc. Lúc này là trách nhiệm của họ mở đường tại bàn thương nghị. Tôi không nghĩ trong một tương lai có thể thấy được, người biểu tình sẽ nhượng bộ rời khỏi đường phố.
Không phải tất cả mọi việc đều trở lại bình thường tại Hong Kong. Trường học và các cửa hàng vẫn còn đóng cửa và những người biểu tình, lúc tăng lúc giảm mỗi ngày, cho biết họ sẽ vẫn ở lại trên đường phố cho đến khi nào Trưởng quan hành chánh Lương Chấn Anh từ chức và nhà cầm quyền cho phép bầu cử tự do Ngay lúc này, chưa có bên nào chịu lùi bước trong sách lược chính trị đang được thế giới theo dõi sát.
So với những đêm trước, đám đông người biều tình nhỏ hơn này đã ở lại ban đêm ở địa điểm đòi dân chủ nằm giữa lòng Hong Kong, bất chấp những lời cảnh báo của nhà chức trách buộc họ phải rời khỏi đường phố trước giờ cao điểm lưu thông buổi sáng.
Bầu không khí yên tĩnh và thoải mái một cách không ngờ. Một bức tượng người che dù được dựng lên ở địa điểm cắm trại. Tuần lễ trước khi người biểu tình lấy ô dù để tự vệ chống lại cảnh sát sử dụng hơi và thuốc xịt cay mắt để giải tán các đám đông.
Việc sử dụng vũ lực đã khiến công luận quay ra chống cảnh sát và đưa thêm người biểu tình tham gia ‘Cuộc Cách mạng Dù’.
Anh Neil Fong nói nếu cảnh sát lại sử dụng vũ lực thì anh đã sẵn sàng.
“Tùy theo họ sử dụng cái gì. Nếu họ dùng quân đội ở mức rất cao, thì chúng tôi cần rời đi và trở lại.”
Một số nhóm nhỏ trầm tĩnh thảo luận về lý tưởng đã đoàn kết họ, ấy là đòi quyền bỏ phiếu mà không có sự can thiệp của Bắc Kinh vào tiến trình bầu cử. Những người khác đánh bài. Một số như Yen Choi và Tammi Tong thì dòm chừng cảnh sát canh gác các công ốc. Họ cho biết họ sẽ ở lại chừng nào còn có thể được nếu cảnh sát buộc họ giải tán.
“Thực hết sức nguy hiểm ở đây, tôi sẽ rời đi bởi vì tôi biết nhiều bạn bè và thân nhân của tôi cũng quan tâm về sự kiện này, nhưng họ thực sự quan tâm đến sự an nguy của tôi.”
“Chúng ta đều biết rằng ở đây thực sự rất nguy hiểm. Chúng tôi phải rời đi nếu cảnh sát có biện pháp, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng ở lại cho đến phút chót, để tranh đấu cho mọi thứ mà chúng tôi cần, tranh đấu cho những gì mà nhân dân Hong Kong xứng đáng phải có, đúng thế.”
Hạn chót đã trôi qua mà không có hành động nào của cảnh sát. Song bây giờ là lúc thời gian và sự kiệt sức đang tác động đến số người hoạt động ngày càng giảm bớt, khiến nhiều người nêu thắc mắc liệu họ có thể trụ vững được bao lâu nữa.
Đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc trong suốt tuần qua không đả động đến phong trào phản kháng tại Hồng Kông. Nhưng sáng nay, (06/10/2014) đã dành 10 phút để nói về các sinh hoạt tại Hồng Kông đang trở lại bình thường. Sau một loạt các bài báo lên án mạnh mẽ phong trào dân chủ Hồng Kông, báo chí Trung Quốc bắt đầu dịu giọng, không chỉ riêng với trường hợp của Hồng Kông, mà ngay cả với khu tự trị Tân Cương.
Thông tín viên đài RFI Caroline Puel từ Bắc Kinh ghi nhận một sự thay đổi trong chính sách tuyên truyền của Trung Quốc lần này:
“Sau khi đã lên gân và tỏ thái độ không khoan nhượng trong suốt tuần lễ vừa qua, trong vài giờ gần đây, Bắc Kinh tỏ dấu hiệu cởi mở hơn. Tất cả các bài báo mới nhất, đều tìm cách làm ‘hạ nhiệt’ tình hình ở Hồng Kông. Tân Hoa Xã đi đầu theo hướng này khi nhấn mạnh: Người biểu tình đang giải tán, các trường học và công sở hoạt động trở lại bình thường, các trục lộ giao thông cũng vậy.
Thay đổi trong thái độ đó của các phương tiện truyền thông Trung Quốc không chỉ giới hạn trên hồ sơ Hồng Kông. Cả một chiến dịch tuyên truyền liên quan đến Tân Cương được mở ra hôm nay. Tân Cương là một tỉnh ở miền tây bắc Trung Quốc vốn được cai trị với một bàn tay sắt. Gần đây hàng loạt các vụ khủng bố đẫm máu đã diễn ra tại khu vực này.
Nhiều bài báo trong ngày dành để nói về cộng đồng Hồi giáo ở Tân Cương một cách tích cực. Những bài viết đó đề cao phong tục tập quán và văn hóa của người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi, nói tiếng Thổ. Bên cạnh đó, Trung Quốc hôm nay cũng cho phát hành nhiều cuốn sách trắng với xu hướng mở rộng vòng tay đối với các sắc tộc thiểu số.
Rõ ràng đây là đường lối chung ở Bắc Kinh hiện nay. Trong khi đó mọi người đều biết có hai phe trong hàng ngũ các nhà cầm quyền Trung Quốc. Một bên có lập trường cứng rắn, còn bên kia thì ý thức được rằng giải pháp đối thoại là cần thiết. Hy vọng là phe thứ nhì này đang chiếm thế áp đảo, nhất là trong việc xử lý vấn đề Hồng Kông. Có như vậy mới mong mở ra đối thoại với người biểu tình Hồng Kông, để rồi mọi chuyện sẽ lắng xuống. Ít ra là vào thời điểm này”. – VOA, RFI
Ba nhà nghiên cứu chia sẻ giải Nobel Y Học 2014
Nhà khoa học người Anh gốc Mỹ John O’Keefe và các nhà khoa học người Na Uy May-Britt Moser và ông Edvard Moser đã đoạt giải Nobel Y học vì đã khám phá ra hệ thống định vị bên trong não bộ.
Hội đồng trao giải Nobel tại Viện Karolinska của Thụy Điển hôm nay thông báo rằng những người đoạt giải đã trả lời được câu hỏi về cách thức não bộ hình thành bản đồ về không gian và cho phép con người điều hướng qua các môi trường phức tạp.
Ông O’Keefe đã khám phá ra cơ chế lập bản đồ vào năm 1971 bằng cách quan sát cách thức các tế bào thần kinh nhất định kích hoạt trong não của chuột khi nó ở trong một phần của căn phòng và cách thức các tế bào thần kinh khác kích hoạt trong một phần khác của căn phòng.
Năm 2005, hai vợ chồng ông bà Mosers đã xác định một loại tế bào khác trong một phần của não chuột đã tạo ra một mạng lưới và liên kết với các tế bào lập bản đồ để hình thành hệ thống định vị của não bộ.
Các cuộc nghiên cứu tiếp theo cho thấy bằng chứng về sự tồn tại của các tế bào tương tự trong não người. – VOA
Brazil sẽ phải bầu cử tổng thống vòng nhì
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff về đầu trong cuộc bầu cử tổng thống hôm Chủ nhật, những không đạt được tỷ lệ phiếu đa số tuyệt đối cần thiết để tránh cuộc bầu cử vòng nhì sẽ được tổ chức vào cuối tháng này.
Với gần như toàn bộ phiếu đã đếm, bà Rousseff chiếm được trên 40% đôi chút, trong khi ông Aecio Neves, ửng cử viên thuộc đảng Dân chủ Xã hội ủng hộ hoạt động doanh thương chiếm 34%. Cuộc bầu cử vòng nhì sẽ được tổ chức vào ngày 26 tháng 10.
Tổng thống Rousseff được sự ủng hộ của giới công nhân nhờ vào các chương trình phúc lợi xã hội đầy hào phóng đã khởi sự trong 2 nhiệm kỳ của người tiền nhiệm rất được lòng dân và là nhân vật đỡ đầu chính trị cho bà, cựu tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva.
Cựu bộ trưởng môi trường Marina Silva, hồi tháng 8 dẫn trước trong thăm dò đã không thành công trong cuộc đầu phiếu thực sự.
Đi bỏ phiếu là điều bắt buộc ở Brazil, các công dân từ 18 đến 70 tuổi đều phải đi bỏ phiếu. – VOA
Tổng thống Kenya chấp nhận đến tòa ở Hague
Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta xác nhận ông sẽ ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế ở Hague tuần này.
Ông nói với quốc hội rằng người phó của ông, William Ruto, sẽ lãnh đạo đất nước khi ông vắng mặt.
Ông Kenyatta đối diện cáo buộc tổ chức các cuộc tàn sát làm chết 1.200 người sau bầu cử năm 2007 – một cáo buộc mà ông bác bỏ.
Ông Kenyatta là đồng minh của Tổng thống Mwai Kibaki, người chiến thắng năm 2007.
Khi đó, đối thủ của ông Kibaki, Raila Odinga, nói bầu cử có gian lận.
Phiên tòa nghe lời khai ngày 8/10 dự kiến sẽ đề ra ngày xử ông.
Tuy vậy, không chắc cáo buộc chống lại ông Kenyatta có thể đứng vững vì bên công tố đã yêu cầu tạm hoãn phiên tòa vì họ không đủ bằng chứng.
Tòa án yêu cầu ông có mặt để giải thích cáo buộc rằng bằng chứng chống lại ông đã được che giấu.
Ông Kenyatta nói ông sẽ đến Hague như một người bình thường, chứ không phải tổng thống, để không ảnh hưởng chủ quyền đất nước.
Giới quan sát nói việc từ chối ra tòa có thể khiến thẩm phán ra trát bắt, gây ảnh hưởng xấu cho quan hệ ngoại giao và kinh tế. – BBC