Covid bùng nổ : Trung Quốc có nguy cơ hỗn loạn
Chỉ có hai người giao hàng trên một cây cầu vượt giữa các cao ốc văn phòng ở khu trung tâm Bắc Kinh, ngày 12/12/2022. Thủ đô Trung Quốc trở thành một thành phố ma – sau khi bãi bỏ đột ngột chính sách zero Covid, các ca lây nhiễm tăng vọt. AP – Andy Wong
Les Echos và Le Monde đều nhận thấy « Trung Quốc đứng trước sự bùng nổ dữ dội các ca Covid ». Bắc Kinh xem chừng đã quyết định để cho con virus lây lan, trông cậy vào miễn dịch tập thể. Nhưng một số chuyên gia lo ngại Trung Quốc sẽ sớm hỗn loạn vì Covid. Quảng cáo
Không còn bị phong tỏa, nhưng Bắc Kinh lại trở nên thành phố ma
Thông tín viên Le Monde cho biết bốn ngày sau khi dỡ bỏ những biện pháp phong tỏa, điều nghịch lý là cuối tuần qua Bắc Kinh lại trở thành một thành phố ma, như hồi tháng 2/2020 hay tháng 5/2022. Chỉ trong 72 tiếng đồng hồ, số lượng lây nhiễm tăng vọt. Không ai biết được con số chính xác, vì các ca-bin xét nghiệm bỗng dưng biến mất.
Nhưng theo nhiều ước tính, khoảng 10 % cư dân
thủ đô (22 triệu dân) đã bị nhiễm, còn theo trang Solidarité Covid do
những người Pháp làm việc tại Trung Quốc quản lý thì tỉ lệ này là 13 %. Les Echos
cho rằng con số của chính quyền là 8.626 ca hôm qua – thấp nhất kể từ
một tháng nay – không có ý nghĩa gì vì không còn xét nghiệm PCR.
Đường phố nay thuộc về hàng ngàn người giao hàng, đóng vai trò không thể thiếu đối với các nhà thuốc tây đang bị quá tải, nhưng đội ngũ này cũng thiếu vì bị nhiễm bệnh. Thuốc cảm sốt và bộ xét nghiệm nhanh nay không thể tìm ra, ngay cả hệ thống bán hàng trên mạng. Tâm lý nhiều người trở nên hoảng loạn. Tuy nhiên vẫn có thể mua được máy thở trên…mạng xã hội.
Chỉ trong vài ngày, bộ mặt Trung Quốc đã thay đổi, gây hoang mang cho người dân. Nhiều người dân Bắc Kinh xếp hàng trong thời tiết lạnh giá trước các bệnh viện và cơ sở y tế, dù truyền thông kêu gọi ở nhà. Tại Quảng Châu và Vũ Hán, một số bệnh viện thiếu đến 20 % nhân viên vì bị nhiểm hoặc được điều sang các bệnh viện dành cho Covid ; việc chạy thận, hóa trị…bị hoãn. Trên đường phố Thượng Hải, hầu hết đều mang khẩu trang dù báo chí nói rằng giờ đây ít ca Covid nặng, dù ba tuần trước vẫn khẳng định con virus nguy hiểm chết người.
« Thà chết vì Covid còn hơn sống như súc vật trong chuồng »
Nhà dịch tễ học Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan) nhìn nhận đại dịch lan trành nhanh chóng, nhưng trấn an là tỉ lệ tử vong do Omicron chỉ là 0,1 %, tương đương với cúm. Ông dự kiến đến quý 2/2023 sẽ trở lại bình thường. Nhưng tất cả các chuyên gia khác không lạc quan như thế. Rao Yi, hiệu trưởng đại học Y Bắc Kinh, bản thân cũng xét nghiệm dương tính, tuyên bố cần phải xem lại toàn bộ hệ thống y tế, chuẩn bị đối phó với tình trạng lây nhiễm hàng loạt, tử vong cao và cả nguy cơ con virus biến đổi khiến người dân tái nhiễm. Hiện cả nước Trung Quốc chỉ có 138.000 giường hồi sức, chưa đầy 1/10.000 dân và chỉ tập trung ở những đô thị lớn giàu có.
Một số chuyên gia quốc tế dự báo hỗn loạn sẽ nhanh chóng diễn ra, nhà máy tê liệt, bệnh viện tràn ngập bệnh nhân, 1,3 đến 2,1 triệu người sẽ thiệt mạng – theo ước tính của Airfinity trên cơ sở tình hình Hồng Kông trước đây. Các nhà quan sát không hiểu tại sao Trung Quốc mở cửa đột ngột như vậy trong khi tỉ lệ chích ngừa quá thấp. Có thể do Covid ở Bắc Kinh và Quảng Châu vẫn tăng vọt dù phong tỏa ngặt nghèo, kinh tế suy sụp, và nhất là làn sóng biểu tình phản đối.
La Croix dẫn lời một nhà sử học ở Trùng Khánh, cho rằng người dân nay đã hiểu cần phải sống chung với con virus, và họ « thà chết vì Covid hơn là sống như những con vật bị nhốt trong chuồng ». Dân Hoa lục sẽ nhớ suốt đời thời kỳ phong tỏa khủng khiếp vừa qua, « cũng như ông bà cha mẹ họ từng sống trong thời Cách mạng Văn hóa của Mao ».
Thị trường địa ốc Trung Quốc bệnh nặng
Về kinh tế, Le Monde nhận thấy sau hơn 30 năm liên tục phát triển, thị trường địa ốc Trung Quốc thụt lùi nghiêm trọng kể từ giữa năm 2021. Doanh số bán của 100 công ty lớn nhất giảm đến 42,6 %. Cuộc khủng hoảng này phần nào do chính quyền gây ra vì siết chặt tín dụng theo « ba đường ranh đỏ », khiến những công ty nợ nần nhiều phải ngưng các công trường xây dựng. Nổi bật nhất là trường hợp Hằng Đại (Evergrande), tập đoàn « chúa chổm » đứng đầu thế giới với số nợ 300 tỉ euro cuối 2021. Bắc Kinh giờ đây phải nhân nhượng trước tình trạng xảy ra nhiều cuộc biểu tình của những khổ chủ đã đóng tiền nhưng chưa nhận được nhà, hoặc rủ nhau cùng « đình hoãn » không chịu trả nợ vay cho ngân hàng.
Cuộc khủng hoảng ảnh hưởng
đến nhiều lãnh vực. Ngân sách chính quyền các địa phương trở nên èo uột
vì lệ thuộc 40 % vào việc bán đất. Hàng trăm ngàn việc làm ngành xây
dựng bị đe dọa. Ở « thượng nguồn », ngành thép, thủy tinh và xi-măng
không bán được hàng. Ở « hạ nguồn », ngành nội thất và điện tử gia dụng
lao đao : sau 24 năm phát triển ở Hoa lục, hãng Ikea lần đầu tiên đóng
cửa một trung tâm bán hàng tại Quý Dương (Guiyang).
Địa ốc chiếm đến 25-30 % tổng sản phẩm nội địa (GDP), tỉ lệ này quá lớn. Nhưng theo giáo sư tài chánh Michael Pettis, vấn đề ở chỗ khi giá nhà ở tăng liên tục suốt 30 năm, toàn bộ nền kinh tế đều thích ứng theo. Cá nhân vay mượn để đầu tư, chiếm 60-70 % tài sản của các gia đình ; hầu hết các doanh nghiệp đủ loại đều có một chi nhánh địa ốc vì kiếm lợi nhiều nhất. Chính quyền địa phương thì coi việc bán đất như thu nhập chính. Ngày nay, « do tất cả cùng lao vào, nên tất cả đều bị mất tiền ».
Nhà báo gặp ông Zhang, 32 tuổi, mặc bộ vét màu sẫm và sơ-mi màu Bordeaux dưới chân một tòa nhà ở Quý Dương, năm 2019 đã gom tiền mua một căn hộ nhưng đến nay vẫn chưa được giao. Thu nhập của hai vợ chồng chỉ đủ trả nợ ngân hàng mỗi tháng và tiền thuê nhà. Ông cho biết hàng ngày chỉ mặc mỗi bộ đồ này, tuy khuỷu tay áo đã bị sờn, sắp rách. Thêm một người tiêu thụ bị mất đi, đối với nền kinh tế Trung Quốc đã quá mệt mỏi sau ba năm theo đuổi chính sách zero Covid.
RFIViet