Tin Trong Nước – 20/3/22
Thêm 141.151 ca nhiễm, Vĩnh Phúc bổ sung hơn 25.000 ca
VnExpress – Bộ Y tế tối 20/3 công bố 166.205 ca nhiễm, gồm hơn 141.000 ca tại 62 tỉnh, thành và Vĩnh Phúc bổ sung hơn 25.000 ca.
Số ca nhiễm mới trung bình ghi nhận 7 ngày qua là 164.328 ca/ngày, tăng 10% so với trung bình 7 ngày trước đó.
Từ 17h30 ngày 19/3 đến 17h30 ngày 20/3 ghi nhận 63 ca tử vong. Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến nay là 41.880 ca.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.968 ca. Đợt dịch thứ 4, số ca nhiễm trong nước là hơn 7,9 triệu, trong đó hơn 4,1 triệu đã được công bố khỏi. Năm tỉnh thành ghi nhận số nhiễm tích lũy cao: Hà Nội 1.170.170, TP.HCM 582.747, Bình Dương 359.557, Hải Dương 314.225, Nghệ An 345.848 ca.
Dùng máy cắt phá cabin xe tải đưa thi thể tài xế ra ngoài
Zing – Sau tai nạn, thi thể tài xế 39 tuổi mắc kẹt trong phần đầu xe tải biến dạng. Cảnh sát Thanh Hóa phải dùng máy cắt phá dỡ cabin để đưa nạn nhân ra ngoài.
Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 7h20 ngày 20/3 trên tuyến quốc lộ 1, đoạn qua cầu Nguyệt Viên, địa phận xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa.
Khi đó, xe tải biển kiểm soát tỉnh Bắc Giang do ông Trần Văn Tuấn (39 tuổi, trú huyện Nông Cống, Thanh Hóa) cầm lái xảy ra va chạm với ôtô biển số tỉnh Ninh Bình.
Vụ tai nạn khiến đầu xe tải biến dạng, tài xế Tuấn tử vong, mắc kẹt trong cabin.
Cảnh sát phải sử dụng máy cắt để phá dỡ cabin. Đến 8h15, thi thể nạn nhân được đưa ra ngoài và bàn giao cho cơ quan chức năng.
Vụ ‘Vợ bị đơn đòi nhảy lầu’: Luật sư đề nghị Viện KSND tối cao trả hồ sơ
Thanh Niên – Luật sư (LS) Trương Anh Tú (Đoàn LS TP. Hà Nội, bảo vệ quyền lợi cho bị đơn là ông Lê Văn Dư) đã có văn bản gửi Viện trưởng Viện KSND tối cao và Vụ 9, Viện KSND tối cao, đề nghị các cơ quan, đơn vị này nhanh chóng hoàn tất hoạt động kiểm sát đối với vụ án “tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là vợ chồng ông Phan Quý và 3 bị đơn: Lê Văn Dư, Lê Sĩ Thắng, Khâu Văn Sĩ. Đồng thời, chuyển hồ sơ vụ án trở lại cho TAND Q.Gò Vấp (TP.HCM), nhằm đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được kịp thời, đúng pháp luật.
Đây là vụ án từng gây xôn xao dư luận, bởi chiều 1/7/2020, sau khi TAND TP.HCM xử phúc thẩm, vợ bị đơn đòi nhảy lầu tại trụ sở TAND TP.HCM (vợ ông Lê Văn Dư – PV), nhưng may mắn đã được người nhà và bảo vệ tòa án can ngăn kịp thời.
Hơn nữa, trong quá trình xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, vụ án trên gây nhiều tranh cãi trong cách áp dụng luật của HĐXX. Vì vậy, chiều 24/7/2020, Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm, tuyên hủy toàn bộ bản án phúc thẩm và sơ thẩm đối với tranh chấp dân sự 674 m2 đất tại Q.Gò Vấp giữa nguyên đơn là vợ chồng ông Phan Quý và 3 bị đơn: Lê Văn Dư, Lê Sĩ Thắng, Khâu Văn Sĩ.
Vụ án sau đó được TAND Q.Gò Vấp thụ lý xét xử sơ thẩm lại theo thẩm
quyền từ ngày 31.8.2020, nhưng đến nay vẫn chưa được đưa ra xét xử.
Phía bị đơn liên tục khiếu nại thì được Chánh án TAND Q.Gò Vấp cho biết quá trình giải quyết, tòa nhận được văn bản ngày 30/11/2020 của Viện KSND tối cao yêu cầu chuyển hồ sơ vụ án để xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Vì vậy, ngày 10/12/2020, TAND Q.Gò Vấp đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án trên và cho đến nay, TAND Q.Gò Vấp chưa nhận được kết quả giải quyết vụ án của Viện KSND tối cao cũng như hồ sơ hoàn trở lại cho tòa nên TAND Q.Gò Vấp chưa thể tiến hành thủ tục tố tụng theo quy định.
Từ những thông tin trên, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn, LS Trương Anh Tú cho rằng, sự chậm trễ trong quá trình thực hiện chức năng kiểm sát đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình giải quyết vụ án, gây thiệt hại nghiêm trọng cho đương sự. Căn cứ mà LS này đưa ra là Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Theo đó, đến nay vụ án đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử (đối với vụ án phức tạp, có trở ngại khách quan thì không quá 6 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án – PV), vì vậy, phía bị đơn đề nghị Vụ 9, Viện KSND tối cao nhanh chóng hoàn tất hoạt động kiểm sát đối với vụ án, để chuyển hồ sơ vụ án cho TAND Q.Gò Vấp, nhằm đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được kịp thời, đúng pháp luật.
‘Giặc trà’ miền biên giới
Thanh Niên – Tung tin mua gỗ trà bề mặt trên 50 cm, đào gốc đổ muối cho trà chết, ra giá cao để dân đốn trà hái nhanh kiếm tiền, khiến cây lụi tàn dần, gần đây mang cả băng rôn sang giăng dưới gốc cây trà Việt để nhận của mình…
Nhiều năm qua, cây trà cổ thụ Việt nhiều lần đối mặt cạnh tranh bẩn cùng đủ thủ đoạn triệt hạ nhau của “giặc trà” từ bên kia biên giới.
Những ông thầy dùi
Hà Giang có diện tích trà cổ thụ lớn nhất nước (khoảng 25.000 ha), nằm vùng núi giáp biên Trung Quốc (TQ), trải dài từ Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ xuống các huyện Vị Xuyên, Hoàng Su Phì… Trong đó, các xã Nậm Ty, Túng Sán (H.Hoàng Su Phì) có những cây trà đại thụ thân to hai đến ba người ôm, cao trên 30 m, rêu phong phủ kín, nguyên dấu hoang sơ.
Là địa bàn miền biên, giao thương tiểu ngạch khá thuận tiện nên trà nguyên liệu từ cây cổ thụ bao năm qua đa phần tập trung xuất qua biên giới. Những người làm trà bên kia biên giới cũng tìm sang Việt Nam, thuê xưởng, hoặc kết hợp nông dân Việt Nam sản xuất trà tại các vùng như Thượng Sơn, Phương Tiến, Thanh Thủy… sau đó chuyển sản phẩm về theo đường tiểu ngạch, hoặc ăn chia với người cho thuê xưởng bán lại ở thị trường Việt Nam.
Những thương lái sang Việt Nam thuê xưởng, điểm chung dễ nhận là các công đoạn kỹ thuật chỉ dừng ở mức sơ chế, trà khi ra thành phẩm, có chất lượng dưới mức phổ thông của một phẩm trà quý hái từ cây cổ thụ. Nếu là trà phơi (trà vàng), cách làm héo khá ẩu, thậm chí không làm héo, thu mua là cho vào quay tôn ngay rồi đem vò, phơi khô nhanh trực tiếp chừng một – hai nắng là hoàn thiện. Hồng trà cũng không khá hơn khi loanh quanh với vị chua, mùi cháy… toàn những đại kỵ trong nghề sản xuất trà chất lượng.
Những người làm trà kinh nghiệm về dòng shan tuyết cổ thụ hoặc sản xuất trà công nghiệp (trà trồng vùng trung du) lâu năm cho hay, đây là “chiêu” của thợ trà từ bên kia biên giới. Phan Trọng Nhất, doanh nghiệp khai thác vùng nguyên liệu trà cổ thụ Điện Biên từ 2009, cho biết: “Khách mua chỉ người TQ, có năm họ sang thuê xưởng theo thời vụ (thường là vụ xuân vì trà mùa đấy dễ làm – PV). Họ sang Việt Nam làm và không triển hết kỹ thuật vì sợ thợ trà Việt Nam học kinh nghiệm”.
Mỗi vụ trà, thợ lại chỉ dạy khác nhau, khiến người làm trà Việt cứ luẩn quẩn trong mê cung chạy theo thị trường, đáp ứng nhu cầu ông thầy đểu mà không tìm ra thế mạnh vùng nguyên liệu để phát huy thành bản sắc riêng.
Còn các thợ trà sang đánh thuê, nguyên liệu ngon chỉ cần sơ chế, vừa dễ vận chuyển, vừa để người Việt khi pha uống thấy trà mình chẳng có gì hay, lại là cơ hội cho thương lái ép giá nguyên liệu, gom với giá rẻ. Về bên kia biên giới, họ sẽ xử lý và nâng thành cực phẩm, bởi ở đó, chỉ cần nghe trà hái từ vùng nguyên liệu trên 100 năm tuổi, giá đã ở mức trên trời. Thí dụ, trà cổ thụ mua từ VN, nhất là dòng trà phơi, ở mức 70.000 – 350.000 đồng/kg khi đã qua sơ chế, thậm chí là thành phẩm, nhưng cùng loại cây cổ thụ, giá ở thị trường TQ nhẹ phải trên 20 triệu đồng mà không dễ mua được đúng nguồn.
Chiếm cây – chiêu mới của “giặc trà”
Từng đi qua những vùng trà cổ thụ của TQ, Thái Lan, Lào…, người viết khẳng định Việt Nam đang sở hữu những cây trà đại thụ cao to nhất thế giới. Nói về cách tính tuổi cây, không khó gặp trên các trang mạng xã hội, trà cổ thụ vùng Vân Nam (TQ) thân to một người ôm, đã được xác nhận hơn ngàn năm tuổi, trong khi những cây một người ôm ở Việt Nam nhiều không đếm xuể.
Trong lần trò chuyện cùng những thợ trà từ TQ sang Việt Nam thuê xưởng sản xuất, hai cha con Hoàng Khôn (quê trấn Hưng Nhai bên kia biên giới) cho biết: “Hà Giang có nhiều trà cổ thụ, thu hái dễ dàng, dễ gom nguyên liệu nên năm nào tôi và cháu nhà cũng sang thuê xưởng. Đặc điểm trà Hà Giang hậu ngọt tốt nên tôi chuyên làm hồng trà. Vùng tôi làm bên nhà không được cây trà to như ở Việt Nam”.
Việc thuê xưởng, hợp tác sản xuất, dù có giấu nghề, kể ra còn có tính hợp tác. Một bài khác “giặc trà” ưa dùng là ép giá. Trà cổ thụ chế biến dễ nhất là trà phơi. Khi trà vào vụ, chỉ việc hái về, quay tôn, vò rồi phơi khô, hoặc chỉ cần phơi héo, vò chân rồi phơi khô, thương lái TQ sẽ cho đội ngũ chân rết khắp các vùng có cây trà cổ thụ, thu mua với giá rẻ mạt. Một cân trà khô năm 2021 của Hoàng Su Phì, vùng giáp biên, giá 120.000 đồng/kg khô, vùng trà càng hẻo lánh, giá bị đè xuống chỉ còn 70.000 đồng/kg khô. Trong khi cũng ở Hoàng Su Phì, trà cổ thụ bình quân ở các xưởng sản xuất có khoanh vùng nguyên liệu, có chỉ dẫn địa lý, hợp tác xã… giá đã 30.000 – 50.000 đồng/kg tươi. Trong sản xuất, 4 – 5 kg trà tươi mới được 1 kg trà khô. Đủ thấy giá trà bị thương lái bóp cổ đến mức nào.
Cuối năm 2021 do dịch Covid-19 nên việc lái trà tràn sang mua bán phá giá không còn, thay vào đó, giặc trà nảy ra chiêu mới: sử dụng biểu ngữ, băng rôn, tìm các vùng trà giáp biên có cây to nhất, căng biểu ngữ, chụp hình toàn bằng tiếng Trung. Vùng trà Thượng Sơn, Túng Sán của Hà Giang bị tình trạng này. Những thân trà to hơn hai người ôm, trừ trong rừng nguyên sinh, còn ở các vùng gắn với bản làng, kích cỡ cây như thế là rất lớn và hiếm gặp. Gặp cây trà đại thụ, bản thân các nhà sản xuất trà ở Việt Nam khá ngại cung cấp thông tin, hình ảnh, vì sợ nhiều người tìm đến gây ảnh hưởng, nhiễu vùng nguyên liệu, vậy mà giặc trà từ bên kia biên giới đem băng rôn sang, chụp hình, như một khẳng định vùng trà đó là của họ để bán sản phẩm giá tốt.
Chiêu trò căng biển báo xác nhận vùng nguyên liệu, chụp các cây trà gốc lớn chỉ mới nhen nhóm, nhưng nhiều nguy hại bởi giặc trà mua nguyên liệu đã rẻ, giờ đến cây không phải của mình, không tốn công chăm bón, nhưng danh tiếng, thương hiệu, và cả sản phẩm chất lượng, họ ăn đủ. Một chiêu trò mới, cần được báo động để cư dân biên giới đề phòng trước nạn “giặc trà” vùng biên.