Tin Tổng Hợp – 13/8/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 13/8/21

Nguồn gốc Covid: Bắc Kinh phản đối WHO mở điều tra mới tại Trung Quốc

Theo AFP, ngày 13/08/2021, Trung Quốc đã bác bỏ đề nghị của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) mở cuộc điều tra mới tại nước này để tìm kiếm nguồn gốc đại dịch Covid-19, trong khi đó một chuyên gia của tổ chức nêu giả thuyết “bệnh nhân số 0” là một nhân viên phòng thí nghiệm Vũ Hán. 

Hôm qua (12/08), Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã kêu gọi các nước, chủ yếu là Trung Quốc, công bố  « mọi dữ liệu về virus » để mở điều tra sâu hơn về nguồn gốc virus, trong đó có giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm. Hôm nay, Bắc Kinh nhắc lại lập trường của họ từ nhiều tháng qua rằng « cuộc điều tra chung hồi đầu năm nay là đủ và đòi hỏi Trung Quốc cung cấp thêm dữ liệu là có ẩn ý chính trị ».

Ảnh minh họa: Lối vào Viện Virus Học Vũ Hán được canh giữ nghiêm ngặt trong thời gian chuyến thăm của phái đoàn điều tra của Tổ Chức Y Tế Thế Giới ngày 03/02/2021.
Ảnh minh họa: Lối vào Viện Virus Học Vũ Hán được canh giữ nghiêm ngặt trong thời gian chuyến thăm của phái đoàn điều tra của Tổ Chức Y Tế Thế Giới ngày 03/02/2021. AP – Ng Han Guan

Tại cuộc họp báo trực tuyến, thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc tuyên bố : «  Chúng tôi phản đối việc chính trị hóa việc nghiên cứu nguồn gốc virus và phản đối việc hủy bỏ báo cáo chung » giữa Trung Quốc với WHO. Quan chức ngoại giao Trung Quốc cũng bác bỏ đề nghị của Tổ Chức Y Tế Thế Giới mở một cuộc điều tra mới sâu rộng hơn. 

Hồi tháng Giêng năm nay, Trung Quốc đã phải chấp nhận cho một nhóm chuyên gia quốc tế của WHO đến Vũ Hán điều tra. Bản báo cáo của các chuyên gia, được soạn thảo chung với các đồng nghiệp Trung Quốc, đã không đưa ra được kết luận cuối cùng về nguồn gốc virus.  Theo ông Peter Embarek, trưởng đoàn điều tra quốc tế của WHO tại Vũ Hán đầu năm nay, vào lúc đó giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm của thành phố Trung Quốc, nơi phát hiện những ca Covid-19 đầu tiên từ cuối năm 2019, rất ít được chú ý.

Trong một phim tài liệu mang tiêu đề «  Bí mật của virus – Một người Đan Mạch đi tìm sự thật ở Trung Quốc » phát trên truyền hình Đan Mạch ngày hôm qua 12/08, nguyên trưởng đoàn điều tra quốc tế của WHO tại Vũ Hán lần đầu tiên đưa ra các chỉ trích khá gay gắt nhắm vào chính quyền Bắc Kinh. Vị chuyên gia này cho rằng khả năng một nhân viên phòng thí nghiệm Vũ Hán nhiễm virus khi lấy mẫu từ loài dơi tại hiện trường là có thể xảy ra. Theo ông, nhóm điều tra của ông đã rất khó có thể thảo luận với các nhà khoa học Trung Quốc về giả thuyết  virus thoát ra từ phòng thí nghiệm.

Đoàn chuyên gia của WHO đã được phép thăm 2 phòng thí nghiệm có nghiên cứu trên loài dơi. Tại những nơi này, các chuyên gia quốc tế được nghe giới thiệu, được đặt câu hỏi, nhưng không hề được tham khảo bất kỳ tài liệu nào. Ông cho biết  thêm là trong vùng Vũ Hán không hề có dơi sống hoang dã. Những người tiếp cận được những con dơi bị nghi mang virus SARS-CoV-2 chỉ có thể là những nhân viên phòng thí nghiệm của thành phố.  

Trận đại dịch Covid-19, xuất phát từ Trung Quốc, cho đến nay đã khiến hơn 4 triệu người trên thế giới thiệt mạng. Hơn một năm qua, nguồn gốc của virus gây ra đại dịch này vẫn là một bí ẩn.  

Anh Vũ

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20210813-bac-kinh-phan-doi-who-mo-dieu-tra-moi-ve-covid-o-tq

Philippines – Liên Âu khẳng định tầm quan trọng của tự do lưu thông ở Biển Đông

Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trong phạm vi đường 9 đoạn  (còn gọi là "đường lưỡi bò") tại Biển Đông bị Tòa Trọng Tài Thường Trực tại La Haye bác bỏ trong phán quyết năm 2016 về vụ kiện của Philippines.
Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trong phạm vi đường 9 đoạn (còn gọi là “đường lưỡi bò”) tại Biển Đông bị Tòa Trọng Tài Thường Trực tại La Haye bác bỏ trong phán quyết năm 2016 về vụ kiện của Philippines. UNCLOS/CIA

Theo trang tin ABS-CBN, ngày 12/08/2021, trong cuộc họp trực tuyến với đại diện Liên Hiệp Châu Âu (EU) tại Philippines, Manila một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do lưu thông hàng hải và hàng không ở các khu vực có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, cho rằng các bất đồng phải được giải quyết bằng luật pháp quốc tế. 

Hiện Philippines đóng vai trò điều phối viên các quan hệ ASEAN – EU. Cuộc họp trực tuyến do phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu tại Philippines tổ chức.

Thứ trưởng ngoại giao Philippines Maria Theresa Lazaro phụ trách các vấn đề ASEAN cho biết Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên Hiệp Châu Âu tiếp tục bảo vệ việc tôn trọng luật pháp quốc tế và khẳng định lại tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình trong các vùng biển có tranh chấp.

Tại cuộc họp, hai bên đã thảo luận về quan điểm đối với các vấn đề tự do hàng hải và hàng không trong vùng Biển Đông và những vấn đề liên quan đến cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Bà Lazaro cũng tỏ hy vọng sẽ sớm hoàn tất được Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông (COC), phù hợp với luật pháp quốc tế, để làm cơ sở duy trì hòa bình và phát triển khu vực trong tương lai. 

Trang tin của kênh truyền hình Philippines nhắc lại : Bắc Kinh vẫn duy trì sự hiện diện thường xuyên của lực lượng hải cảnh và các tầu cá để khẳng định chủ quyền của họ trên tuyến đường hàng hải quốc tế, bên trong vùng Biển Tây Philippines (tên Manila gọi Biển Đông), vùng đặc quyền kinh tế của nước này, cũng như tại các vùng biển tranh chấp chủ quyền với các nước và vùng lãnh thổ như Brunei, Việt Nam, Đài Loan hay Malaysia tại Biển Đông.  

Liên quan đến cuộc chiến chống Covid, đại diện Philippines tỏ hy vọng EU sẽ tiếp tục giúp đỡ các nước ASEAN, đặc biệt trong việc chia sẻ vac-xin.  

Về phần mình, đại sứ EU tại Philippines, Luc Veron, khẳng định Liên Hiệp Châu Âu luôn duy trì và phát triển các cam kết thương mại và an ninh đối với khu vực Đông Nam Á.  

Anh Vũ

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210813-eu-v%C3%A0-philippines-khang-dinh-tu-do-hang-hai-o-bien-dong

Nhật chạy đua tiêm chủng vào lúc virus corona tăng mạnh

Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga.
Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga.

AP – Thế vận hội Tokyo chấm dứt, nhưng các ca virus vẫn gia tăng giữa lúc có những lời kêu gọi hạn chế các cuộc tụ tập.

Vào ngày 13/8, Tokyo báo cáo 5.773 ca mới, vượt quá 5.042 ca kỷ lục vào tuần trước. Tuy nhiên nhiều người vẫn bất chấp yêu cầu của chính phủ tránh đi lại và vẫn tụ tập tại các quán rượu và tiệm ăn giữa lúc virus corona tăng mạnh.

Thủ tướng Yoshihide Suga hy vọng tiêm chủng sẽ làm chậm lại đà lây nhiễm. Đây là cuộc chạy đua giữa biến thể Delta của virus lây nhiễm nhanh và tỉ lệ tiêm chủng đang tiến bộ tốt hơn dự kiến.

Các ca virus corona hàng ngày tại Nhật đã lên đến mức 10.000 ca trong hơn một tuần, các bệnh viện đầy bệnh nhân, và hàng ngàn người bị lây nhiễm đang tự cách ly tại nhà. Khoảng 36% dân số Nhật đã được tiêm chủng đầy đủ.

https://www.voatiengviet.com/a/nhat-chay-dua-tiem-chung-vao-luc-virus-corona-tang-manh/6002143.html

Thư chung gửi Phó Tổng Thống Hoa Kỳ kêu gọi tự do cho tù nhân lương tâm Việt Nam

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris ngày 10/8/2021.
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris ngày 10/8/2021.

Hôm 12/8, hàng chục nhân sĩ và các tổ chức nhân quyền Hoa Kỳ và quốc tế kêu gọi Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Kamala Harris nêu vấn đề trả tự do cho tù nhân lương tâm trong các cuộc tiếp xúc với giới lãnh đạo Việt Nam khi bà viếng thăm quốc gia này vào cuối tháng 8.

Bức thư có đoạn: “Chúng tôi thành kính yêu cầu bà nêu lên trường hợp của ông Nguyễn Bắc Truyển và kêu gọi việc trả tự do cho ông ấy, và việc trả tự do cho tất cả những người đang bị cầm tù hoặc bị giam giữ vì thực hành các quyền dân sự và chính trị căn bản, tại các buổi họp với giới lãnh đạo Việt Nam, theo đúng với cam kết của chính quyền Biden – Harris là thúc đẩy nhân quyền trong chính sách đối ngoại.”

Theo thông cáo báo chí của tổ chức BPSOS, một tổ chức ký tên trong thư, ông Nguyễn Bắc Truyển được nêu lên như một hồ sơ nổi bật, điển hình cho tình trạng đàn áp nhân quyền và vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Ông Truyển được Uỷ hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, nữ Dân biểu Hoa Kỳ Zoe Lofgren, và nữ Dân biểu Đức Gyde Jensen bảo trợ. Tháng 8/2020, 65 vị đương kim và cựu nghị sĩ ở 28 quốc gia cùng lên tiếng yêu cầu Việt Nam trả tự do cho ông Truyển.

Phần đầu bức thư ngày 12/8/2021. Photo dvov.org.
Phần đầu bức thư ngày 12/8/2021. Photo dvov.org.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, cho biết trong một thông cáo: “Ông Nguyễn Bắc Truyển là trường hợp tiêu biểu và nổi bật trong con mắt quốc tế.”

Bà Bùi Thị Kim Phượng, vợ của ông Nguyễn Bắc Truyển, người ký tên trong bức thư này, nói với VOA:

“Tôi mong muốn bà Phó Tổng thống nêu thẳng vấn đề với chính phủ Việt Nam để trả tự do cho tất cả cả tù nhân lương tâm, trong đó có chồng tôi, vì họ không đáng bị đi tù, họ bị án oan.”

“Chính phủ Việt Nam vi phạm nhân quyền một cách rất trầm trọng,” bà Phượng nói. “Hiện nay, các gia đình rất lo lắng cho các vị trong tù vì nếu có dịch bệnh thì sẽ không biết phải đối phó bằng cách nào. Bên ngoài đã khó khăn, còn trong tù thì hạn chế nhiều thứ”.

“Các tổ chức nhân quyền ước tính rằng có hơn 200 tù nhân lương tâm tại quốc gia này, bao gồm số lượng ngày càng tăng các cá nhân bị giam giữ liên quan đến thực hiện quyền tự do ngôn luận của họ trên mạng và đặc biệt là trên Facebook. Nhà chức trách Việt Nam tiếp tục trấn áp các quyền tự do ngôn luận, lập hội, và tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, vi phạm nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị,” bức thư gửi Phó Tổng thống Harris có đoạn.

Trong số nhân sĩ ký tên, có hai cựu chủ tịch và một cựu phó chủ tịch Uỷ hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc Tế, cựu phó thủ tướng Cộng Hoà Slovak, cựu Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về tự do tôn giáo quốc tế.

Các tổ chức như CSW, Freedom House, Human Rights Watch, International Christian Concern, Jubilee Campaign, VETO! Human Rights Defenders’ Network… đã ký vào bức thư chung này.

Tương tự, hai tổ chức Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và Người Bảo vệ Nhân quyền cũng đã gửi thư ngỏ chung đề nghị Phó Tổng thống Harris nêu các vấn đề vi phạm nhân quyền trong cuộc gặp với các quan chức Chính phủ Việt Nam.

Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay bác bỏ việc giam giữ tù nhân lương tâm, nói rằng chỉ giam giữ những người “vi phạm pháp luật.”

Ngoài ra, Hà Nội cho rằng các quyền con người, bao gồm các quyền tự do phát biểu, hội họp và lập hội, cũng như quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng của người luôn được đảm bảo.

https://www.voatiengviet.com/a/thu-chung-gui-ptt-hk-keu-goi-tu-do-cho-tu-nhan-luong-tam-vietnam/6001451.html

(AFP) – Dân số Hồng Kông giảm 1,2% nguyên nhân chính là chạy ra nước ngoài để tránh đàn áp. Đây là số liệu được thành phố công bố hôm qua, 12/08/2021. 1,2% là mức giảm tính theo năm cao nhất kể từ năm 1961, khi Hồng Kông bắt đầu chính thức thống kê dân số. Số người rời khỏi thành phố nhiều hơn 87.000 so với số người đến Hồng Kông. Trong thời gian qua, để tránh sự đàn áp của chính quyền, ngày càng có nhiều người rời Hồng Kông, đa phần sang Anh Quốc. Chỉ trong tháng 07/2021, trung bình mỗi ngày có 1.500 người xuất cảnh, bất chấp dịch bệnh, so với con số 800 thường nhật trong quý 1/2021.

(Reuters) – Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của Đài Loan trong quan hệ Mỹ-Trung. Theo Tân Hoa Xã ngày 13/08/2021, tân đại sứ Trung Quốc ở Hoa Kỳ, ông Tần Cương (Qin Gang), đã có buổi trao đổi « sâu sắc và rất thẳng thắn » với thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Wendy Sherman về mối quan hệ được cả hai bên đánh giá là « rất quan trọng ». Tuy nhiên, Bắc Kinh phẫn nộ về việc Washington gia tăng ủng hộ Đài Bắc, kể cả việc bán vũ khí và tặng vac-xin ngừa Covid-19.

(AFP) – Lần đầu tiên số người da trắng giảm ở Hoa Kỳ kể từ năm 1790. Theo kết quả thống kê dân số năm 2020 được Phòng Thống kê Dân số Hoa Kỳ (Census Bureau) công bố ngày 12/08/2021, số người được coi là « da trắng » đã giảm 8,6% từ 2010 đến 2020. Cụ thể là hiện có 204 triệu người da trắng, chiếm 61,6% dân số Mỹ, thay vì chiếm 72,4% một thập niên trước. Kết quả này cho thấy dân số Hoa Kỳ đã đa dạng hơn, gồm nhiều tộc người hơn so với trước đây, dù « người da trắng vẫn là nhóm người hoặc tộc người đông nhất ở Mỹ ».

(Yonhap) – Phó chủ tịch tập đoàn Samsung được trả tự do có điều kiện. Ngay khi ra khỏi nhà giam ở phía nam Seoul ngày 13/08/2021, ông Lee Jae Yong đã xin lỗi vì « gây ra những bận tâm lớn, những chỉ trích ». Giải thích về quyết định ngày 09/08 của bộ Tư Pháp, tổng thống Moon Jae In đề nghị người dân thông cảm, vì « đây là một lựa chọn vì lợi ích quốc gia » trong bối cảnh Hàn Quốc chuẩn bị kỉ niệm Ngày Giải phóng 15/08 với truyền thống ân xá tù nhân. Phó chủ tịch tập đoàn Samsung, được cho sẽ trở thành người thừa kế đại công ty này, bị bắt vì những tai tiếng tham nhũng liên quan đến cựu tổng thống Park Gueun Hye.

(AFP) – Nga bắt nhà khoa học đầu ngành siêu thanh vì tội phản bội tổ quốc. Hãng tin Pháp ngày hôm 12/08/2021 cho hay, ông Alexander Kuranov, 73 tuổi, là công trình sư trưởng của công ty nghiên cứu các hệ thống siêu thanh, bị bắt tạm giam 2 tháng để điều tra. Ông là nhà khoa học thứ hai của Nga bị bắt vì tội phản bội tổ quốc, sau khi bị cáo buộc đã chia sẻ thông tin mật mới một quốc gia thành viên NATO. Cơ quan tình báo Nga FSB tố cáo nhà khoa học đã chuyển các dữ liệu mật liên quan đến việc phát triển công nghệ hàng không mới cho tình báo phương Tây. Hồi tháng 4/2020, giáo sư Valery Golubkin, 69 tuổi, giảng dạy tại Học Viện Vật Lý và Công Nghệ Matxcơva, cũng đã bị bắt với cáo buộc làm gián điệp cho NATO.  

(AFP) – Phần mềm nghe lén Pegasus : Kêu gọi ngừng bán thiết bị công nghệ theo dõi. Nhiều chuyên gia LHQ ngày 12/08/2021 đề nghị phải có quyết định quốc tế tạm ngừng việc bán các công nghệ giám sát, để chờ có một khung pháp lý bảo đảm các vấn đề nhân quyền, sau khi xảy ra vụ bê bối nghe lén bằng phần mềm Pegasus, do công ty NSO của Israel cung cấp bị phát giác hồi tháng qua.  Vụ việc đã làm chấn động giới truyền thông với con số 50 nghìn số điện thoại bị theo dõi bằng Pegasus. Giới chuyên gia của Liên Hiệp Quốc đã ra thông cáo lên án các hành vi nghe lén theo dõi cá nhân, đồng thời yêu cầu Liên Hiệp Quốc ra lệnh ngừng bán các thiết bị theo dõi như kiểu phần mềm Pegasus.  

(RFI) – Cha của Britney Spears từ bỏ quyền giám hộ con gái. Đây thực sự là một cái kết cho trận chiến pháp lý kéo dài nhiều năm qua ở Hoa Kỳ và có thể nữ ca sĩ Britney Spears sẽ tìm lại được tự do. Hôm qua, 12/08/2021, cha của cô ca sĩ lắm tài nhiều tật và có tài sản lên tới 60 triệu đô la, đã cho biết ông từ bỏ quyền giám hộ con gái. Đây có thể coi là một diễn biến bất ngờ vì tuần trước, ông Jamie Spears vẫn khẳng định ông không từ bỏ cái quyền mà ông đảm nhiệm từ 13 năm qua với con gái. Britney Spears trước đó cho biết cô sẽ không trở lại sân khấu chừng nào cha cô còn giữ quyền kiểm soát tài chính và cuộc sống của cô. Hai cha con cô đã phải nhiều lần đưa nhau ra tòa, lần gần nhất là hồi đầu tháng trước.  

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210813-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p