Tập Cận Bình đi “tránh gió” thời nhạy cảm chuẩn bị tình huống xấu nhất?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tập Cận Bình đi “tránh gió” thời nhạy cảm chuẩn bị tình huống xấu nhất?

Sau bùng phát dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đến nay, một mặt chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bị cộng đồng quốc tế truy cứu trách nhiệm đòi bồi thường vì đã che giấu dịch bệnh, mặt khác là tình hình đấu đá nội bộ ĐCSTQ gay gắt hơn, nguy cơ kinh tế khiến những tiếng nói trong dân chúng chống nhà cầm quyền toàn trị leo thang khắp nơi. Trong thời khắc này, sau hoạt động của ông Tập Cận Bình tại khu núi Tần Lĩnh tỉnh Thiểm Tây được cho là nhằm bái “long mạch”, ngày 11/5 ông Tập lại đến hang đá Vân Cương ở thành phố Đại Đồng tỉnh Sơn Tây, động thái gợi nhiều suy đoán trong giới quan sát bình luận.

Tập Cận Bình
Ngày 11/5, ông Tập Cận Bình bất ngờ đến hang đá Vân Cương ở Đại Đồng tỉnh Sơn Tây (Ảnh: Weibo Tân Hoa Xã).

Theo truyền thông Đại Lục, vào chiều tối ngày 11/5, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã đến thăm hang đá Vân Cương ở chân phía nam của núi Vũ Châu thuộc thành phố Đại Đồng tỉnh Sơn Tây. Ông Tập bước vào hang động đặc sắc tiêu biểu này của Trung Quốc và xem kỹ các tác phẩm điêu khắc cùng tranh tường, hỏi chi tiết về lịch sử, phong cách nghệ thuật và tình hình bảo vệ di tích, đặc biệt còn giao lưu và vẫy tay với “khách viếng thăm”.

Màn hình camera quan sát cho thấy vừa lúc đoàn người của ông Tập Cận Bình đi đến thì “không hẹn mà gặp” từ bên trong có một đoàn người đi ra, mọi người hướng về ông Tập nhiệt liệt vẫy tay chào hỏi. Màn nghênh đón khiến nét mặt ông Tập tỏ rõ vui mừng.

Tập Cận Bình
Ngày 11/5, ông Tập Cận Bình bất ngờ đến hang đá Vân Cương ở Đại Đồng tỉnh Sơn Tây (Nguồn: ảnh chụp màn hình video).

Có quan điểm cho rằng mỗi khi đến thời điểm nhạy cảm tiềm ẩn nguy cơ hiểm họa chính trị thì dường như ông Tập Cận Bình lại thực hiện chuyến công du “tránh gió”.

Mùa hè năm ngoái, thời điểm trước và sau hội nghị Bắc Đới Hà, sau hơn 10 ngày “ẩn thân” vào đầu tháng Tám, ông Tập đã lần đầu xuất hiện thị sát tại hang động Mạc Cao ở Cam Túc (thường được gọi là “động ngàn Phật”) và nhấn mạnh việc lưu giữ tiếng nói của lịch sử thông qua bảo tồn chu đáo văn vật.

Thời điểm đó là lúc chiến dịch biểu tình chống Dự luật Dẫn độ của Hồng Kông đang diễn ra gay gắt và triển vọng khó lường của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, mâu thuẫn nội bộ giữa các phe phái của ĐCSTQ dồn nén từ lâu như bước vào đỉnh điểm. Bối cảnh khiến hoạt động “bái Phật” hiếm hoi của ông Tập Cận Bình gây nhiều suy đoán.

Thời gian này năm nay tình hình thậm chí còn nhạy cảm hơn, “lưỡng hội” (Hội nghị Chính hiệp và Hội nghị Đại biểu Nhân dân) của ĐCSTQ sẽ được tổ chức vào cuối tháng này. Hội nghị này xưa nay thường là sự kiện có nhiều biến động trong quan trường Trung Quốc, vấn đề duy trì ổn định thường được tăng cường cao nhất. Hiện tại, nguy cơ về tình hình dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán tại Trung Quốc còn xa mới xem là kết thúc, còn bầu không khí chính trị thậm chí còn ở tình trạng nhạy cảm hơn vì tình cảnh khốn đốn nghiêm trọng cả trong và ngoài Trung Quốc.

Dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Trung Quốc trong quý đầu tiên, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, thiết lập mức thấp mới kể từ khi Trung Quốc công bố dữ liệu GDP. Đồng thời, sự lây lan của dịch bệnh trên khắp thế giới cũng khiến ĐCSTQ rơi vào tình thế khốn đốn về đối ngoại chưa từng thấy. Các nước phương Tây đang tích cực theo đuổi truy cứu trách nhiệm và yêu cầu bồi thường do việc ĐCSTQ che giấu dịch bệnh khi khởi phát. Ngay cả các nước châu Phi mà lâu nay được ĐCSTQ “rải tiền” cũng đã tham gia yêu sách đòi bồi thường.

Trong một cuộc phỏng vấn truyền thông, giáo sư Minh Cư Chính (Ming Chu-cheng) của Khoa Khoa học Chính trị tại Đại học Đài Loan cho biết: Về các báo cáo dịch bệnh, người ta ước tính rằng ĐCSTQ sẽ tiếp tục đổ lỗi cho nước ngoài. Đối với dịch bệnh nghiêm trọng hiện nay trên thế giới, các nước trên thế giới thay nhau kêu gọi truy cứu trách nhiệm ĐCSTQ và yêu cầu bồi thường vì che giấu dịch bệnh. Ông phân tích rằng: để xem quyết tâm của các nước như thế nào, tình hình sẽ rất nghiêm trọng nếu họ thực sự đưa ra tòa án quốc tế, hủy nợ công, tẩy chay Trung Quốc; còn lá bài hiện nay trong tay Bắc Kinh là còn nhiều dây chuyền sản xuất và nguyên liệu thô nằm tại Trung Quốc.

Ngoài ra chính sách Vành đai và Con đường của ĐCSTQ vốn đã gây cảnh giác; nhưng năm nay cũng bị khắp nơi chất vấn.

Đồng thời, nhiều thư công khai và tin đồn thật giả khó lường liên quan đến tình hình chính trị nội bộ của Trung Quốc thường xuyên xuất hiện trên internet.

Bài viết của ông trùm bất động sản Nhậm Chí Cường chỉ trích cách xử lý dịch bệnh của ông Tập Cận Bình đã được lan truyền rộng rãi từ hồi tháng Ba, sau đó trong một thời gian ông Nhậm Chí Cường bị mất tích. Cuối cùng vào ngày 7/4, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật quận Tây Thành – Bắc Kinh đã chính thức thông báo công luận về việc Nhậm Chí Cường bị bắt giữ vì “vi phạm nghiêm trọng luật pháp và kỷ luật.”

Nhiều nhà quan sát cho rằng tín hiệu rõ ràng trong việc ông “thái tử Đảng” Nhậm Chí Cường bị thanh trừng vì dám lên án ông Tập Cận Bình là: Chính quyền sẽ không tha thứ cho bất kỳ hành vi nào thách thức uy quyền của ông Tập.

Sau tai nạn của ông Nhậm Chí Cường, cộng đồng mạng internet Trung Quốc còn chia sẻ nhiều lá thư liên quan đến ông Tập như: “Thư truy cứu Tập Cận Bình” do “thái tử Đảng” Trần Bình (chủ tịch SunTV) lần đầu chia sẻ chuyển tiếp, thư được cho là mạo danh em trai Tập Viễn Bình của ông Tập, thậm chí còn có thư mượn danh nghĩa của con gái ông là cô Tập Minh Trạch, cũng có một bức thư quan trọng lên án ông Tập Cận Bình của ông Đặng Phác Phương – con trai cả cố lãnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình… Những lá thư được mọi người sôi nổi bàn luận không biết là thật hay giả, ai đứng sau?

Trong cộng đồng trí thức Trung Quốc, sau các bài phát biểu của các học giả như Hứa Chương Nhuận và Hứa Chí Vĩnh, gần đây lại xuất hiện một bức thư mà tác giả công khai danh tính thực sự, đó là bức thư của Trương Tuyết Trung (Zhang Xuezhong) – một học giả luật tại Thượng Hải và cựu luật sư, đã nhiều lần kêu gọi xây dựng nền chính trị dân chủ. Nhưng ngay sau ngày công bố bức thư, hôm thứ Hai (11/5) ông đã bị cảnh sát Thượng Hải bắt đi, đến nay được biết ông đã được cho trở về nhà.

Một bài viết trên RFI của Pháp đã chỉ ra rằng thời điểm trước “lưỡng hội”, ĐCSTQ tràn ngập thư từ mạo danh cả lên án lẫn ca tụng ông Tập Cận Bình, cho thấy cảnh đấu đá hai phe trong ĐCSTQ rất gay gắt. Học giả Trương Tuyết Trung trú tại Thượng Hải đã bị bắt giữ ngay lập tức sau công khai bức thư, điều đó cho thấy tinh thần và nỗ lực đấu tranh không mệt mỏi cho sự chuyển đổi dân chủ của người dân bị thể chế toàn trị ĐCSTQ bài trừ và đàn áp, trong đó học giả trẻ (44 tuổi) ông Trương Tuyết Trung là một trong những người tiêu biểu.

Học giả chính trị Vương Thiên Thành (Wang Tiancheng) sống lưu vong tại Mỹ cho biết, tin rằng lời kêu gọi của ông Trương Tuyết Trung sẽ được hồi đáp, giống như vào năm 2011 Mubarak ở Ai Cập không ngờ bị lật đổ, Ben Ali ở Tunisia không ngờ có Mùa xuân Ả Rập, và sự sụp đổ của Liên Xô cũ khiến phương Tây sững sờ. Những chế độ độc tài thường sụp đổ đầy khó ngờ như vậy và Trung Quốc cũng không ngoại lệ.

Đối với kế hoạch của nhiều nước yêu cầu ĐCSTQ bồi thường và mở một cuộc điều tra độc lập, nhà bình luận nổi tiếng Trình Tường (Cheng Xiang) trả lời VisionTimes rằng, chuyện đòi ĐCSTQ bồi thường có thể không thành công, nhưng ý nghĩa của yêu sách là thế giới đã thức tỉnh và mô hình ĐCSTQ là nguyên nhân sâu xa của thảm họa.

Hồi tháng trước, ông Tập Cận Bình đã đến thăm dãy núi Tần Lĩnh ở Thiểm Tây, vì vùng này được mệnh danh là “long mạch” nên nhiều nhà phân tích cho rằng có liên quan đến những lo lắng của ông Tập về cuộc khủng hoảng chính trị.

  • MỜI NGHE PODCAST: Trong nguy hiểm cận kề, Tập Cận Bình vội về thăm long mạch

Theo nhà bình luận Trình Tường, nhìn bề ngoài thì ông Tập đến để kiểm tra bảo vệ sinh thái, nhưng thực tế Tần Lĩnh là một căn cứ quan trọng thứ ba của công nghiệp quân sự ĐCSTQ, tin rằng mục đích quan trọng hơn trong chuyến đi của ông Tập là kiểm tra dự án quân sự: “Rất có thể Bắc Kinh đang chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất.” Ông nhấn mạnh rằng tại cuộc họp của Bộ Chính trị ĐCSTQ vào ngày 8/4, ông Tập Cận Bình đã đề cập vấn đề chuẩn bị ứng phó với môi trường bên ngoài không như mong đợi kéo dài. Thông điệp được đưa ra là: “Nếu các yêu sách đòi bồi thường trở nên quá gay go, không loại trừ việc sử dụng hành động quân sự để thay đổi mục tiêu.”

Gần đây, ĐCSTQ thường xuyên tổ chức tập trận quân sự nhắm vào phía Đài Loan, có nhà bình luận chính trị đã phân tích rằng cuộc tập trận quân sự là nhằm thể hiện ý chí cương quyết dùng vũ lực thống nhất Đài Loan, để chuyển hướng sự chú ý trong và ngoài nước nhằm giảm bớt áp lực của nhà cầm quyền này. Đối mặt với hiểm họa ngầm bùng phát dịch bệnh ở trong nước, áp lực nối lại sản xuất và công việc, áp lực từ truy cứu trách nhiệm của các nước trên thế giới… tất cả dường như đang ngoài sức chịu đựng của giới chức ĐCSTQ, không loại trừ sau này ĐCSTQ có thể áp dụng thường xuyên những hành động đột ngột kiểu này.

TrithucVN – 14/5/20