Đọc báo Pháp – 18/04/2020
Để đại dịch Covid-19 hoành hành: Dấu hiệu phương Tây suy tàn? – Trọng Thành
Đại dịch Covid-19 bùng lên từ Trung Quốc đang hoành hành khắp địa cầu, tiếp tục là chủ đề chính của các tuần báo Pháp giữa tháng 4/2020. Le Point truy tầm nguồn gốc các loài virus đáng sợ, với tựa trang nhất: ‘‘Các loài virus mới đến từ đâu?’’. Đối với Le Point, khủng hoảng y tế hiện nay gắn liền với cuộc khủng hoảng sinh thái, do chính các hoạt động khai thác thiên nhiên thái quá của xã hội con người.
L’Obs ghi nhận một số thành công tại những nước như ‘‘Đức, Đan Mạch, Israel hay Việt Nam…’’, trong đại dịch hiện nay. L’Express, với tựa đề ‘‘Covid-19: Những cuộc chiến tranh bí mật’’, chú ý đến những cạnh tranh khốc liệt giành giật trang thiết bị y tế. Trang bìa tuần san Courrier International đặt câu hỏi: Đại dịch Covid-19 có nguy cơ dẫn đến tình trạng khan hiếm thực phẩm hay không ?
Cơn hấp hối của đại văn hào Balzac
Tâm bão Covid-19 hiện nay là các nước phương Tây, đặc biệt các nước châu Âu. L’Obs và Le Point đều dành bài viết đầu tiên để phân tích những ý nghĩa sâu xa của đại dịch đối với các xã hội phương Tây. Trước hết xin giới thiệu bài xã luận của Le Point với tựa đề : ‘‘Sự suy tàn của phương Tây: Phải chăng đây là trạm áp chót, trước khi chuyến tầu dừng hẳn?’’.
Xã luận mở đầu với hình ảnh đại văn hào Honoré de Balzac trong những giờ cuối đời, được nhà văn Octave Mirbeau thuật lại: ‘‘Sự sống đã bắt rễ trong cơ thể của người đàn ông kỳ lạ này, bắt rễ sâu xa đến mức khó lòng mà rời bỏ một cơ thể đang trong trạng thái tan rã’’. Tác giả của bộ Tấn trò đời ‘‘chết từ bên dưới’’, nhưng phần ‘‘bên trên, tức não bộ của ông, vẫn hoàn toàn sung mãn, và ông dường như vẫn còn muốn viết cho tận đến khi trút hơi thở cuối cùng’’.
Nhà báo Franz-Olivier Giesbert đặt câu hỏi: có thể so sánh giờ phút hấp hối kỳ lạ của Balzac với chính nền văn minh phương Tây? Nhà báo Le Point dẫn tác phẩm ‘‘Sự suy tàn của phương Tây’’ của nhà triết học Đức Oswald Spengler, và nghiêm khắc nhấn mạnh là ‘‘cuộc khủng hoảng y tế hiện tại cho thấy rõ là chúng ta (tức các xã hội phương Tây) ‘‘không còn ở phía tích cực của nhân loại, tương lai của thế giới ngày càng đang được viết nên tại nửa kia của bán cầu, tại Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia’’, ba quốc gia có khả năng sẽ thống trị thế giới về mặt kinh tế trong vòng 10 đến 20 năm nữa.
Đọc thêm : Đại dịch Covid – 19 : Đại họa hay cơ may lớn cho cuộc chiến vì khí hậu?
Chính vì vậy, theo Le Point, cần ‘‘thảo luận về mô hình xã hội phương Tây’’. Sự phụ thuộc vào Trung Quốc về các trang thiết bị y tế cơ bản, như khẩu trang, phương tiện xét nghiệm hay máy thở, ‘‘cho thấy rõ tình trạng quá đỗi đuối sức của phương Tây’’. Riêng về nước Pháp, để vực dậy đất nước, Le Point đề xuất: tổng thống có trách nhiệm ‘‘đặt trở lại trung tâm xã hội các giá trị căn bản… như nỗ lực, lao động, hiệu quả, các nền tảng của chế độ Cộng hoà, đang bị tấn công từ mọi phía, và bị sói mòn từ bên trong’’. Theo Le Point, tổng thống có nghĩa vụ đề xuất một khế ước xã hội mới với công dân Pháp. Cụ thể là: làm việc nhiều hơn để đổi lấy đoàn kết nhiều hơn, ví dụ, với việc thiết lập một thu nhập tối thiểu toàn dân, cho phép bảo đảm cuộc sống cho những người khó khăn nhất.
Covid-19 : Căn bệnh của người nghèo
Về đại dịch Covid-19, L’Obs tuần này với bài viết mở đầu ‘‘Covid-19, căn bệnh của những người nghèo’’ dường như muốn đánh động dư luận về một thực tại, mà cho dù đã được nhắc đến, nhưng chưa được chú ý đủ mức. Theo L’Obs, virus corona đã ‘‘xâm nhập vào những điểm rạn nứt trong các xã hội phương Tây, và khiến cho những khuyết tật của các xã hội đó hiện ra’’ dưới ánh sáng ban ngày.
Bài phân tích của nhà báo Natacha Tatu nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 hoành hành tại chính tại các quốc gia giầu nhất hành tinh, nhưng các nạn nhân đông đảo nhất lại là những người nghèo. Tiếp theo giới y tế trên tuyến đầu, ‘‘những người ở bậc thang thấp nhất xã hội, nhân viên thu tiền ở siêu thị, người làm nghề đổ rác, người giúp việc tại gia đình, người vận chuyển hàng hoá đến tay người tiêu dùng… những người mà nghề nghiệp bấp bênh phải trả giá đắt nhất cho đại dịch’’. Trong bài diễn văn hôm 13/04, tổng thống Pháp dường như đã thừa nhận những người lao động âm thầm này là những người mà xã hội lẽ ra cần tri ân họ, nhưng ‘‘bản thân họ lại được trả lương quá thấp’’.
Đa số họ sống chen chúc trong những căn hộ chật hẹp, khiến nguy cơ lây nhiễm cao. Cũng chính nhóm dân cư này là nơi tỉ lệ cao về các bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, hay béo phì, khiến một khi nhiễm virus, bệnh tình thêm trầm trọng. Một nghiên cứu tại Pháp cho thấy 83% bệnh nhân Covid-19 phải vào khoa cấp cứu là những người béo phì hoặc dư cân.
Đây không chỉ là vấn đề riêng với nước Pháp, ở Mỹ, nhiều nghiên cứu cho thấy người da đen là các nạn nhân chính của dịch. Tại Chicago, dân Mỹ gốc Phi chỉ chiếm một phần ba dân số, nhưng chiếm hơn 70% người mắc bệnh Covid-19.
Con người tàn phá môi sinh: Virus như ‘‘bom nổ chậm’’
Về cội rễ của đại dịch Covid-19, Le Point dành nhiều trang cho hồ sơ : ‘‘Các virus mới từ đâu đến?’’, và có bài phỏng vấn giám đốc Bảo tàng Tự nhiên Quốc gia Pháp Bruno David, với tựa đề ‘‘Sức khoẻ con người, sức khoẻ động vật, và hệ sinh thái liên hệ mật thiết với nhau’’.
Le Point cảnh báo: với tình trạng con người khai thác thiên nhiên một cách ồ ạt như hiện nay, không sớm thì muộn cũng sẽ xuất hiện các loài virus mới nguy hiểm như SARS-CoV-2, thậm chí còn đáng sợ hơn. Chuyên gia về các virus mới xuất hiện, ông Eric Leroy, giám đốc nghiên cứu IRD (Pháp), lo ngại sự xuất hiện của các loài virus trong tương lai, kết hợp cả hai đặc điểm nguy hiểm, vừa có khả năng lây truyền nhanh chóng như H1N1, vừa có độc lực gây tử vong cao như H5N1.
Đọc thêm : Cội rễ của đại dịch Covid-19: Phá huỷ rừng già, tận diệt thú hoang
Nhiều nhà virus học ví các loài virus nguy hiểm, giống như ‘‘những trái bom nổ chậm‘’ có mặt ở khắp nơi trong thiên nhiên hoang dã, chỉ cần dịp thuận lợi là bùng phát. Một ví dụ là loại virus cực kỳ nguy hiểm Nipah, bùng thành dịch bệnh vào năm 1998, tại Malaysia, khi ngành công nghiệp trồng cây cọ lấy dầu phát triển, tàn phá thiên nhiên. Virus Nipah có tỷ lện tử vong từ 40 đến 75%. Dịch đã lan sang Ấn Độ. Hiện giờ virus Nipah tạm thời chỉ lưu hành tại một số vùng ở Ấn Độ. Cơ quan kiểm soát dịch bệnh Mỹ ước tính có ít nhất 48 loại virus mới tại Malaysia đang chờ chực tấn công con người, nếu có cơ hội.
Theo nhà thú y học Barbara Dufour, sức khỏe của nhân loại chỉ được bảo đảm nếu tôn trọng sinh thái, cần phải phối hợp mật thiết khoa học y tế với động vật học và nông học. Từ nhiều năm nay, Tổ Chức Y Tế Thế Giới chủ trương đường lối ‘’One Health’’ (Một sức khoẻ duy nhất) chính là theo hướng này. ‘’One Health‘’ đặt sức khoẻ con người, sức khoẻ động vật và sinh thái trong thể thống nhất ở cả ba cấp độ, địa phương, quốc gia và hành tinh. Một trong những mục tiêu chính là ngăn chặn nguy cơ các bệnh mới bùng phát thành đại dịch. Đây là cách tiếp cận cho phép giải quyết triệt để vấn đề. Tìm kiếm vác-xin và các phương pháp trị liệu chưa đủ để đối phó với các đại dịch.
Hốt hoảng dự trữ thực phẩm, khi thế giới được mùa
Cơn sốt dự trữ lương thực thực phẩm tại nhiều quốc gia, do đại dịch, có thể khiến các quốc gia nghèo nhất trở nên dễ tổn thương hơn là chủ đề chính của tuần san Courrier International. Xã luận Courrier International dẫn nhật báo Thổ Nhĩ Kỳ Cumhuriyet, cho biết việc vội vã đưa ra chính sách phong toả có thể khiến người dân hoảng sợ, đổ đi mua thực phẩm dự trữ, khiến các thành quả giãn cách xã hội chỉ trong một ngày tan thành mây khói.
Ngày 31/03, Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, Tổ Chức Thương Mại Thế Giới và Tổ Chức Y Tế Thế Giới kêu gọi cảnh báo việc đóng cửa biên giới, giới hạn xuất khẩu lương thực có thể gây ra tình trạng khan hiếm lương thực thực phẩm, khiến giá cả tăng vọt, về ngắn hạn. Một cuộc khủng hoảng hoàn toàn không đáng có, bởi sản xuất nông nghiệp năm nay được mùa. Theo Courrier International, cần phải
có hợp tác quốc tế để tránh tình trạng nỗi hoảng hốt lan rộng, thúc đẩy thêm lối hành xử mỗi người chỉ vì mình.
Việt Nam chống Covid-19: Thành tích và nỗi lo chế độ toàn trị trở lại
Ý nghĩa nhiều mặt của kinh nghiệm Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19, với nhiều điểm tích cực và tiêu cực, cũng là một đề tài chính của L’Obs, qua bài viết của nhà báo Pháp gốc Việt Đoàn Bùi. Theo nhà báo Đoàn Bùi, trong một thời gian dài bị coi là ‘‘nước nghèo’’, Việt Nam – ‘’một ốc đảo cộng sản tại Đông Nam Á’’ – đã được Tổ Chức Y Tế Thế Giới khen ngợi về các biện pháp đối phó với dịch Covid-19. Xếp hạng thứ 47 trong số các nền kinh tế thế giới, Việt Nam không có được phương tiện như Singapore hay Hàn Quốc, tuy nhiên, theo Đoàn Bùi, Hà Nội đã có một chiến lược hiệu quả, ‘‘với chi phí thấp’’. Cụ thể là từ rất sớm đã tiến hành cách ly trên diện rộng những người thuộc nhóm có nguy cơ lây nhiễm, vận động tuyên truyền rộng rãi trong dân chúng về nguy cơ dịch bệnh, tổ chức truy lùng quy mô những người trực tiếp hoặc gián tiếp tiếp xúc với người mang virus…
Đọc thêm : Việt Nam chống dịch thành công với tiềm lực hạn hẹp
Tuy nhiên, trong phần kết luận bài viết, nhà báo L’Obs cũng chỉ ra phương thức kiểm soát hiện nay đang có nguy cơ kích hoạt lại hệ thống kiểm soát người dân, ”với bàn tay sắt’’, của chế độ cộng sản trước đây, khi mỗi người dân có thể bị chính các láng giềng, thân nhân của mình theo dõi. Mọi quan hệ riêng tư của công dân có thể bị phơi bày trước con mắt bàn dân thiên hạ, nhân danh cuộc chiến chống dịch. Nhà báo Bùi Đoàn đặt câu hỏi với đầy lo ngại Nhiều người Việt Nam tự hào vì chính quyền bảo vệ được người dân trước virus corona và thành tích của Việt Nam chắc chắn hơn hẳn châu Âu hay nước Mỹ, nhưng ‘’với cái giá nào?’’.
Pháp: ‘‘Chính quyền đã làm gì từ ba tháng nay?’’
Để đại dịch Covid-19 làm tê liệt cả một xã hội, chính quyền có trách nhiệm đầu tiên. Le Point dành hai bài viết cho chủ đề này. Bài ‘‘Chính quyền đã làm gì từ ba tháng nay?’’, như một biên bản sự kiện, thuật lại các phản ứng của chính quyền Pháp, kể từ ngày mùng 3 tháng Giêng, ngày Paris lần đầu tiên biết đến virus mới gây bệnh viêm phổi cấp, xuất hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc.
Ngày 03/01, bộ Y Tế Pháp lần đầu tiên họp bàn về nguy cơ dịch bệnh từ Trung Quốc. Tức ba ngày sau khi Trung Quốc chính thức công bố với WHO về virus lạ. Ngày 17/02, nữ bộ trưởng Y Tế từ chức đúng vào lúc rất có thể đại dịch sẽ lan rộng toàn cầu, nước Pháp không tránh khỏi bị cuốn vào… Ngày 22/02, theo các chuyên gia, trong khoảng 11 ngày, nếu không có biện pháp, Pháp sẽ rơi vào thảm kịch như Ý… Ngày 05/03, tổng thống Pháp triệu tập cuộc họp bất thường khoảng 30 chuyên gia y khoa, bác sĩ. Giới y tế bất đồng trong đánh giá triển vọng dịch. Trong lúc nhà miễn dịch học Arnaud Fontanet (Viện Pasteur) báo động nguy cơ, thì bác sĩ Didier Raoult (Marseille), người chủ trương điều trị Covid-19 bằng Chloroquine, tỏ ra bình thản. Bác sĩ Jean-François Delfraissy cảnh báo với tổng thống: người dân Pháp hiện nay không nhận thức được nguy cơ khủng khiếp đang đến… Bài ‘‘Chính quyền đã làm gì từ ba tháng nay?’’ của Le Point không đưa ra các đánh giá, mà chỉ mô tả chi tiết về phản ứng khác nhau từ phía chính quyền.
Uẩn khúc sau khủng hoảng chưa từng có: Tổng thống Pháp giãi bày
Cũng Le Point có cuộc phỏng vấn tổng thống Emmanuel Macron tại điện Elysée. Người đứng đầu nhà nước Pháp giãi bày với Le Point những suy nghĩ, cảm nhận của ông về những thời điểm mang tính bước ngoặt trong ‘‘cuộc khủng hoảng chưa từng có’’ này.
Cuộc phỏng vấn hơn một tiếng đồng hồ của Le Point với tổng thống Pháp ngày 10/04, mang tựa đề ‘‘Tôi tin tưởng vào Nhà nước’’, là một tư liệu quý giá với những ai muốn đi sâu tìm hiểu cách người đứng đầu nhà nước Pháp nhìn nhận về những lúng túng, khó khăn về phía chính quyền, trong việc đối phó với đại dịch Covid-19. Bài phỏng vấn, đúng hơn là bài thuật lại cuộc phỏng vấn của phóng viên Le Point tại điện Elysée, chuyển tải nhiều nhận định riêng của nhà báo về cuộc đối thoại với nguyên thủ Pháp, về hàng loạt chủ đề được coi là nhạy cảm: từ vấn đề vai trò của nữ cựu bộ trưởng Y Tế Agnès Buzyn đến quá trình đi đến quyết định phong tỏa không dễ dàng hay khủng hoảng thiếu khẩu trang… Le Point ghi nhận, tổng thống Pháp một mặt giãi bày để công chúng có đủ thông tin, nhưng ông cũng thường xuyên khẳng định: Tôi chịu trách nhiệm.
Nhìn chung, theo Le Point, tổng thống Pháp tỏ ra khiêm nhường, thể hiện là người lắng nghe những nỗi lo âu của xã hội. Điều mà nguyên thủ Pháp hướng đến hiện nay, trong những tháng tới, là xác lập được những định hướng mới sau cuộc khủng hoảng chưa từng có này, chia sẻ với người dân Pháp, thuyết phục họ cùng làm theo.
Tập đoàn Elior: Pháp bảo vệ cả người lao động và doanh nghiệp
Trong lúc Le Point ‘‘lập biên bản’’ về các phản ứng của chính quyền Pháp trước đại dịch Covid-19, thì L’Obs thuật lại cơn chấn động Covid-19, thông qua lời kể của lãnh đạo tập đoàn Elior đa quốc gia của Pháp, chuyên về các dịch vụ ẩm thực. Tập đoàn Elior hoạt động tại ba châu Âu, Á, Mỹ, với hơn 23.000 nhà hàng, 110.000 nhân viên, phục vụ 5 triệu suất ăn mỗi ngày.
Sau quyết định phong toả tại Pháp, tại Mỹ, tại Ấn Độ, tập đoàn Elior bị đặt trước tình trạng phải ngừng hoạt động, nhưng cố gắng không bỏ rơi các nhân viên. Theo tổng giám đốc tập đoàn, tình huống này cho thấy tính ưu việt của nước Pháp trong việc bảo vệ người lao động. Với nước Pháp, người làm công ăn lương bị buộc phải nghỉ việc sẽ được chính quyền bảo đảm duy trì 84% lương. Tại Mỹ, 8.000 nhân viên của hãng được nhận phụ cấp thất nghiệp, trong lúc tập đoàn bỏ tiền chi bảo hiểm y tế cho các nhân viên nghỉ việc, nhưng vẫn duy trì hợp đồng lao động với công ty. Tại Ấn Độ, tình hình rất khác, vì hoàn toàn không có trợ giúp gì từ phía Nhà nước, trong lúc công ty lại không được sa thải nhân viên. Nhìn chung, theo lãnh đạo Elior, chính sách của nước Pháp bảo vệ tốt cả người làm công lẫn doanh nghiệp.
Tin tổng hợp
(Yonhap) – Bắc Triều Tiên lại vi phạm nghị quyết Liên Hiệp Quốc.
Trong một báo cáo được báo chí đăng tải hôm qua, 17/04/2020, một ủy ban chuyên gia của Liên Hiệp Quốc cho biết trong 10 tháng đầu năm 2019, Bắc Triều Tiên nhập khẩu lượng xăng gấp 8 lần quy định của nghị quyết trừng phạt. Báo cáo dày 267 trang đã được đưa lên Hội Đồng Bảo An trong bối cảnh chế độ Kim Jong Un liên tục phóng tên lửa đủ loại ra biển Nhật Bản.
(Reuters) – 700 thủy thủ Đài Loan bị cách ly” vì nghi ngờ nhiễm virus corona.
Đài Bắc ngày 18/04/2020 thông báo phát hiện ba ca lây nhiễm trên một trong số đội tàu của Hải Quân Đài Loan vừa hoàn thành một nhiệm vụ ở quần đảo Palaos trở về. Đây là những ca đầu tiên được phát hiện trong hàng ngũ quân đội Đài Loan. Lập tức chính phủ ra lệnh cách ly 700 thủy thủ, khử trùng tất cả các tàu liên quan
(AFP)- Bệnh viện dã chiến tại Mulhouse giảm 1/3 số giường điều trị Covid-19.
Đây là một tin vui cho thấy tình hình dịch bệnh đã thuyên giảm tại miền đông bắc nước Pháp. Một giới chức trong quân đội Pháp ngày 17/04/2020 cho biết số giường đã được giảm từ 30 xuống còn 20. Hoạt động từ ngày 24/03/2020, bệnh viện dã chiến tại Mulhouse giúp giảm bớt áp lực cho các bệnh viện trong vùng Grand Est. Tới nay đã có 43 bệnh nhân được điều trị tại đây.
(AFP)- Trình diễn tại nhà để quyên góp cho nhân viên y tế.
Hưởng ứng lời kêu gọi của danh ca Lady Gaga, ban Rolling Stones và nhiều ngôi sao âm nhạc quốc tế trình diễn tại nhà để quyên góp ủng hộ nhân viên y tế chống Covid-19. Với sự hỗ trợ của tổ chức Công Dân Toàn Cầu và của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Lady Gaga đã thuyết phục được từ Céline Dion đến Elton John, Paul McCartney, Stevie Wonder hay Taylor Swift, Billie Eilish, cùng tham gia một buổi trình diễn dài 6 giờ đồng hồ và được phát qua đài truyền hình vào tối 18/04/2020. Số tiền thu được nhằm đóng góp cho các bệnh viện đang phải đối mặt với dịch bệnh.
http://www.rfi.fr/vi/t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p/20200418-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 18/4:
Hiệp hội Y tế Thế giới
gửi thư cho WHO bày tỏ sự ủng hộ Đài Loan
Băng Thanh
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Bảy (18/4) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Hiệp hội Y tế Thế giới gửi thư cho WHO bày tỏ sự ủng hộ Đài Loan
Các báo cáo hôm 17/4 cho biết, Hiệp hội Y tế Thế giới (WMA) đã viết một lá thư gửi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề nghị Đài Loan được phép tham dự Hội nghị Y tế Thế giới (WHA), theo Taiwan News.
Theo bức thư, sự bùng phát virus “minh họa cho những hậu quả sai lầm khủng khiếp và gây thiệt hại cho sức khỏe toàn cầu như thế nào” khi loại trừ Đài Loan khỏi Tổ chức Y tế Thế giới.
Bức thư cho biết, cả trong cuộc khủng hoảng SARS năm 2003 và đại dịch hiện nay, WHO đã không chú ý đầy đủ đến Đài Loan, khiến thế giới “phải trả giá cao”.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên vắng mặt trong lễ kỷ niệm quan trọng
Theo Reuters, hôm 17/4, các nhà phân tích cho biết, sự vắng mặt của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong một sự kiện kỷ niệm quan trọng trong tuần này, đã gợi lại những suy đoán về các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn của ông.
Trước đó, vào hôm 15/4, Triều Tiên đã kỷ niệm sinh nhật của ông Kim Nhật Thành, người lãnh đạo đầu tiên của Bắc Triều Tiên từ khi thành lập nước này vào năm 1948. Đây cũng là ông nội của lãnh đạo đương nhiệm Kim Jong Un, nhưng không thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên này tham gia lễ kỷ niệm.
Cheong Seong-chang, một thành viên cao cấp tại Viện Sejong của Hàn Quốc cho biết đây là lần đầu tiên sau nhiều thập niên, chuyến thăm của Kim Jong Un tới nơi lưu giữ di thể của ông nội Kim Nhật Thành đã không được báo cáo trên truyền thông nhà nước kể từ khi ông lên nắm quyền.
Tàu khảo sát Trung Quốc bám sát tàu khoan Malaysia
Reuters hôm 17/4 dẫn ba nguồn tin cho biết, tàu Địa Chất Hải Dương 8 của Trung Quốc bám theo tàu khoan West Capella do công ty dầu khí Malaysia Petronas vận hành trên Biển Đông.
Tàu khảo sát Địa Chất Hải Dương 8 có lúc được 10 tàu Trung Quốc hộ tống, gồm các tàu hải cảnh và tàu của lực lượng dân binh, một nguồn tin an ninh Malaysia cho biết.
Dữ liệu của Marine Traffic, trang web chuyên theo dõi tàu biển, cho thấy Địa Chất Hải Dương 8 hôm nay ở vị trí cách bờ biển Malaysia 324 km. Vùng biển tàu Địa Chất Hải Dương 8 và tàu khoan West Capella hoạt động nằm gần khu vực tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc và Malaysia.
Văn phòng Thủ tướng, Bộ Quốc phòng Malaysia, hãng Petronas cùng Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa bình luận về thông tin.
WHO tiếp tục ca ngợi Trung Quốc, tuyên bố việc sửa số liệu tử vong do Covid-19 là ‘bình thường’
AFP đưa tin, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng việc điều chỉnh số liệu về dịch Covid-19 là bình thường và các nước khác có thể sẽ làm tương tự để có thống kê chính xác nhất.
Trước đó, giới chức Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 17/4 bất ngờ điều chỉnh số liệu về số người chết và mắc Covid-19 tại địa phương này. Trong đó đáng chú ý là số người chết tăng thêm gần 1.300 ca, gấp rưỡi con số ban đầu, nâng tổng số người chết tại nơi từng là tâm dịch Covid-19 của thế giới lên 3.869 ca.
Bình luận về động thái này của giới chức Vũ Hán, lãnh đạo WHO cho rằng, việc điều chỉnh này nhằm “không bỏ sót ca bệnh nào” vì khi ở giai đoạn đầu bùng phát dịch, giới chức y tế Vũ Hán có thể đã quá tải nên khó tránh khỏi sai sót thống kê.
Tuy vậy, con số tử vong thực sự tại Vũ Hán sau điều chỉnh vẫn có thể là quá nhỏ và không sát với thực tế. Theo một nghiên cứu gần đây, số ca tử vong vì Covid-19 tại Vũ Hán có thể cao gấp 20 lần con số chính thức.
Các nhà nghiên cứu phát hiện triệu chứng mới khi nhiễm Covid-19: tổn thương bàn chân
Fox News hôm 17/4 đưa tin, các nhà nghiên cứu ở Tây Ban Nha cho rằng họ đã phát hiện ra một triệu chứng khác ở bàn chân của những người nhiễm virus Vũ Hán.
“Các triệu chứng tương tự đang ngày càng được phát hiện ở bệnh nhân nhiễm Covid-19, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên, mặc dù một số trường hợp cũng đã được phát hiện ở người lớn”, tuyên bố từ các nhà nghiên cứu ở Tây Ban Nha cho biết. “Đây là những tổn thương màu tím (rất giống với bệnh thủy đậu, sởi) thường xuất hiện quanh ngón chân và thường lành mà không để lại dấu vết trên da”.
Các nhà nghiên cứu cho biết, tổn thương trên đã được phát hiện ở các bệnh nhân nhiễm virus Vũ Hán tại Ý, Pháp và Tây Ban Nha.
Điểm tin thế giới chiều 18/4:
Covid-19 có dấu hiệu lan rộng hơn rất nhiều
so với nhận định ban đầu
Quý Khải
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Bảy (18/4) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Covid-19 có dấu hiệu lan rộng hơn rất nhiều so với nhận định ban đầu
Một nghiên cứu mới ở bang California (Mỹ) phát hiện số người nhiễm Covid-19 có thể cao gấp hàng chục lần so với dự đoán trước đây, theo The Guardian.
Nghiên cứu từ Đại học Stanford, được công bố hôm thứ Sáu (17/4) nhưng chưa được bình duyệt, đã lấy mẫu thử nghiệm từ 3.330 người ở hạt Santa Clara, phát hiện virus này phổ biến hơn 50 đến 85 lần so với số liệu chính thức.
Để nới lỏng tình trạng phong tỏa được thiết lập hiện tại nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, các quan chức y tế trước tiên phải xác định có bao nhiêu người nhiễm bệnh. Các nghiên cứu quy mô lớn về sự lây nhiễm virus trong một khu vực có thể đóng vai trò quan trọng, các nhà nghiên cứu cho biết.
Thuốc trị Covid-19 của Gilead có hiệu quả khả quan
Một bệnh viện ở Chicago điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng với thuốc kháng vi rút Remdesivir của Gilead đang chứng kiến sự phục hồi nhanh chóng và thuyên giảm các triệu chứng sốt và khó thở, gần như tất cả bệnh nhân đều được xuất viện trong chưa đầy một tuần, tờ STAT cho hay.
Remdesivir là một trong những loại thuốc đầu tiên được xác định có khả năng tác động đến SARS-CoV-2, loại virus corona chủng mới gây ra Covid-19, trong các thử nghiệm phòng thí nghiệm. Cả thế giới đang chờ đợi kết quả từ các thử nghiệm lâm sàng của Gilead, và kết quả tích cực bước đầu có thể sẽ đẩy nhanh tiến trình phê duyệt của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA và các cơ quan quản lý khác. Nếu an toàn và hiệu quả, nó có thể trở thành phương pháp điều trị đầu tiên chống lại căn bệnh này.
Trường Y Đại học Chicago đã tuyển 125 người mắc Covid-19 vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của Gilead. Trong số những người này, 113 người mắc bệnh nặng. Tất cả các bệnh nhân đã được điều trị bằng truyền dịch hàng ngày với remdesivir.
Tài liệu mật rò rỉ tiết lộ Trung Quốc đã biết trước Covid-19 sẽ trở thành đại dịch toàn cầu
Các tài liệu chính phủ nội bộ của Trung Quốc mà hãng tin AP thu thập được cho thấy ngay từ thời điểm giữa tháng 1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã biết chắc Covid-19 sẽ bùng phát thành “đại dịch”, và là một căn bệnh rất dễ lây lan giữa người với người. Nhưng cùng lúc đó Trung Quốc lại nói với Tổ chức Y tế Thế giới ( WHO) rằng “không có bằng chứng nào về khả năng lây truyền từ người sang người”, theo Infowars.
AP cũng lưu ý rằng các bản ghi nhớ “cho thấy người đứng đầu Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, Ma Xiaowei, đã đưa ra một đánh giá tiêu cực ảm đạm về tình hình dịch bệnh vào ngày 14/1 trong một cuộc họp từ xa bí mật với các quan chức y tế tỉnh”.
“Tình hình dịch bệnh vẫn còn nghiêm trọng và phức tạp, đây là thách thức nghiêm trọng nhất kể từ dịch SARS năm 2003, và có khả năng phát triển thành một cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng lớn”, ông Ma cảnh báo, theo trích dẫn trong tài liệu.
Anh: Sau đại dịch, quan hệ với Trung Quốc sẽ không còn như xưa
Mối quan hệ giữa London với Bắc Kinh sẽ không còn “như thường lệ” sau khi đại dịch COVID-19 kết thúc, Bộ trưởng Ngoại giao Anh và quyền Thủ tướng Dominic Raab nói, một động thái thể hiện lập trường cứng rắn đối với cách xử lý dịch bệnh của chính quyền Trung Quốc, theo The Epoch Times.
Raab, người đang tạm thay thế vai trò Thủ tướng Boris Johnson khi ông hồi phục từ Covid-19, nhận định: “Hiển nhiên, hai bên sẽ không thể duy trì mối quan hệ như xưa sau cuộc khủng hoảng này, và chúng ta sẽ phải đặt ra những câu hỏi khó về cách thức virus này xuất hiện và liệu dịch bệnh có thể được ngăn chặn sớm hơn”.
Những bình luận của ông được đưa ra trong bối cảnh Hoa Kỳ leo thang chỉ trích Trung Quốc về sự thiếu minh bạch trong đại dịch. Trong khi đó, nhiều nhà lập pháp Hoa Kỳ đã kêu gọi Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về vai trò của mình trong việc che đậy sự bùng phát Covid-19, khiến dịch bệnh lan rộng ra toàn cầu.
Triều Tiên thúc đẩy chương trình hạt nhân và hoạt động thương mại bất hợp pháp
Triều Tiên đang thúc đẩy chương trình hạt nhân và gia tăng hoạt động buôn bán bất hợp pháp theo những cách thức mới và mờ ám hơn, theo báo cáo mới của Liên Hợp Quốc, hãng tin CBS News cho hay.
Báo cáo tuyên bố Triều Tiên đã không dừng lại “các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân bất hợp pháp, ngược lại tiếp tục tăng cường, từ đó vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an”, và “họ tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng và nền tảng cho chương trình tên lửa của mình”.
Hai thử nghiệm động cơ tên lửa vào ngày 7 và 13 tháng 12 năm 2019, có thể “nhằm mục đích hội tụ điều kiện cho việc vận hành động cơ tên lửa đạn đạo liên lục địa mới (nhiên liệu lỏng) hoặc kiểm tra các lô động cơ hiện có trong kho (có thể là nhiên liệu rắn)”, theo báo cáo. Nhưng dù bằng cách nào, báo cáo kết luận, chúng đều “chỉ ra một giai đoạn mới trong chương trình tên lửa đạn đạo của nước này”.